Ung thư vú là một căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ, chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở nữ giới, chỉ sau ung thư cổ tử cung. Ung thư vú được hình thành do các tế bào bất thường phát triển từ tế bào ống (duct) hay tế bào nang (lobule) của vú.
Nếu không phát hiện kịp thời và chữa trị sớm, các tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh chóng sau đó đi vào mạch máu, mạch bạch huyết rồi tới các hạch, và có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể và cuối cùng sẽ dẫn tới tử vong.
Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ khoảng 40-55 tuổi hoặc sau khi mãn kinh, nhưng hiện nay, độ tuổi mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa, đã có nhiều trường hợp mắc bệnh trước 35 tuổi. Do nhận thức còn hạn chế và tâm lý ngại ngùng khi đến các cơ sở y tế thăm khám nên đa số bệnh nhân bị ung thư vú nói riêng cũng như các loại ung thư nói chung đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thì có đến hơn 90% cơ hội sống trên năm năm; trong thực tế có nhiều bệnh nhân sống khỏe mạnh đến 20-30 năm nhờ theo đuổi phác đồ điều trị đúng và có lối sống lành mạnh, nâng cao miễn dịch để bảo vệ tế bào lành và chống di căn.
Ở giai đoạn 2, tỷ lệ này là 60%. Tỷ lệ này càng xuống thấp hơn khi sang giai đoạn 3. Ở giai đoạn 4 thì chỉ điều trị để giảm bớt các triệu chứng đau đớn, kéo dài cuộc sống. Các bác sĩ khuyến cáo, chỉ có cách tầm soát mới phát hiện được bệnh sớm và nữ giới nên bắt đầu tầm soát bệnh khi bước sang tuổi 30. Nên tự kiểm tra ngực ít nhất một lần một tháng và đến cơ sở y tế để thăm khám định kỳ sáu tháng hoặc một năm, hoặc ngay khi phát hiện có bất thường ở vú để kịp thời chẩn đoán xác định bệnh và có giải pháp điều trị hiệu quả.
Theo GS-BS Julia White, Giám đốc khoa Xạ trị ung thư vú tại Trung tâm Ung thư thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ), các dấu hiệu cảnh báo ung thư vú không giống nhau ở phụ nữ. Có người cảm thấy đau, sưng ngực, thay đổi hình dạng núm vú, nhưng có người lại cảm thấy đau lưng, vai, có hạch ở nách… Một số dấu hiệu nhận biết bệnh thường gặp như:
– Xuất hiện khối u ở vú. Khi sờ nắn xung quanh bầu ngực, nếu phát hiện ra các khối u thì đó có thể là u lành hoặc ác tính. U ác tính thường có tốc độ phát triển nhanh kèm theo dấu hiệu đau nhức và khi nhấn vào thì ít di động sang các vùng xung quanh.
– Thay đöỉ kích thước vú. Nếu thấy vú cương cứng, to hơn mức bình thường và có dấu hiệu chảy thấp xuống đồng thời hình dạng vú không cân đối, khác thường thì nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra. Đây là triệu chứng của ung thư vú, thường gặp ở phụ nữ có mô vú dày đặc. Nó cũng khiến việc phát hiện ung thư vú gặp khó khăn hơn, nên cảnh giác với những dấu hiệu này.
– Đau tức ở ngực hay cảm thấy nhói đau như có một luồng điện chạy từ vú trái sang vú phải ngay cả những ngày bình thường, vào những ngày “nguyệt san” cảm thấy đau hơn, vú sưng to hơn. Nguyên nhân do khối u (có nhiều kích thước khác nhau, có thể là khối u đơn lẻ, hay các khối u nằm rải rác phía sau núm vú hoặc ở một trong các ống dẫn sữa) chèn ép các mô gây sưng, đau. Cần theo dõi và nói rõ cho bác sĩ biết tần suất, thời điểm và vị trí cơn đau để có hướng điều trị kịp thời.
– Đau lưng, vai, gáy. Một số phụ nữ khi mắc bệnh cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa hai bả vai, dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp cột sống. Do hầu hết các khối u vú phát triển trong mô tuyến vú, mở rộng sâu vào ngực, gần thành ngực. Nếu khối u tăng trưởng đẩy ngược về phía xương sườn và xương sống, người bệnh sẽ bị đau ở lưng. Nơi đầu tiên ung thư vú di căn trong xương là xương sống, hoặc xương sườn, phát triển thành ung thư xương thứ cấp.
– Ngứa ở vùng da quanh ngực. Nếu bị ung thư vú dạng viêm thì vùng da quanh ngực sẽ ngứa, nổi các mẩn đỏ, hoặc sần sùi. Nguyên nhân là do các tế bào ung thư to lên gây chèn ép mạch máu và mạch bạch huyết ở da, làm cho chất lỏng tích tụ trong và dưới da, gây kích thích vùng da này.
– Màu sắc và hình dạng núm vú thay đöíi. Khi mắc bệnh, vùng da ở xung quanh đầu núm vú sẽ bị co kéo nhăn nhúm, xuất hiện những hạt nhỏ li ti, màu sắc đầu vú không tươi hồng nữa mà chuyển sang màu nâu sậm. Nhiều trường hợp vú sưng to nên vùng da quanh vú sẽ đỏ và đau rát; núm vú sẽ dẹt hơn, tụt vào trong (có thể bị lở loét) và thường xuyên tiết dịch (có thể là dịch nhầy hoặc dạng nước có mùi hôi) kèm lẫn máu. Da của núm vú trở nên sần sùi, có vảy hoặc viêm khiến cho người bệnh có cảm giác rất khó chịu.
– Xuất hiện hạch ở nách. Kiểm tra hạch ở nách bằng cách vuốt từ bầu ngực lên theo đường hõm nách, nếu thấy có hạch sưng lên ngày càng to và kéo dài quá một tuần thì nên đến gặp bác sĩ ngay.
Ngoài ra, ung thư vú không chỉ là căn bệnh của phụ nữ mà nam giới cũng mắc phải loại bệnh này với mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều. Do chủ quan nên rất ít nam giới kiểm tra định kỳ để kiểm soát bệnh. Đến khi xảy ra các triệu chứng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn trễ, thậm chí di căn đến xương, gan, phổi… Nguy cơ mắc bệnh ở nam giới ít hơn phụ nữ nhưng khi đã mắc ung thư vú thì tỷ lệ tử vong ở nam giới lại cao hơn.
Các yếu tố nguy cơ ung thư vú bao gồm:
– Tuổi: khoảng 40-55 tuổi.
– Tiền sử ung thư vú gia đình.
– Tiền sử đã từng bị ung thư vú.
– Tăng nồng độ nội tiết tố (hormon) hoặc tác dụng kéo dài của hormon, ví dụ như trong suốt thời kỳ kinh nguyệt, mãn kinh muộn hoặc dùng liệu pháp hormon thay thế lâu dài sau mãn kinh.
– Không có con hoặc sinh con muộn.
– Các yếu tố nguy cơ khác từ môi trường sống như uống nhiều rượu hay chế độ ăn nhiều chất béo.
Cách tự kiểm tra ngực
– Nên tự kiểm tra ngực của mình vài ngày sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc, vì lúc đó kích thích tố đã giảm xuống và ngực sẽ ít bị sưng và đau theo chu kỳ. Nếu đang mang thai, mãn kinh, hoặc không có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, hãy chọn một tuần trong tháng để kiểm tra ngực, nên kiểm tra đều đặn vì cơ thể vẫn còn trải qua nhiều biến động nội tiết tố ngay cả khi không có chu kỳ kinh nguyệt.
– Nên tự kiểm tra ngực khi đang tắm và đứng trước gương, xem hình dạng ngực ở hai bên có thay đổi hay không, hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như nốt sần, cục u hay nếp nhăn. Nếu cảm thấy có gì đó sâu trong các mô vú, trong phần dày đặc phía sau quầng vú, nên nằm xuống và thử kiểm tra lại. Nếu có ngực lớn, nên nằm ngửa để cảm thấy ngực đồng đều và dễ dàng tự kiểm tra hơn.
– Để kiểm tra các mô vú, hãy bấm và giữ nguyên bàn tay dọc theo phần trên của ngực, di chuyển dần từ xương ức đến nách, phía trên núm vú. Hãy kiểm tra xem có cục u, sưng và khó chịu trong ngực hay không. Sau đó lặp lại quá trình này ở phía dưới của vú, hãy nhấn tất cả các vùng trong ngực. Nên tìm kiếm các khối u mà cảm thấy khác nhau hoặc tách biệt với các mô còn lại. Mô vú sần tự nhiên và nhiều cục u không phải là ung thư, nhưng nếu tìm thấy một cái gì đó lạ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Cũng chú ý đến những thay đổi trong kết cấu, hoặc thay đổi trong kích thước vú. Nếu thấy ngực tấy đỏ và nóng, có dịch tiết ra từ núm vú, thay đổi hình dạng núm vú hoặc khối u mới ở vú thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
– Nhớ kiểm tra nách, vì nách là phần mở rộng của mô vú nhưng hạch bạch huyết ở nách được liên kết chặt chẽ với bộ ngực. Hãy bấm và giữ từ phía bên của vú lên trên nách để kiểm tra xem có cục u hoặc những thay đổi trong kết cấu không. Nếu cảm thấy một khối u hoặc hạch bạch huyết sưng lên ở nách, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
– Theo MedicalNewsToday