Triển lãm mang đến cho công chúng một cái nhìn toàn cảnh về Sài Gòn dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Với các nhiếp ảnh gia, họ không chỉ đơn giản chụp hình bằng những cú bấm máy kỹ thuật, mà qua đó họ muốn kể những câu chuyện đường phố, những cuộc mưu sinh của những-người-sống-ở-Sài-Gòn.
Andrew Wilkinson – nhiếp ảnh gia sinh năm 1953 cho biết, ở Anh ông chụp nhiều thể loại, từ ảnh cưới, gia đình, sự kiện thương mại… Việc ông đến Việt Nam và thực hiện bộ ảnh này cũng là một sự tình cờ mang lại cho ông nhiều hứng thú. Từ thời trẻ, ông đã quan tâm đến ảnh nghệ thuật, nhưng công việc khiến ông không có thời gian. Cho đến khoảng chục năm gần đây ông mới bắt đầu thực hiện ý tưởng nghệ thuật của mình.
Mỗi lần đi đến nơi đâu, con người mang lại cho ông nhiều cảm xúc đặc biệt, bởi họ là “chữ ký” của nơi đó và là một phần của thế giới. Ông dành nhiều tình cảm cho những người dân bình thường nơi ông đến. Với Andrew, ông biết đến Việt Nam qua các tin tức về chiến tranh trên đài BBC. Ông rất sốc khi được xem bức ảnh chiến tranh về Kim Phúc và đã khóc cho cô gái ấy. Ông tự hứa sẽ đến Việt Nam để hiểu hơn về con người, đất nước này. Và khi sang Singapore làm việc, Andrew đã tranh thủ đến Việt Nam.
Trong chuyến đi vào tháng 12-2011, ông đã đi thăm nhiều nơi, từ TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hội An,Sa Pa, Hà Nội, Hạ Long… Những bức ảnh trong “Kết nối Sài Gòn” được chọn ra từ bộ ảnh lần đầu khám phá Việt Nam của ông. “Từ trên đường, chợ, quán cà phê hay ở làng quê… đều cho tôi những cảm nhận gần gũi về cuộc sống. Thời gian ở Việt Nam để lại trong tôi quá nhiều ấn tượng. Những xúc cảm mới mẻ, sâu sắc không như những gì tôi đã biết. Nó rất khó diễn tả thành lời. Tôi thật sự ngưỡng mộ về con người ở những nơi tôi đến. Nụ cười thân thiện của họ làm cho tôi thấy ấm áp và muốn có nhiều thời gian để trở lại nơi này, được sống cùng với họ” – Andrew bày tỏ.
Còn với hai bạn trẻ Việt Nam thế hệ 8X, nhiếp ảnh là một cuộc dạo chơi ngẫu hứng nhưng cũng đầy đam mê và sáng tạo. Nguyễn Trúc Lâm gần gũi, sâu lắng qua những góc nhìn tĩnh lặng, chứa đựng nội tâm. Vũ Khánh Trường muốn dùng nhiếp ảnh để kết nối với mọi người, chia sẻ niềm vui cũng như nỗi bất hạnh. Đó là cách anh tương tác với nhân vật của mình. Để mỗi số phận dù đau buồn vẫn ấm lòng vì được sẻ chia. Dù cuộc sống luôn hối hả, cũng đừng biến thành “người thành thị vô cảm”.
Kết nối Sài Gòn cho thấy một Sài Gòn đa sắc. Sài Gòn lộng lẫy, xa hoa, choáng ngợp, sang trọng với “ngựa xe như nước”. Sài Gòn âm thầm, lặng lẽ đèn vàng hiu hắt phận người lam lũ, chật vật kiếm sống vẫn lạc quan từ ánh mắt, nụ cười rất thật. Sài Gòn bao dung, ôm vào lòng tất cả buồn vui, trăn trở và ươm mầm hy vọng. Chất Sài Gòn làm cho mọi người dù đến từ bất cứ nơi đâu cũng thấy mình được đón nhận, gần gũi, nghĩ mình thuộc về nơi này.
Kết nối Sài Gòn còn là những biểu tượng kiến trúc gắn liền với ký ức của bao thế hệ người Sài Gòn. Vẻ đẹp bền bỉ của những tòa nhà cũ kỹ, những kiến trúc Gothic thời Pháp thuộc của Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm Thành phố, tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố… khiến du khách một lần ghé thăm phải chụp vài bức hình làm kỷ niệm để khoe với bạn bè rằng: “Tôi đã đến Sài Gòn!”. Những kiến trúc cổ còn là chứng nhân của lịch sử, đã qua bao nhiêu biến cố thăng trầm vẫn nguyên vẹn để kể câu chuyện quá khứ và hiện tại về Sài Gòn.
Kết nối Sài Gòn không chỉ dành cho người Sài Gòn mà còn kết nối tâm hồn của những người yêu Sài Gòn từ khắp mọi nơi. Với thông điệp “nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai”, tình yêu Sài Gòn sẽ làm mọi người chung tay xây dựng thành phố này ngày càng đẹp đẽ hơn, văn minh hơn, để người Sài Gòn tự hào hơn khi nhắc đến Sài Gòn với bạn bè quốc tế.