Khi quyết định khởi tạo doanh nghiệp riêng, bạn đã bắt đầu một hành trình không dễ dàng và không phải lúc nào cũng nhiều niềm vui. Với những ai đã quen với vai trò điều hành trong các công ty lớn, hành trình khởi nghiệp đòi hỏi họ phải thay đổi tư duy.
Họ phải quên đi “ngân sách lớn” và “dịch vụ cao cấp”. Họ phải tìm cách bán được sản phẩm, chi trả hóa đơn đúng hạn và mang lại giá trị cho khách hàng, phải nỗ lực để xuất hiện trước khách hàng tiềm năng với nguồn ngân sách hạn hẹp và nghĩ cách tạo dựng danh tiếng trên thị trường. Vì thế, doanh nhân khởi nghiệp cần giỏi xoay xở, cần kiên nhẫn, có tư duy chiến lược đối với những quyết định và hành động của họ.
Một quyết định tồi có thể khiến một doanh nhân tổn thất nhiều tiền hơn so với khả năng chịu đựng – đây là một lý do lớn dẫn đến thất bại của 50% doanh nhân khởi nghiệp trong vòng năm năm đầu tiên và hơn 70% sau 10 năm. Để có thể thực hiện những quyết định tốt, học cách làm thế nào để thành công nhưng cũng đồng thời khám phá những bất ngờ và may mắn trên hành trình, bạn cần tránh rơi vào năm “cạm bẫy” sau:
Bẫy thứ 1: Muốn hoàn hảo
Không có gì là hoàn hảo. Sẽ luôn có cách tốt hơn. Bị hút vào những lý tưởng hoàn hảo sẽ đưa bạn vào một tình huống “rối tung” mà bạn không thể thoát ra. Đừng cố đạt đến điều không tưởng. Hãy thực tế, liên tục cải tiến để theo kịp tốc độ thay đổi và đáp ứng hơn cả mong đợi đối với các mối quan hệ, khách hàng và thị trường có giá trị nhất.
Bẫy thứ 2: Hay trì hoãn
Những quyết định tồi sẽ hiển hiện một khi bạn phớt lờ, không chịu làm những chuyện cần làm, đặc biệt là những chuyện bạn không thích làm dù cần thiết. Càng cố tìm lối thoát dễ dàng hoặc phớt lờ thực tế, trách nhiệm của bản thân thì khả năng ra quyết định của bạn càng tệ hơn. Phải chấp nhận mọi thứ và chịu trách nhiệm, khi đó, bạn trở thành người ra quyết định sáng suốt hơn.
Bẫy thứ 3: Không đủ khát khao
Khi bạn cam kết trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, bạn cần phải có tư duy phát triển. Nghĩa là bạn phải không ngừng khao khát bởi vì không bao giờ biết trước được “hạt giống cơ hội” nào sắp nảy mầm và phát triển. Doanh nhân khởi nghiệp phải liên tục lèo lái con thuyền trong tình trạng bấp bênh và không thể dự đoán trước – phải nuôi dưỡng mọi cơ hội. Bạn phải tạo ảnh hưởng, tạo khác biệt và tạo đà phát triển. Một khi dừng quan tâm về điều đó cũng là lúc bạn không còn khát khao cạnh tranh và bắt đầu có những quyết định tồi tệ.
Bẫy thứ 4: Thiếu chú ý đến chi tiết
Nếu không chịu dành thời gian để khám phá những chi tiết trong mọi việc mình làm thì người khởi nghiệp không thể đa nhiệm một cách hiệu quả và không thể đưa ra quyết định hợp lý. Chú ý đến chi tiết đòi hỏi bạn phải đặt ra rất nhiều câu hỏi, không bao giờ giả định về câu trả lời và luôn đóng vai trò của “một sinh viên” để hiểu rõ hơn về những thứ mà mình không hiểu hoặc không muốn hiểu. Chẳng hạn, bạn có thể tham gia các khóa học về kế toán và tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ để hiểu về thuế và những dạng quyết định tài chính mà bạn đang thực hiện.
Bẫy thứ 5: Không dành đủ thời gian cho tư duy phản biện
Thời gian trôi qua rất nhanh đối với các doanh nhân khởi nghiệp, đặc biệt là khi bạn ở trong tình trạng “phải tồn tại”. Đừng bao giờ để cho cường độ căng thẳng của việc khởi nghiệp ngăn không cho bạn dành thời gian để tư duy phản biện về cách vượt qua những áp lực mà bạn đang đối mặt. Khi tạo được cho mình thói quen kỷ luật về tư duy phản biện, bạn không chỉ tránh được bốn cạm bẫy vừa nêu mà còn có thể thực hiện những quyết định tốt hơn.