Hơn 100 bức tranh trừu tượng của cố họa sĩ – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Lai đã được gia đình ông tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 5-4 đến 16-4-2017). Với tên gọi “Khoảng lắng vuông”, triển lãm nhằm tưởng nhớ một nghệ sĩ đã hiến dâng đời mình cho nhiếp ảnh và hội họa.
Nghệ sĩ tạo hình Nguyễn Lai sinh năm 1948, qua đời vào đầu năm 2016. Theo lời người thân của ông, Nguyễn Lai đã sớm đam mê vẽ tranh từ thiếu thời, nhưng vì lý do gia đình ông tạm gác giấc mơ hội họa để rồi gắn bó với nhiếp ảnh trong những năm tuổi trẻ. Với nhiếp ảnh nghệ thuật, ông đã có một số triển lãm ảnh mà được biết nhiều nhất là cuộc trưng bày bộ ảnh mặt nạ với tên gọi “Cõi tĩnh lặng” tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) vào tháng 6-2005. Cũng trong năm 2005, ông còn có triển lãm “Chân dung một chặng đường” tại Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh.
Về quê nhà năm 2001, sau năm năm định cư tại Mỹ cũng là lúc Nguyễn Lai trở lại với đam mê hội họa. Ông gia nhập Câu lạc bộ Mekong Art của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, có tranh dự triển lãm thường niên của câu lạc bộ cũng như tham gia nhiều triển lãm nhóm khác. Tháng 3-2011, Nguyễn Lai có triển lãm cá nhân với tên gọi “Dòng chảy trừu tượng” tại Trung tâm Triển lãm Hòa Bình của Đà Lạt, nơi ông bày 26 bức tranh sơn dầu khổ lớn được thực hiện tại thành phố hoa. Đến tháng 5-2015, cũng tại Trung tâm Triển lãm Hòa Bình của Đà Lạt, Nguyễn Lai cùng Võ Trịnh Biện, một họa sĩ tự học khác của Đà Lạt, chuyên vẽ tranh bằng mười đầu ngón tay, tổ chức triển lãm chung với tên gọi “Trừu tượng và trừu tượng” với khoảng 60 tranh của hai ông. Trở về với thế giới của sắc màu, bắt đầu từ khoảng năm 2008 Nguyễn Lai hầu như chỉ vẽ tranh trừu tượng với mong muốn khuynh hướng hội họa này ngày càng có được nhiều người yêu thích thưởng ngoạn.
Tranh trừu tượng của Nguyễn Lai được ông vẽ bằng bay và trong khuôn khổ hình vuông với nhiều cỡ, được ông gọi là “trừu tượng vuông”. Đó là những khoảng lắng trong tâm hồn người sáng tác khi ông chiêm nghiệm cuộc đời hữu hạn và kiếp người hư ảo dưới ánh sáng của Thiền tông. Cách nào đó có thể giải thích ngắn gọn vẽ tranh trừu tượng là không vẽ cái nhìn thấy của thế giới thực tại mà vẽ những cảm xúc, ngẫm ngợi, tư duy, thấu thị mà người nghệ sĩ có được từ thế giới thực tại. Thế giới hội họa trừu tượng của Nguyễn Lai là những chuyển động sắc màu từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, tạo được ấn tượng thị giác vốn là điều quan trọng đối với một người nhiều năm cầm máy như ông, theo nhận định của nữ họa sĩ Trần Thùy Linh, người có nhiều năm hợp tác với ông trong một dự án nghệ thuật. Cũng theo Thùy Linh, tranh Nguyễn Lai khiến “người xem như lạc vào một cõi tiềm thức, xa xăm hư ảo nhưng cũng rất thực. Ông vẽ lên một miền sâu kín của chính mình mà cũng là của kiếp người. Những chiêm nghiệm, những đớn đau, những giấc mơ về sự giải thoát, những câu truyện thần thoại, những miền cực lạc…, tất cả được thể hiện bằng bảng màu mạnh, đôi khi chát chúa và vượt ra khỏi những nguyên tắc thông thường, gợi rất nhiều suy tư cho người thưởng ngoạn”.
Ngoài tranh, tại triển lãm “Khoảng lắng vuông” còn có bộ ảnh tám bức của triển lãm mặt nạ “Cõi tĩnh lặng” đáng nhớ của Nguyễn Lai.
- Phạm Đán Bình