Ở Ấn Độ, các dịch vụ đường phố phong phú với các nha sĩ hành nghề cùng với các dịch vụ đường phố khác, chẳng hạn như những người bào chế thuốc, thợ sửa chữa và các thợ hớt tóc…
Những người làm nghề nha bình dân này tính chi phí rẻ hơn so với các nha sĩ được cấp giấy phép, thường thì mỗi lần họ chỉ tính khách hàng 125 rupee cho một cái cầu răng giả, trong khi đó những nha sĩ có giấy phép sẽ tính tiền cái cầu răng giả này với giá 10.000 rupee. Nhiều nha sĩ đường phố học nghề từ gia đình, theo cách cha truyền con nối.
Lấp đầy khoảng trống giữa người nghèo
Vào năm 1948, chính phủ Ấn Độ đã thông qua một đạo luật chỉ cho phép các nha sĩ đã có giấy phép được điều trị bệnh nhân, nhưng văn bản mơ hồ và sự lỗi thời của pháp luật đã cho phép nhiều người không đăng ký hoạt động.
Tại thành phố Bangalore của Ấn Độ, bất kể tiếng xe buýt ồn ào và những người hiếu kỳ, nha sĩ đường phố Allah Baksh cho tay vào miệng của bệnh nhân để ướm bộ răng giả lóng lánh giá 12 USD. Với chiếc ghế đẩu bằng nhựa, gương và một cái thùng kính bày biện những chiếc răng, Baksh là một trong số hàng trăm nha sĩ như vậy, họ đã làm cho các đối tác có giấy phép của mình phải cau mày trong đất nước Ấn Độ đang tiến nhanh trên đà hiện đại hóa.
Nhưng người đàn ông 59 tuổi này khẳng định rằng ông đang cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho hàng chục triệu người nghèo, họ không có đủ khả năng tài chính để đến với một phòng khám đã được tiệt trùng.
“Có hàng triệu người nghèo ở đất nước này, họ không thể trả chi phí cho điều trị nha khoa đắt tiền”, ông Baksh nói với đài AFP giữa các khách hàng tại phòng khám tạm thời của mình, giữa các dụng cụ của ông là một cái giũa lớn bằng kim loại.
“Nhưng họ cũng có quyền được điều trị và thẩm mỹ”, vừa nói ông vừa trộn hỗn hợp bột nhão trám răng màu hồng bằng những ngón tay trên một chiếc muỗng nhỏ. “Tôi biết làm như vầy là thiếu vệ sinh, nhưng nếu tôi sử dụng các dụng cụ tinh vi thì người đàn ông nghèo này sẽ không đến đây”.
Từ các nha sĩ đến những người đánh bóng giày, thợ cắt tóc và đầu bếp, các dịch vụ đường phố là một bộ phận đã ăn sâu trong đời sống Ấn Độ, đặc biệt là trong giới nghèo.
Baksh chưa bao giờ được đào tạo chính thức như một nha sĩ: ông học các kỹ năng của mình từ cha. Năm 1948, cha ông đã đặt chân đến vùng nước đọng im lìm ở miền Nam, nơi hiện nay đã chuyển mình thành một trung tâm công nghệ thông tin trong khu vực và là một đô thị phát triển mạnh.
Cùng với người em trai, con trai và cháu trai, Baksh đã thành lập điểm khám của họ cách đây 14 năm phía ngoài một trạm xe buýt, ở đó họ cùng nhau làm và lắp răng giả cho khoảng 20 khách hàng mỗi ngày.
Một bộ răng giả đầy đủ, tạo khuôn và sẵn sàng để lắp đặt được thực hiện trong vòng 30 phút, giá thành ít nhất là 800 rupee (12 USD), trong khi đó một chiếc răng giả đơn thuần bán với giá 50 rupee (khoảng 80 xu Mỹ). Các dụng cụ được rửa kỹ bằng xà bông và nước, nhưng không được khử trùng.
Những chiếc răng giả với đủ các hình dạng và kích cỡ như vậy đều được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ từ xi măng nha khoa. Sau đó, một chất bám dính màu hồng được tạo khuôn thành nướu và những chiếc răng được gắn vào. Các nha sĩ đường phố nói rằng sản phẩm của họ có độ bền ít nhất được bốn năm.
Tuy luật lệ về nha khoa ở Ấn Độ đã có từ năm 1948, nhưng do quy định không rõ ràng nên các nha sĩ đường phố đã không đăng ký hoạt động. Tại các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai, con các số nha sĩ đường phố đã giảm xuống dần trong những năm gần đây do việc tăng cường nhận thức lây nhiễm bệnh HIV / AIDS và những bệnh khác, đồng thời do mức thu nhập của những khách hàng có tăng lên, cũng như sự gia tăng con số các nha sĩ được đào tạo.
Nhưng những nha sĩ đường phố vẫn làm ăn phát đạt tại những thành phố nhỏ và những thị trấn, mặc dù chỉ còn ít người lấy tủy răng (lấy gân máu), trám răng hay các trị liệu khác.
“Có hàng ngàn người hành nghề như thế”, Tổng thư ký Hiệp hội Nha khoa Ấn Độ Ashok Dhoble nói. “Ngành công nghiệp chăm sóc răng miệng vẫn còn đang trong giai đoạn phôi thai và điều ngạc nhiên là chúng tôi vẫn chưa có số liệu về các nha sĩ đủ trình độ chuyên môn ở Ấn Độ”. Ông Dhoble cho biết mỗi năm có 30.000 sinh viên tốt nghiệp tham gia nghề nha khoa, nhưng Ấn Độ vẫn chỉ có tỉ lệ một nha sĩ trên 10.000 người ở khu vực thành thị và khoảng 250.000 người ở vùng nông thôn, theo dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ.
Khi nghề nha sĩ đường phố đã hết thịnh hành
Ông Dhoble gọi những nha sĩ không có giấy phép hành nghề là lang băm, họ không đánh giá được nguy cơ, mặc dù còn thiếu các dịch vụ siêu rẻ do những nha sĩ có giấy phép cung cấp cho người nghèo. Ông nói: “Phải cấm họ và buộc họ phải tìm các việc làm khác. Chúng ta không thể để cách chữa trị rẻ tiền như vậy trở thành một cái cớ để tiếp tục cho họ hành nghề”.
Trong khu phố cổ đông đúc của Delhi, nha sĩ thế hệ thứ ba Satvinder Singh, 48 tuổi, vẫn làm răng giả cho các bệnh nhân trên vỉa hè. Nhiều áp phích quảng cáo dịch vụ của anh được trưng bày xung quanh chỗ anh làm cũng như của vô số những người bán dạo chen chúc trên mặt bằng. Singh cho biết nghề của anh đang lụi tàn dần vì sự phát triển của giới nha sĩ chính thức ở Ấn Độ cùng với nhiều khách hàng có ý thức vệ sinh tốt hơn. Anh nói: “Cách đây vài chục năm, mỗi ngày tôi thường có 30 khách hàng. Bây giờ kiếm được hai người một ngày cũng khó. Ở tuổi của tôi, tôi không thể thay đổi nghề nghiệp được nữa. Các con trai của tôi theo ngành nghề khác. Tôi không muốn chúng ở đây”.
Singh cho biết cách đây vài thập niên, các thương nhân từ một chợ gia vị gần đó, thuộc loại lớn nhất châu Á, còn xếp hàng đợi làm răng giả bằng vàng và bạc cho mình, rất thịnh hành vào thời đó. “Trước đây người giàu và người nghèo đều ghé thăm chúng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi đang ế khách”, anh nói.
Về phần mình, Baksh quyết bám trụ với nghề, nói mình đang cải thiện cuộc sống của những người nghèo, và ông sẽ tiếp tục duy trì truyền thống của gia đình ông. “Chúng tôi làm cho hàng ngàn khách hàng hài lòng, họ không chỉ trả tiền cho chúng tôi mà còn chúc lành cho chúng tôi nữa”.
Lang băm hay cứu tinh?
Đối với một số người như Gulab Jan đến từ Devarjeevanahalli, những người thợ nha khoa này là những vị cứu tinh thực sự. Jan tâm sự: “Tôi bị bệnh tiểu đường nặng nên hầu hết răng của tôi đã bị rụng, buộc tôi chỉ ăn được những thức ăn lỏng trong một số năm. Một người hàng xóm khuyên tôi đến thăm Chợ KR (tức Krishna Rajendra Market, còn có tên là Chợ Thành Phố – City Market) ở Bangalore, và bây giờ tôi đã trồng được 16 chiếc răng giả, có thể bắt đầu ăn lại một số món ăn ngon một lần nữa. Ông Jan là một thành viên của đảng Quốc Đại ở Ấn Độ, tới thăm nơi làm ăn của Imran Pasha, một nha sĩ đường phố ở gần chợ hoa.
Theo ông Saroja, 50 tuổi, một thợ đóng giày tại bến xe buýt Shivajinagar, những người hành nghề nha khoa ở Chợ Thành Phố rất độc đáo. Ông nói: “Cho đến năm 2014, có một người từng sửa răng ở phía bên ngoài nhà thờ Đức Bà Mary nhưng anh ấy đã qua đời. Bây giờ không có nơi nào khác ngoài Chợ Thành Phố, ở đó mọi người có thể đến để trồng một bộ răng giả tốt. Ở những bệnh viện thông thường giá cả vốn đắt đỏ và thực sự không thể kết nối với những người như chúng tôi”.
Lịch sử nha khoa đường phố
Trước thế kỷ 20, nha khoa hầu như không được kiểm soát. Ở châu Âu thời Trung cổ, nha khoa thường do các tu sĩ đảm trách, phần lớn họ có được đào tạo. Những thợ cắt tóc và thợ rèn cũng thực hiện các dịch vụ nha khoa. Một trong những nỗ lực đầu tiên để điều chỉnh thực hành nha khoa đã diễn ra ở Pháp vào năm 1400, khi những sắc lệnh của hoàng gia cấm các thợ cắt tóc không nằm trong Hội Những Thợ Cắt Tóc về việc thực hành các vụ phẫu thuật, ngoại trừ các việc như lấy máu, giác hơi, thầy lang và nhổ răng.
Tại Hoa Kỳ vào năm 1840, hai ông Horace H. Hayden và Chapin Harris đã thành lập trường nha khoa đầu tiên trên thế giới, có tên là Đại học Phẫu thuật Nha khoa Baltimore và lập ra bằng bác sĩ phẫu thuật nha khoa. Trong cùng năm đó, tổ chức nha khoa quốc gia đầu tiên trên thế giới, Hội Bác sĩ Phẫu thuật nha khoa Hoa Kỳ, được thành lập. Tuy vậy, các nha sĩ không có giấy phép vẫn tiếp tục hoạt động, thường cung cấp các dịch vụ kém hơn, và một số người đã bị truy tố.
Vào đầu những năm 1900, có tới 5.000 nha sĩ không có giấy phép đã hành nghề ở New York. Năm 1900, Ủy ban Luật của Hội Nha khoa tiểu bang New York đã nhận được 283 đơn khiếu nại. Một số bệnh nhân chết do nhiễm trùng và áp-xe do thiếu vệ sinh. Những người khác chết do sử dụng thuốc gây mê không đúng cách. Theo một tờ báo vào năm 1910, phần hiều những nha sĩ này là những người nhập cư, họ đến từ các quốc gia chưa từng điều chỉnh luật lệ về nha khoa một cách nghiêm nhặt.
- Xem thêm: Nhìn răng để kiểm tra sức khỏe