Vừa rồi, tham dự hội thảo Phật giáo và Văn học Bình Định, chúng tôi được đi tham quan chùa Thập Tháp Di Đà, ngôi chùa cổ ở Bình Định, có niên đại gần 350 năm. Tại đây, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cây dương liễu giữa sân chùa to khoảng 3 người ôm. Chúng tôi đồ rằng, cây dương liễu này có trước khi chùa được xây dựng khá lâu. Sau đó, chúng tôi được Đại đức Thích Nhật Tánh giới thiệu về ngôi cổ tự này cùng nhiều giai thoại thú vị.
Ở chùa Thập Tháp Di Đà hiện có một tảng đá như bao tảng đá khác mà trong đời ta đã nhìn thấy, chỉ khác về kích thước và câu chuyện truyền đời. Tảng đá cao khoảng 40cm, dài 1,5m, rộng 1,3m, 4 góc được đẽo gọt đơn giản.
Trải qua bao nhiêu vết bụi của thời gian, tảng đá vẫn giữ được màu trắng sáng tuyệt đẹp của loại đá trắng không tì vết. Nhưng câu chuyện liên quan đến tảng đá này góp phần tạo nên màu sắc huyền thoại cho ngôi chùa cổ cũng như tấm lòng Bồ tát của những bậc cao tăng.
Chuyện kể rằng hơn 200 năm trước, khi chúa Nguyễn Ánh chiếm được thành Hoàng Đế, thì kêu gọi những người liên quan đến nhà Tây Sơn đang trốn tránh đâu đó ra trình diện để ổn định cuộc sống cùng lời hứa không trả thù. Nhưng khi mọi người trở về mái nhà của mình thì bị bắt mang ra chém đầu.
Để có tảng đá này, đao phủ của Nguyễn Ánh kỳ công đi khắp các vùng mới có được, và dùng nó làm tấm thớt để kê đầu các nạn nhân. Ngày ấy, tảng đá được đặt ngay cổng thành Hoàng Đế, quân lính và đao phủ đưa nạn nhân lên đó mà chém. Hàng trăm kiếp người đã từ giã cõi đời trên tảng đá. Dân gian gọi đó là “Hòn Đá Chém”.
Nỗi oan khuất của hàng trăm người như lặn vào tảng đá khiến sau đó, khi đã xong nhiệm vụ hành hình, dù bao nhiêu quân lính cũng không thể nhích hòn đá ấy rời khỏi chỗ đã giết những người vô tội. Truyền thuyết kể lại rằng, hàng đêm người ta nghe trong tảng đá vẳng ra tiếng than khóc ai oán, làm cho người dân gần đó và cả quan quân chúa Nguyễn lo sợ.
Dân gian thêu dệt nên câu chuyện, cứ đêm đêm tảng đá lại lăn lông lốc từ cửa kinh thành đến đập vào cửa nhà từng viên quan có chức sắc, và lời đòi mạng thống thiết cứ phát ra từ tảng đá. Cả vùng bất ổn, không chỉ những quan lại địa phương mà người dân sống quanh thành (nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn) cũng sống không yên. Quan lại sợ hãi, lập đàn cầu siêu giải oan nhưng oan cứ kết.
- Xem thêm: Về Hà Nam ghé thăm chùa Long Đọi Sơn
Một ngày nọ, vị cao tăng trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà đến thành xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất, lấy lại sự yên bình cho người dân trong vùng. Mừng như bắt được vàng, quan quân địa phương đón tiếp vị sư rất long trọng. Sau 3 ngày đêm kinh kệ, vị sư xin được mang “Hòn đá chém” này về chùa Thập Tháp Di Đà. Kỳ lạ thay, lúc này chỉ cần 4 người khiêng nhưng hòn đá được chuyển đi nhẹ tênh, khác với việc trước đó cả trăm quân lính hè nhau di chuyển mà tảng đá không nhúc nhích.
“Hòn đá chém” được mang về đặt cạnh cây thị cổ thụ nằm phía Nam tường thành của chùa Thập Tháp Di Đà. “Hòn đá chém” đã đưa về đến cửa Phật mà nỗi oan của những người bị chém vẫn chưa nguôi, những oan hồn chưa được siêu thoát…
Vào những đêm mùa đông, trong thời tiết âm u gió lạnh, không ít người loáng thoáng nhìn thấy một phụ nữ mặc áo cụt trắng, quần đen bước ra từ hòn đá kia rồi đi đến cổng chùa. Khi chó trong chùa sủa ran là bóng người phụ nữ kia biến mất.
Ma hay chỉ là ảo ảnh? Có khi do nghe nhiều truyền thuyết về hòn đá quá nên người ta tưởng tượng ra như thế. Một thời gian sau, một vị cao tăng thạc đức trong chùa Thập Tháp Di Đà là Hòa thượng Thích Phước Huệ (đắc pháp với Hòa thượng Luật Truyền năm 1892, và được triều đình nhà Nguyễn mời làm Quốc sư) chuyển Hòn Đá Chém vào để ngay bậc tam cấp bước vào khu Phương trượng. Nghe kể lại, đêm đầu tiên chuyển tảng đá vào để ở vị trí hiện nay, Hòa thượng Thích Phước Huệ đang ngon giấc thì thấy có một vị mặc trang phục võ tướng hiện hình nói rằng: “Ông ỷ là đệ tử nhà Phật nên phá nhà tôi hả?”.
Thiền sư Phước Huệ hét to một tiếng khiến tất cả tăng chúng trong chùa đều nghe thấy liền lao đến, mới biết sư phụ mình nằm mơ.
Dân chúng quanh vùng còn lưu truyền lại những câu chuyện ngày xưa, những đêm nhà chùa tổ chức cúng hành binh, hành khiển hằng năm vào lúc giao thừa. Bàn thờ cúng được đặt ngay chánh điện, nơi đặt Hòn Đá Chém bên dưới. Trong mỗi lần cúng, đến khi đổ 3 hồi trống chiêng là tự nhiên có một dải lụa trắng, tỏa ra ánh hào quang sáng rực xuất hiện bay lượn ngang chánh điện một lần rồi biến mất.
Hơn 200 năm trôi qua, tảng đá gắn liền với nhiều truyền thuyết như thế, và mọi chuyện rồi cũng đi qua, đá trở về với đá. Những oan hồn nếu có chắc cũng đã được siêu thoát qua lời kinh tiếng kệ của chư tăng chùa Thập Tháp Di Đà. Tảng đá oán hờn ngày xưa nay thành phiến đá hiền hòa, nâng niu bước chân khách thập phương khi có dịp viếng cảnh chùa.
Chùa Thập Tháp Di Đà trở thành Tổ đình, không những là một ngôi đại tòng lâm được xếp vào hàng danh lam cổ tự của đất nước mà còn là một Phật trường đào tạo tăng tài từ thế hệ này đến đến thế hệ khác. Tổ đình Thập Tháp xưa nay được xem là một ngôi cổ tự yểm tàng khí đạo thâm huyền, sự bảo trì ngôi Linh tự nầy không phải chỉ với khả năng bình thường của con người mà còn được sự giám sát hộ trì bởi chư vị Hộ Pháp, Già Lam cùng các vị thiện Thần ẩn hình che chở.
Có một sự cố xảy ra vào thời Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu (1898-1920). Chuyện kể rằng: Khoảng thời gian Hòa thượng Huệ Chiếu trụ trì, cũng là lúc đất nước gặp phải cảnh chiến tranh loạn lạc, dân chúng đói khổ. Trong chùa, chúng tăng ly tán, chỉ còn lại Hòa thượng trụ trì và lưa thưa vài ba tăng chúng. Lợi dụng thời cơ nầy, bọn đạo tặc nổi lên hoành hành.
Có một đêm khuya đợi lúc mọi người trong chùa ngủ yên, hai tên trộm lẻn vào đốt một ô cửa Chánh điện rồi chui vào lấy cắp những pho tượng cổ, nhưng bỗng nhiên hai tên trộm mình mẩy cứng đờ, tay chân không thể nhúc nhích được, đứng như trời trồng ngay trong Chánh điện. Lúc bấy giờ, Hòa thượng trụ trì đang nghỉ tại ngôi Phương trượng bỗng thấy một vị Hộ Pháp hiện ra mách bảo rằng: có kẻ trộm đang lẻn vào Chánh điện.
Hòa thượng trở dậy đi đánh thức tăng chúng đến bắt kẻ trộm. Khởi lòng từ bi, hòa thượng giảng dạy đạo lý rồi buông tha cho họ. Về sau, hai người vì đói mà tới chùa ăn trộm đó cảm ân đức hòa thượng nên quay lại chùa quy y trở thành những người Phật tử thuần thành, hằng ngày nỗ lực công quả canh tác ruộng nương cho chùa. Ô cửa Chánh điện bị kẻ trộm đốt cháy chỉ được vá sửa tạm thời. Mãi cho đến đợt trùng tu những năm cuối cùng của thế kỷ 20, ô cửa cháy đó mới được phục chế trở lại.
Phía Bắc ngoại viên chùa là cả một khu vườn Tháp Tổ rộng lớn. Hiện nay, chùa Thập Tháp Di Đà có trên 20 ngôi tháp lớn nhỏ trông rất cổ kính. Những ngôi tháp nầy là nơi an trí nhục thân của tất cả các vị Tổ sư trụ trì và các Hòa thượng tôn túc trong chùa.
Lâu đời nhất như tháp của Thiền sư Đạo Nguyên – Tánh Đề nằm cạnh ngôi Phương trượng và Tổ đường, tháp Tổ Minh Giác – Kỳ Phương tọa lạc mé trong cổng ngõ vào chùa, tháp Tổ Thiệt Kiến – Liễu Triệt nằm chệch mé Tây Bắc khuôn viên chùa, v.v. có đến trên dưới 300 năm. Mặc dù trải qua nhiều đợt tu sửa, song những ngôi tháp nầy vẫn giữ được kiểu dáng đơn sơ cổ kính xây dựng vào thế kỷ 17 và 18.
Đặc biệt nhất là tháp của Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702-1764). Mặc dù trải qua thời gian gần 300 năm phong sương mưa nắng mà hiện giờ tháp không hề bị bám rêu, nhất là búp sen trên chóp tháp vẫn còn giữ màu trắng, không bị màu thời gian bao phủ như những ngôi tháp khác, vì vậy mà mọi người xưa nay thường gọi là Tháp trắng.
Chuyện xưa kể rằng: Nguyên lúc bấy giờ, Hòa thượng Liễu Triệt được triều đình chúa Nguyễn triệu mời ra Phú Xuân nhậm chức trụ trì chùa Thiên Mụ, nhiều lần ra vô thuyết giảng Phật pháp trong nội cung triều đình, danh tiếng vang lừng. Nhân vì tiếp xúc với nhiều quan lại cùng phi tần mỹ nữ trong triều, nên không khỏi có người đố kỵ, họ dựng lên những lời dèm pha, dư luận không tốt về Hòa thượng.
Tuy nhiên, Hòa thượng vẫn thản nhiên, không hề thốt ra một lời biện bạch minh oan. Mãi cho đến trước khi viên tịch, Hòa thượng vân tập đệ tử tứ chúng dặn dò phú chúc và nói rằng: “Từ khi xuất gia đến nay, ta một lòng tu hành thanh tịnh, phụng sự Phật Pháp, không làm gì trái với đạo hạnh, nay trước Phật Tổ, ta xin nguyện sau khi xả bỏ thân tứ đại, tháp của ta luôn được tinh bạch để chứng minh cho lòng nầy”. Và chính ngôi Tháp kia đã bảo chứng cho cuộc đời đạo hạnh thanh tịnh của Tổ sư.
Trên khu đồi Long Bích sau lưng chùa Thập Tháp còn có tháp Bạch Hổ. Tương truyền, vào thời Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt (1702-1764), có một con cọp trắng ban đêm thường đến chùa nghe kinh mà không hề quấy phá bất cứ ai. Rồi có một đêm, Hòa thượng mộng thấy một ông già râu tóc trắng phơ xuất hiện, thưa với Hòa thượng rằng: “Tuổi thọ của con đã mãn và vừa qua đời ở sau lưng chùa, xin nhờ Hòa thượng và tăng chúng tụng kinh cầu siêu giùm cho con”.
Sáng hôm sau, Hòa thượng và tăng chúng đi tìm khắp cả khu đồi, không thấy xác ông già đâu cả mà lại thấy xác cọp trắng. Hòa thượng biết rằng cọp trắng chính là ông già tóc bạc đêm qua, bèn đem xác chôn ngay trên đồi Long Bích, tụng kinh cầu siêu và xây cho cọp trắng một ngôi tháp nhỏ. Từ đó đến nay, mọi người gọi đó là tháp Bạch Hổ.
Đến một ngôi mộ phẳng, đại đức Thích Nhật Tánh còn cho biết thêm vị nào được giữ vai trò trụ trì của Tổ đình phải là người được chư Tổ ấn chứng, nếu không phải mạng vị thì không thể nào trụ vị được. Và người nằm dưới ngôi mộ này để lại cho đời sau một câu chuyện rằng: vào thời Quốc sư Phước Huệ (1869-1945) trụ trì chùa Thập Tháp, Quốc sư thường xuyên ra Huế giảng dạy.
Vì đường sá xa xôi, vả lại phương tiện đi lại lúc bấy giờ chưa có, cho nên mỗi năm Quốc sư về thăm chùa chỉ một lần nhưng có năm không về được. Vua quan cùng chư Tăng tại Huế thỉnh ý Quốc sư nên sớm tiến cử vị đệ tử lớn, đang ở tại chùa Thập Tháp thay thế trụ trì để chăm lo tổ đình. Sau khi đắn đo suy nghĩ, Quốc sư đồng ý. Nhà vua liền làm sắc chỉ tấn phong trụ trì cho vị đệ tử lớn đó. Không rõ danh tánh là gì, chỉ biết vị đó lúc bấy giờ làm chức
Tri sự tại tổ đình nên thường gọi là thầy Sự (thế danh Lê On, pháp danh Không Quả). Thầy Sự đinh ninh mình sẽ được thừa kế ngôi vị trụ trì Tổ đình. Nhưng sắc chỉ nhà vua chưa kịp đến chùa Thập Tháp Di Đà, thì trong một đêm bỗng nhiên thầy Sự nghe thấy một tiếng nổ lớn, ánh sáng lóe lên, liền sau đó đôi mắt bị lòa tối tăm không thấy gì cả. Đến khi triều đình hay tin, nhà vua liền ra lệnh thu hồi lại sắc chỉ.
Sau đó, Quốc sư mới nói rằng vị đó không được thì chỉ còn có vị kế tiếp là thầy Khố mà thôi. Lúc bấy giờ, chức vụ thủ khố tại Tổ đình do Hòa thượng Huệ Chiếu (1898-1965) đảm trách. Nhà vua liền làm lại sắc chỉ khác tấn phong Hòa thượng Không Hoa – Huệ Chiếu làm trụ trì Tổ đình Thập Tháp Di Đà. Từ đó, Hòa thượng Huệ Chiếu gánh vác tất cả mọi Phật sự của Tổ đình cho đến trên 70 tuổi mới viên tịch…
Với chúng tôi, một số chuyện kể trên chẳng khác nào vầng hào quang tỏa rạng mãi mãi trên ngôi đại tòng lâm được xếp vào hàng danh lam cổ tự của đất nước và nơi phát tích dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Trong.