Thư tự giới thiệu về mình và thư do người khác giới thiệu mình là phần quan trọng quyết định thành bại trong việc xin học bổng hoặc dự tuyển tại các đại học ở nước ngoài. Giữa trăm ngàn đơn xin học, những lá thư nào ấn tượng nhất sẽ “chiến thắng”.
Tự “PR” cho mình: không cần cầu kỳ
Nhiều trường nước ngoài yêu cầu học sinh, sinh viên phải tự viết một study plan (kế hoạch học tập) gửi kèm với bộ hồ sơ du học. Chưa có kinh nghiệm ở “khoản” này, Tuấn Minh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đang chuẩn bị hồ sơ du học ở Úc nói: “Tôi cứ viết rồi lại bỏ, vì không biết viết gì trong cái study plan. Có phải trình bày ngắn gọn mục đích học tập, chương trình học… hay là viết dông dài, kể cụ thể về “hoàn cảnh lịch sử” học ở Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến việc chọn lựa ngành học Quản trị kinh doanh ở Úc?”.
Thắc mắc này của Tuấn Minh đã được Thùy Trang, du học sinh (DHS) Úc giải đáp: “Thường không có mẫu chung cho stuydy plan, vì kế hoạch học tập xuất phát từ nhu cầu bản thân mỗi người. Tuy nhiên, khi viết study plan, bạn chỉ cần viết đơn giản. Trước hết, bạn giới thiệu về mình, đã và đang học đại học hay mới tốt nghiệp THPT; về các thành viên trong gia đình để nhà trường có thể nắm tổng quát về bản thân của bạn. Tiếp theo, bạn nói rõ vì sao bạn quyết định du học.
Cơ duyên nào “dẫn dắt” bạn biết đến trường muốn đăng ký học (qua bạn bè, internet, báo chí…)? Tại sao bạn chọn Úc? Bằng cấp của xứ sở chuột túi sẽ giúp gì cho bạn trong tương lai? Ngoài ra, bạn cần ghi rõ kế hoạch học tập ở Úc (chẳng hạn thời gian học Anh văn dự bị – nếu có, thời gian học chính khóa). Nếu kết thúc việc học, bạn có dự tính nào khác? Nhiều học sinh thường “bí” ở câu hỏi này, khi đa số đều muốn ở lại Úc làm việc để tích lũy kinh nghiệm và tăng thu nhập.
Nhưng, chẳng lẽ cứ “phơi bày” sự thật trần trụi là chưa muốn về quê nhà để góp sức mình xây dựng đất nước. Do vậy, viết như thế nào để không “sáo” mà vẫn thuyết phục được ban tuyển sinh chấp nhận đơn xin học của mình đòi hỏi các học sinh, sinh viên phải đầu tư công sức cho phần cuối này”.
Thư giới thiệu cho mình: Tốt khoe, xấu khắc phục sau
Trong tất cả hồ sơ khi học sinh apply (đăng ký) xin học bổng các chương trình đại học hay sau đại học, hoặc apply vào những trường danh giá, học sinh, sinh viên thường được yêu cầu có từ hai đến ba thư giới thiệu (letter of recommendation) khác nhau.
Vì sao thư giới thiệu rất quan trọng? Vì qua tờ giấy A4 này, tuy không “tận mặt” nhưng sẽ giúp hội đồng tuyển sinh biết được nhận xét của người khác về DHS, những ưu điểm, thành tích nổi trội, quá trình học ở trường hoặc phẩm chất, cá tính của DHS…
Các bạn nên chọn ai giúp mình “PR” bản thân một cách có lợi nhất? Theo kinh nghiệm của Quỳnh Trang, DHS Mỹ, người đầu tiên chọn phải là người trực tiếp giảng dạy bạn, càng có “thương hiệu” (có uy tín, có học hàm, học vị, có chức vị cao) càng tốt, càng là thầy cô “ruột” của mình càng dễ mở miệng.
Người thứ hai có thể là partner – cộng sự từng thực hiện một đề tài, công trình nghiên cứu chung với bạn. Người thứ ba có thể là thầy, cô hướng dẫn bạn nghiên cứu khoa học, hoặc là “sếp” của bạn, nếu bạn đang đi làm. Tóm lại “dụng nhân” cho thư giới thiệu về mình cũng chẳng khác gì “dụng mộc”, tùy thuộc vào tính chất ngành nghề bạn muốn apply để quyết định chọn người cho điểm tốt về khả năng nghiên cứu hay những phẩm chất đáng quý nào khác của bạn.
Trước khi thầy cô viết thư giới thiệu, học sinh nên đến trao đổi trực tiếp với thầy cô. Đừng ngần ngại gợi ý thầy cô viết cho bạn một thư giới thiệu tốt, tránh trường hợp bên cạnh ưu điểm của bạn thì liệt kê luôn những điểm chưa tốt. “Bút sa gà chết”, nhận định của thầy cô về những hạn chế mà bạn “cần phải khắc phục” có thể khiến bạn “thủng lưới” ở phút 89.
Tuy không phải tất cả những hạn chế đều là xấu và “đánh rớt” bạn nhưng hãy nghĩ rằng bạn sẽ không có cơ hội để giải thích với hội đồng tuyển sinh của trường “vì sao” hay “tại bị” khiến mình có khuyết điểm, nên tốt nhất là “tốt khoe, xấu che” và tự khắc phục sau này.
Hiện nay, do bận rộn nên nhiều học sinh, sinh viên tự giới thiệu về mình và chỉ nhờ giáo viên ký tên xác nhận. Nếu lá thư “tự xử” không có “bản sắc”, sai từ ngữ chuyên môn, lỗi chính tả, hình thức nhàu nát sẽ khiến hồ sơ của học sinh bị mất điểm. Do vậy, học sinh cần phải đầu tư thư giới thiệu càng không “đụng hàng” càng tốt, càng giữ được nội dung, hình thức của thư giới thiệu càng được các giáo sư nước ngoài chú ý.
Thử tưởng tượng xem, hằng năm các giáo sư phải đọc hàng trăm hồ sơ kèm theo thư giới thiệu, thư nào cũng giông giống nhau sẽ rất nhàm chán. Nếu chưa thấy tự tin, học sinh có thể tham khảo thư giới thiệu của những đàn anh, đàn chị.
Thư giới thiệu nên viết ngắn gọn, mạch lạc, trong thư nên đề cập đến khả năng học tập của sinh viên. Hệ thống thi cử, đánh giá ở các trường Việt Nam khác với hệ thống đánh giá của Mỹ, châu Âu nên người viết thư giới thiệu nên nhấn mạnh đến thứ hạng của học sinh như đứng thứ mấy trong “top” 10.
Ngoài khả năng học tốt, học sinh còn có những khả năng nào khác như khả năng nghiên cứu khoa học, làm việc theo nhóm hoặc phẩm chất đáng quý như hoạt động tình nguyện viên, hỗ trợ cộng đồng, có khả năng làm việc theo nhóm… Những nhận nhận xét trên nếu có dẫn chứng minh họa sẽ có giá trị thuyết phục và tạo lòng tin đối với Hội đồng tuyển chọn.
Cuối cùng cũng quan trọng không kém là học sinh đọc kỹ yêu cầu của nhà trường về thư giới thiệu. Một số trường chỉ yêu cầu viết qua email nhưng những trường khác đòi hỏi thư giới thiệu đến trường hay đến chương trình học bổng bạn đăng ký qua bưu điện. Bạn phải đọc hướng dẫn xem thư sẽ gửi cùng với hồ sơ của bạn hay gửi riêng vì một số chương trình học bổng lại muốn nhận thư giới thiệu do chính tay người viết gửi tới.
Nếu gửi bằng bưu điện, thư giới thiệu phải có chữ ký ở mép phong bì chứng minh còn “nguyên đai, nguyên kiện”. Nếu apply từ 5-10 trường, các bạn cần chuẩn bị sẵn bao thư, tem có đánh máy sẵn địa chỉ cần gởi đến để không làm mất thời gian thầy cô của mình.
10 kinh nghiệm xin thư giới thiệu
1. Dành một khoảng thời gian tương đối để người giới thiệu viết thư cho bạn. Ít nhất hai tháng trước hạn nộp đơn, hãy hẹn gặp để giải thích một cách ngắn gọn cho người giới thiệu.
2. Chọn những giáo viên có thể dẫn chứng cho tính cách cũng như khả năng tư duy của bạn.
3. Chú ý chọn những giáo viên dạy bạn những môn học khó nhưng bạn đã học tập thực sự chăm chỉ ở những môn đó.
4. Chú ý chọn những giáo viên dạy bạn những môn học chuyên ngành mà bạn sẽ tiếp tục theo đuổi khi vào đại học.
5. Chuẩn bị một tờ giấy khi gặp người giới thiệu với những thông tin sau đây:
– Những trường mà bạn định đăng ký, với lý do bạn chọn xin học mỗi trường.
– Những hoạt động ngoại khóa ý nghĩa mà bạn gắn bó lâu dài nhất, với lý do vì sao bạn tham gia những hoạt động này.
– Những thành tích mà bạn tự hào nhất, với chi tiết lý do vì sao chúng quan trọng nói chung và với bạn nói riêng.
– Bất cứ một vấn đề cá nhân nào (đi học xa, làm thêm sau giờ học, vấn đề gia đình) đã ảnh hưởng đến bạn trong quá trình học tập cấp 3.
6. Bạn có lẽ sẽ không có nhiều lựa chọn trong việc ai là người viết thư giới thiệu của người cố vấn, nhưng hãy suy nghĩ kỹ càng trong việc chọn người viết thư giới thiệu của giáo viên . Vì vậy, hãy chọn:
– Những giáo viên mà bạn có thể trò chuyện một cách thoải mái.
– Những giáo viên không bị vướng bận bởi hàng trăm lá thư giới thiệu của người khác.
– Những giáo viên biết về bạn nhiều hơn là những điểm số trên giấy.
– Những giáo viên có thể đã không cho bạn điểm tốt nhất nhưng nhận ra và đánh giá cao sự kiên trì, chăm chỉ, tính kỷ luật, sẵn sàng mạo hiểm, tình yêu chân thành đối với học tập, tinh thần hợp tác của bạn, v.v…
– Những giáo viên thực sự yêu quý bạn.
7. Cho giáo viên thấy tính cách thực của bạn.
8. Chia sẻ với giáo viên những khía cạnh trong cuộc sống cá nhân có liên quan đến việc học tập của bạn.
9. Trình bày với giáo viên một bài viết, dự án hoặc một bài kiểm tra mà bạn đã làm hết sức mình trong lớp của họ hoặc những lớp tương tự.
10. Mặc dù quà tặng là không cần thiết, hãy nhớ gửi một tấm thiệp cảm ơn cho người giới thiệu của mình.