Cố Thủ tướng Anh Sir Winston Churchill được biết đến rộng rãi khắp thế giới với tư cách là một chính khách vĩ đại thế kỷ XX, một vị cứu tinh của nền văn minh phương Tây, tác giả đoạt giải Nobel Văn chương. Ngoài ra, ông còn là một họa sĩ nghiệp dư say mê sáng tác – điều mà không phải ai cũng biết rõ. Nét tài hoa đó được thể hiện qua một cuộc triển lãm lưu động các tác phẩm hội họa của Winston Churchill, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 9-2018 tại ba thành phố ở Mỹ.
Winston Churchill bắt đầu vẽ tranh ở tuổi bốn mươi, vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị dài lâu của ông. Đó là vào tháng 6-1915, không lâu sau khi ông bị buộc phải từ chức Bộ trưởng Bộ Hải quân vì thất bại thảm hại của liên quân Anh – Pháp (có cả quân Úc, New Zealand tham gia) trong chiến dịch Dardanelles – một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất trong Thế chiến I, đặc biệt là cuộc đổ bộ thất bại lên bán đảo Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng vạn người lính thương vong.
Thảm bại này khiến ông bị báo chí, dư luận bêu riếu là “tên đồ tể ở Gallipoli”. Vào một chiều Chủ nhật, em dâu của Churchill là Phu nhân Gwendoline tặng cho ông một cây cọ vẽ, vốn là của đứa cháu trai. Trong bài tiểu luận viết năm 1921, có tựa Hội họa như một sự tiêu khiển, Churchill nhớ lại thời khắc đó: “Và rồi lúc bấy giờ vị Nữ thần nghệ thuật hội họa đã đến cứu giúp tôi”.
Quả thật là hội họa đã đem đến cho vị bộ trưởng thất thế một chỗ trú ẩn, thoát khỏi những áp lực của chính trị, thời cuộc và cả sự tấn công ác ý của báo giới lúc bấy giờ. Hơn thế nữa, Churchill còn xem hội họa như một phương cách thử nghiệm năng lực lãnh đạo cũng như sự táo bạo, tính khiêm cung, khả năng nhìn xa trông rộng và cả sức mạnh của ký ức.
Theo ông Duncan Sandys, cháu gọi Sir Winston Churchill bằng ông cố (con trai của Julian Sandys, cháu nội lớn nhất của cố thủ tướng Anh), cho dù hội họa chỉ là sở thích cá nhân thế nhưng nhờ nó mà Churchill “đã học được những kỹ năng mới được ông sử dụng trong cuộc sống chính trị và ngoại giao”, mặt khác “hội họa đã cho ông một nơi trú ẩn giữa những nghịch cảnh, giúp cho ông hành động hiệu quả hơn vào năm 1940 khi mà Hitler chuẩn bị xâm lược nước Anh”.
Một trong những bức tranh đầu tiên của Churchill, được ông vẽ năm 1922, có tựa Một con đường ở Frinton-On-Sea, Essex, với cô bé Diana Churchill thể hiện cô con gái đầu lòng Diana của ông, lúc đó 13 tuổi, đang bước dọc theo con đường với bóng nắng chiếu qua những tán cây hai bên đường. Căn cứ vào những sự kiện trong cuộc sống của Churchill lúc bấy giờ: cô con gái Marigold qua đời đột ngột năm 1921, ông mất ghế trong Quốc hội và vợ ông, bà Clementine đang mang bầu bé Mary, con thứ năm của họ thì hình ảnh trong tranh dường như phản ánh chuyến du hành của chính tác giả từ nơi tối tăm bước ra ánh sáng.
Có thể thấy Churchill đã được các họa sĩ trào lưu Ấn tượng truyền cảm hứng và ông luôn thích thú vẽ ngoài trời. Mỗi khi đi đâu, nghỉ ngơi hay làm việc, Churchill luôn mang theo màu, cọ, toan và giá vẽ. Thích vẽ tranh phong cảnh và cảnh biển khơi, Churchill đã sáng tác khoảng 550 bức tranh sơn dầu, chất liệu ông ưa chuộng, như một cách ghi chép lại những chuyến du hành của ông khắp châu Âu, Bắc Mỹ và Bắc Phi. Ông vẽ nhiều nhất phong cảnh miền Nam nước Pháp. Những bức như Cảnh biển gần Marseille (khoảng năm 1935) và Khu vườn trũng La Dragonnière ở Cap Martin (khoảng những năm 1930) cho thấy bảng màu và những nét cọ gợi nhớ trào lưu Ấn tượng mà Churchill ngưỡng mộ.
Dù chủ yếu là tự học vẽ song phong cách hội họa của Churchill đã phát triển nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo của các bạn hữu cũng là các họa sĩ có nghề như Sir Oswald Birley, Sir John (Hazel) Lavery và phu nhân, Sir William Nicholson, Paul Maze và Walter Sickert. Ông còn đến các bảo tàng và gallery để nghiên cứu tác phẩm của các bậc thầy lớn, vẽ lại tranh của các họa sĩ Charles Daubigny, John Singer Sargent và Paul Cézanne.
Vẽ nhiều, nghiên cứu kỹ thuật hội họa hết sức nghiêm túc song Churchill luôn khiêm tốn khi nói về chất lượng tranh của mình, gọi đó là những “bức tranh lem nhem”. Không tự tin vào tác phẩm của mình, ông hiếm khi đưa tranh ra trước công chúng và thường dùng làm quà tặng cho người thân trong gia đình, cho bạn bè, đồng nghiệp cùng những nhân vật mà ông ngưỡng mộ, trong số đó có Nữ hoàng Anh Elizabeth II, các tổng thống Mỹ Roosevelt, Truman, Eisenhower, cựu Thủ tướng Anh David Lloyd-George và tướng George C. Marshall. Mười người cháu nội đều được ông tặng các bức tranh nay đã trở thành tác phẩm quý hiếm.
Năm 1921, ông gửi năm bức tranh đến một cuộc triển lãm tại gallery Droust ở Paris nhưng ký một bút danh giả là Charles Morin. Năm 1947, ông lại dùng một cái tên giả khác là David Winter khi nộp hai bức tranh cho Viện Hàn lâm mỹ thuật Hoàng gia ở London để triển lãm mùa hè, và khi hai bức tranh ấy được chấp nhận thì tên thật của tác giả mới được phát hiện. Churchill được chính thức công nhận như một họa sĩ khi Viện Hàn lâm mỹ thuật Hoàng gia bầu chọn ông là Viện sĩ danh dự đặc biệt vào năm 1948, sau đó tổ chức một triển lãm cá nhân cho ông và triển lãm này được đưa đến nhiều nước trong hai năm 1958-1959. Đây là triển lãm đầu tiên và duy nhất của Viện Hàn lâm mỹ thuật Hoàng gia dành cho một họa sĩ nghiệp dư.
Hơn mười tác phẩm của Sir Winston Churchill, được ông vẽ trong các thập niên 1920, 1940 đến với người thưởng ngoạn tại Mỹ qua một hành trình trưng bày lần lượt tại các gallery của Heather James Fine Arts ở Palm Desert, bang California (từ 21-3 đến 30-5-2018); ở San Francisco (từ 1-6 đến 30-6-2018) và ở Jackson Hole, bang Wyoming (từ 1-7 đến 16-9-2018). Số tranh này thuộc sưu tập gia đình của ông Julian Sandys ở Anh. Trong đó hầu hết là tranh phong cảnh (chỉ có một bức vẽ cảnh bờ biển và một tranh tĩnh vật) thể hiện các dinh thự, các khu vườn của bạn bè tác giả cùng các điểm du lịch mà gia đình ông từng đến nghỉ, một số là các điểm đến mà Churchill rất ưa thích tại Pháp và Maroc.
Trước đó, nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày Sir Winston Churchil qua đời, đã có một triển lãm tranh của ông được tổ chức tại Bảo tàng Millennium Gate ở Atlanta, bang Georgia trong hai năm 2014-2015. Sau đó, là triển lãm tại Bảo tàng Churchill thuộc Đại học Westminster ở Fulton, bang Missouri, rồi tại Bảo tàng mỹ thuật Mildred Lane Kemper thuộc Đại học Washington ở St. Louis, bang Missouri trong các năm 2015-2016; trên tàu du lịch RMS Queen Mary ở Long Beach, California (2016) và tại gallery Society of the Four Arts ở Palm Beach, bang Florida (2017-2018).
Nhận định về các tác phẩm của họa sĩ Churchill, bà James Carona, người thành lập hệ thống các gallery Heather James Fine Arts cho rằng “các bức tranh thể hiện nhân cách của một trong những nhà lãnh đạo ưu tú nhất thế giới”. Còn Churchill đã viết về đam mê hội họa của mình như sau: “Khi tôi về trời, tôi có ý định dành một phần đáng kể của 1 triệu năm đầu tiên của mình để vẽ…”.