Soi Bún thuộc thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa (Phú Yên). Người thì gọi là Soi Bún, người thì bảo Soi Búng. Mà dưa Soi Bún hay Soi Búng thì có gì đặc biệt để đi vào ca dao của Phú Yên? Người gọi Soi Bún nói: Ông bà kêu vậy thì mình kêu vậy. Còn người bảo Soi Búng giải thích “búng” là chỗ sâu dưới lòng nước, khi lội sông người không biết bơi phải coi chừng sụp búng, mất mạng. Con sông Chùa chảy ngang qua Ngọc Lãng khá sâu, một chỗ búng, do đó soi Ngọc Lãng có tên nôm na là Soi Búng. Có kẻ lại cãi: Đâu phải, búng là cây búng, trước đây có nhiều ở Ngọc Lãng, nay người ta phá hết để trồng rau, chỉ còn một ít, Soi Búng là soi có nhiều cây búng.
Trồng dưa leo ở Ngọc Lãng
Ngày xưa, nơi này là thôn Nguyệt Tiên Đông, tổng Thượng, huyện Đồng Xuân. Đến đời Minh Mạng, lần chia lại đơn vị hành chánh trong cả nước đổi thành thôn Nguyệt Lãng, tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa. Tên Ngọc Lãng có lẽ bắt đầu từ đời Thành Thái, khi huyện Tuy Hòa được thăng thành phủ.
Nhìn bản đồ, hình dáng Ngọc Lãng giống như một củ khoai lang hay một củ nhân sâm ngắn, phần giữa phình ra, phía đông vót nhọn. Sông Chùa bọc phía bắc, sông Đà Rằng bọc phía nam. Từ đường sắt trông xuống Ngọc Lãng thấp sâu, những xóm nhà ẩn hiện, những đám mía, vườn rau, vườn hoa.
Ca dao Phú Yên có những câu gồm hai vế: muốn và sợ.
Muốn về Soi Bún ăn dưa
Sợ e Soi Bún đãi đưa nhiều lời.
Soi Bún có đãi đưa hay không còn cần tìm hiểu kỹ, điều chắc chắn là Soi Bún nhiều dưa. Dưa của Soi Bún chủ yếu là dưa hấu. Ngoài Soi Bún, dưa hấu được trồng trên bãi cát sông Đà Rằng khắp các soi ở Hòa Thắng, Hòa An, Phú Lâm, ở các xã từ nam Tuy An vào Tuy Hòa: An Mỹ, An Chấn, An Phú, Phường 5 và dọc Sông Cái huyện Đồng Xuân. Tại Đồng Xuân, dưa Lỗ Sấu từng một thời nổi tiếng.
Dưa hấu Phú Yên trái không lớn lắm, nhưng ruột đỏ, chắc, ngọt, hạt đen tuyền. Đúng như câu trong truyện Mai An Tiêm: Hải Nam quê thiếp ngàn trùng/ Trời sinh phận gái má hồng răng đen.
Ngày tết người ta thích chưng trái dưa hấu lớn trên bàn thờ ông bà. Sau khi cúng tạ, hạ xuống bổ ra xem thời vận. Ruột dưa đỏ và dẽ, hạt lớn, đều, đen, ấy là điềm tốt. Sẽ không vui lắm nếu gặp trái dưa bên ngoài đẹp mã mà bên trong màu lợt, ruột bở, hạt chắc hạt lép không đều, đen trắng lẫn lộn.
Một loại dưa tương tự, trái nhỏ, đặt vừa trong lòng bàn tay dùng ăn rau sống và nấu với cá, gọi là dưa hồng. Tên thì hồng mà ruột trắng hoặc hơi vàng, hạt ít, nhỏ, không đen. Như một lời than của người con gái: Trách ai trồng đám dưa hồng/ Anh ăn mát dạ đành lòng quên em.
Mùa thu hoạch dưa gang ở Hòa Đa
Vào mùa dưa, dọc đường từ đầu cầu Đà Rằng, ra Phước Hậu, Màng Màng, Long Thủy, Phú Thạnh, Hòa Đa… dưa chất từng đống và dưa trong gánh chờ sẵn. Bên cạnh dưa hấu có hai loại dưa gang. Loại để ăn chín vỏ màu vàng chanh, có sọc xanh lục, chấm đường cát hoặc cắn thêm đường đen chặt từng viên nhỏ, nghe công cốc. Đường cứng, dưa mềm, bùi, mà rất vừa ý nhau. Một loại dưa gang trái nhỏ, vỏ màu xanh, cơm giòn, dùng ăn rau mắm, bỏ dưa. Dưa leo cũng trồng nhiều tại các làng rau, cùng với các loại cà, mướp, bầu, bí được đưa vào nội thành mỗi buổi sáng khi đèn đường chưa tắt. Thời tuổi nhỏ chúng ta thường thích những món củ nhà trái vườn giản dị như củ sắn nước, trái dưa leo.
Cũng nhưở các nơi từ xưa có lời khuyên mọi người đi qua vườn cam chớ sửa mũ, đi qua đám dưa chớ sửa dép, sợ bị nghi oan. Nhưng nói thật, những năm tiểu học ở nhà quê, hái trộm dưa leo trên giàn bên đường đi là một điều thú vị. Về dưa hấu có lệ là đi qua đám dưa nếu khát nước có thể ghé lại, hái một trái, bổ ăn tại chỗ rồi đi, không đem theo thì không hề bị trách móc gì. Đó là một mỹ tục.
Chung quanh trái dưa, trẻ con hát vui:
Dưa chuột chú ruột dưa gang
Dưa gang cùng làng dưa hấu
Dưa hấu là cậu bí ngô
Bí ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột chú ruột dưa gang…
Người lớn thì đọc ca dao:
Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn trái để trái đưa cho chàng
Cũng như mọi người, tôi thường tự hỏi: Vậy mới có ba. Còn trái dưa thứ tư?
Bài Trần Sĩ Huệ
Ảnh Dương Thanh Xuân