Chúng ta có rất nhiều “điểm mù” về thế giới động vật, nhưng từ lâu đã trở thành định kiến, còn cấu thành những câu thành ngữ liên quan.
Đà điểu “vùi đầu trong cát”?
Phương Tây có câu ngạn ngữ “Đà điểu vùi đầu trong cát” (Ostrich head in sand) chỉ hành động ngu dốt tự dối mình dối người của những kẻ đường cùng. Câu ngạn ngữ đó có nguồn gốc từ sự quan sát cẩu thả của nhà tự nhiên học thời cổ La Mã Kruszelnicki, khi đà điểu vùi đầu trong cát để kiếm thức ăn và nuốt cả cát, sỏi hỗ trợ tiêu hóa.
Đà điểu là loài chim lớn nhất thế giới và cũng là loài chim chạy duy nhất. Chúng hoàn toàn mất khả năng bay, đôi cánh đã thoái hóa, chỉ dùng để giữ thăng bằng khi chạy, xương ức phẳng. Bù lại, chúng có cặp giò dài tới 1m, tốc độ chạy tới 70km/giờ, chỉ có beo mới đuổi kịp. Khi chạy không thoát, chúng không hề vùi đầu trong cát, mà liều chết một phen với kẻ thù, sư tử cũng phải gờm. Chân chúng chỉ có 2 ngón với móng nhọn. Chúng có cú đá cực khỏe, nhưng chỉ đá về phía trước, không đá ngang hay đá hậu được.
Khác với các loài vật khác, con đực giành giật con cái; đà điểu thì ngược lại, con mái phải đấu loại với nhau giành quyền giao phối với con đực. Con đực phụ trách làm tổ, 2 “vợ chồng” thay nhau ấp trứng. Trứng đà điểu nặng 1,3kg, là trứng lớn nhất thế giới.
Ở Việt Nam, nuôi đà điểu đã trở thành phổ biến và thu được hiệu quả kinh tế cao. Thịt đà điểu giàu acid amin, các khoáng chất sắt và kẽm, thớ to, giống thịt trâu.
Trong lập trình máy tính có “phép tính đà điểu” (ostrich algorithm), là khi gặp sự cố không giải quyết được, cứ bắt chước đà điểu vùi đầu vào cát, bỏ qua chướng ngại, đôi khi cũng thu được kết quả tốt.
- Xem thêm: Khi hoang dã phục hận
Hắc tinh tinh không phải “kẻ ăn chay”
Hắc tinh tinh với ngoại hình cũng như trí khôn gần với người nhất trong giới động vật, lại tính tinh tinh hóm hỉnh, hiếu động, nên cùng với khỉ, đã trở thành “ngôi sao” trong các sở thú, hấp dẫn du khách, nhất là trẻ em.
Hắc tinh tinh còn gọi là khỉ dã nhân, tên khoa học là Pan troglodytes thuộc họ Người bộ Linh trưởng. Lượng ăn của chúng thật khủng khiếp, mỗi ngày chúng dành 6-8 tiếng cho việc kiếm ăn. Nhân viên sở thú cho chúng ăn mọi thứ rau củ quả, nhưng chúng khoái khẩu nhất là chuối và táo. Từ cách cho ăn đó, chúng ta có ấn tượng chúng “ăn chay”.
Có phải hắc tinh tinh thích ăn chuối nhất không? Đến những năm 60 của thế kỷ trước, nhà động vật học người Anh Jane Goodall mới khám phá ra hắc tinh tinh cũng như loài người, thích ăn thịt từ bẩm sinh mà món chúng thích nhất là loài khỉ mặt chó sống ở châu Phi! Thức ăn thông thường chỉ giúp chúng duy trì sự sống ở mức độ cơ bản, cũng như loài người chúng ta tuy cần ăn cơm nhưng cũng cần bổ sung protein vậy.
Loài khỉ tuy vượt trội về leo cây, nhưng lại kém xa hắc tinh tinh về trí khôn. Hắc tinh tinh do 1 con đực đầu đàn chỉ huy, biết cài bẫy, vây bắt tập thể; khi bắt được con mồi, chúng xé ra, chia cho nhau ăn sống nuốt tươi, đồng thời làm “sính lễ” lấy lòng con cái để giành quyền giao phối.
Trong họ Người (hominidae), ngoài người và hắc tinh tinh ra, còn có đười ươi và đại tinh tinh. Đại tinh tinh còn gọi là khỉ đột, sống ở miền Đông châu Phi, là động vật to con nhất và là loài “ăn chay trường” duy nhất trong họ Người.
Theo báo Anh The Times, tại Uganda và Tanzania do rừng bị cư dân lấn chiếm, lâu nay sống thiện chí với con người bỗng dưng thay tính đổi nết, bắt trẻ em ăn thịt. Hai năm gần đây, 2 nước nói trên đã có ít nhất 8 trẻ em chôn mình trong bụng hắc tinh tinh; 8 trẻ em khác được may mắn cứu sống thì cũng bị bẻ mất tay chân, thảm thương vô cùng. Hằng ngày bị hắc tinh tinh rình rập ngoài cổng, cứ như… chẳng sợ ai. Hắc tinh tinh lại là động vật quý hiếm, được pháp luật bảo vệ, nông dân chỉ còn cách bỏ xứ đi xa.
Vẹt cú – “chim trong năm” New Zealand
New Zealand do hoàn cảnh biệt lập với thế giới bên ngoài, không có thiên địch, nên đã trở thành thiên đương của các loài chim không biết bay; tất cả có tới 16 loài, trong đó có vẹt cú (tên tiếng Anh kakapo, tên khoa hoc Strigops habroptila), ngoại hình giống cú mèo, nhưng là loài vẹt (két) duy nhất không biết bay.
Hằng năm, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ các loài chim, New Zealand tổ chức bình chọn “chim trong năm”. Năm 2020, con vẹt cú đã vượt qua chim kiwi, đoạt vương miện.
Vẹt cú con là loài vẹt bự con nhất và sống lâu nhất, chúng có thể nặng 2-4kg và thọ trên 60 năm. Chúng cũng là loài chim khờ khạo nhất thế giới: bước đi loạng choạng, khi gặp kẻ săn mồi coi chừng chạy không thoát thì nằm ngây ra. Chước “giả chết” có thể lừa qua mắt diều hâu, nhưng đối với động vật săn mồi chủ yếu dựa vào khứu giác hơn thị giác như chó, mèo, cáo, chồn thì chước này vô dụng, dẫn đến trên bờ tuyệt diệt nòi giống.
Tổ tiên loài vẹt cú từng sinh sống ở khắp New Zealand từ thời tiền sử, do thức ăn dồi dào lại ít thiên địch, nên khả năng bay trở nên dư thừa, không phù hợp với hiệu quả nhiệt động học, nên cánh chim đã thoái hóa, gò xương ức mất đi, thể hình mập ú, người Maoli bản xứ gọi chúng là “gà hoa mơ”.
Từ lâu, các nhà động vật học New Zealand tưởng chừng loài vẹt cú đã tuyệt chủng, mãi đến năm 1970, họ mới phát hiện ở vùng eo biển Fiordland có 18 con vẹt cú, nhưng chỉ tiếc toàn trống. Mãi đến năm 1977, các nhà khoa học mới phát hiện ở đảo Stewart có một quần thể nhỏ đủ cả trống mái.
Từ năm 1980, Chính phủ New Zealand thực hiện kế hoạch “Phục hồi đàn vẹt cú”. Họ gom tất cả những con vẹt cú đến 4 hòn đảo hoang xa bờ không có thiên địch, kết quả thu được rất khả quan. Năm 2009, cá thể vẹt cú vượt 100 con; năm 2018 nâng lên 149 con; năm 2019 đạt 285 con.
Khả năng sinh sản của vẹt cú rất thấp, chỉ khi loại thông Tân Tây Lan cho trái nhiều (chu kỳ 3-5 năm), vẹt cú mới đẻ trứng, mỗi ổ đẻ không quá 3 quả. Ấp trứng và nuôi con hoàn toàn thuộc trách nhiệm con mái,
Kỳ quan dê leo cây
Dê leo cây còn gọi là “dê núi”, vì chúng leo vách núi chẳng khác gì đi trên mặt đất, con dê leo trên cành cây thì tôi chưa nghe ai nói tới. Dê leo chót vót trên cây là cảnh quan độc nhất vô nhị tại thị trấn nhỏ Taroudant, miền Nam Morocco. Khí hậu địa phương nóng nực, khô hạn, cỏ khan hiếm, để ăn được trái trên cây argan (họ Trám), đàn dê buộc phải luyện được bản lãnh leo cây cao tới 10m.
“Dê leo cây” đã trở thành tài nguyên du lịch, hằng năm thu hút hàng triệu du khách. Phần đế cũng trở thành quý giá: không những làm phân bón, nông dân thu lượm hạt argan do chúng nhằn ra hoặc thải ra, dùng để ép dầu, thật là nhất cử lưỡng tiện.
Dầu hạt argan có chứa nhiều acid béo không no chất chống oxy hóa, thường dùng trộn salad, ăn nhiều có lợi cho sức khỏe. Dầu hạt argan còn có thể làm mỹ phẩm dưỡng da và thuốc bảo vệ gan, tim mạch.
Nước ta có 2 “thủ phủ dê”: Ninh Bình (miền Bắc); Ninh Thuận (miền Ma). Dê sống kham khổ, chúng được cả các loài lá đắng ngắt mà cả trâu bò cũng chê. Tại Ninh Thuận, có những năm hạn hán trâu bò chết hàng loại, chỉ có loài sống sót nhờ ăn cây xương rồng (đã đốt gai). Trên đồng cỏ chăn thả trâu bò, người ta không bao giờ thả dê, vì chúng không những ăn cỏ, còn đào bới ăn cả rễ cỏ, ảnh hưởng đến sự tái sinh đồng cỏ.
Thú mỏ vịt – loài thú duy nhất đẻ trứng
Thú mỏ vịt có tên khoa học Ornithorhynchus anatinus, là một loài động vật có vú bán thủy sinh đặc hữu ở miền Đông nước Úc, bao gồm cả Tasmania. Chúng là một trong 5 loài thú đơn huyệt còn sinh tồn là loài động vật có vú duy nhất đẻ trứng thay vì đẻ con.
Năm 1789, Thống đốc bang New South Wales (Úc) John Hunter gửi về Anh tấm da cao mỏ vịt cùng với tấm hình ký họa, người châu Âu lần đầu tiên mới biết loài thú kỳ dị này. Một số coi đây là một trò lừa bịp tinh vi, thậm chí muốn rút “mỏ vịt” của chúng ra khỏi bộ Xương đầu.
Đây là một trong những động vật có vú có nọc độc, con đực có một cái cựa ở chân sau chứa một chất độc có khả năng gây đau đớn nghiêm trọng cho con người.
Trừ cá heo, thú mỏ vịt loài thú duy nhất có cảm ứng điện từ. Chúng có thể cảm nhận điện trường do con mồi phát ra để xác định đúng vị trí. Khả năng cảm nhận điện từ của chúng rất nhậy bén, thần kinh cảm thụ nằm ở phần mỏ. Khi thú mỏ vịt lăn, chúng đóng hết các giác quan gồm mắt, mũi và tai, hoàn toan dựa vào cảm ứng điện từ để săn mồi.
Thú mỏ vịt chỉ đẻ 1-3 trứng, trứng phát triển trong cơ thể mẹ khoảng 28 ngày, thú mẹ cuộn tròn xung quanh để ấp, sau 10 ngày, trứng nở thành con. Thú mỏ vịt mẹ không có núm vú, sữa chảy từ lỗ chân lông trên da và chứa trong các rãnh trên dạ dày. Thú mỏ vịt con thường liếm sữa hơn là bú. Sau khoảng 4 tháng, chúng đã sẵn sàng ra khỏi hang và học bơi.
Thú mỏ vịt là linh vật của Olympic Sydney 2000, xuất hiện trên mặt trái của đồng 20 xu. Thú mỏ vịt là loài thú biểu tượng của bang New South Wales.