Tại Trung tâm văn hóa Phương Nam – Làng nghề Huế (15 Lê Lợi, TP. Huế) đang diễn ra triển lãm có tên “Những bộ sưu tập của Dorothee Berkenheger”, nữ họa sĩ đến từ CHLB Đức. Triển lãm kéo dài đến tháng 5-2013.
Xuất phát từ sự yêu thích đối với các đồ vật đặc trưng của các nền văn hóa cũng như sự tiếp nhận, sự du nhập nhiều nét đặc trưng văn hóa khác nhau trong từng đồ vật, Dorothee Berkenheger đã hình thành bộ sưu tập độc đáo của cô. Các vật dụng hằng ngày đã được tác giả sử dụng sáp (paraffine) để chuyển đổi thành những vật thể vô chức năng – mô dạng của sự vật.Và sự chuyển đổi đó có được sau khi tác giả trải qua một quá trình tiếp xúc gắn bó với từng sự vật, đòi hỏi cô phải làm việc trong thời gian lâu dài, bền bỉ và thật tỉ mỉ.
Qua tác phẩm, người xem nhận thấy mỗi đồ vật mà Dorothee Berkenheger đam mê sưu tầm không chỉ được thể hiện qua từng nét đặc trưng văn hóa của chúng mà còn ở sự sở hữu từng món đồ mà tác giả có cơ hội tìm được, làm việc với nó để tìm hiểu sự đa dạng của vật thể cùng những tương đồng và những sự khác biệt nhỏ nhất của chúng. Tất cả được mô tả bằng hai tác phẩm trình chiếu kết hợp sắp đặt ảnh. Lần lượt cái nọ nối tiếp cái kia xuất hiện trên màn hình video. Không âm nhạc, không kỹ xảo.Tự thân chúng bộc lộ dạng thức nguyên thủy.Bên ngoài mỗi tác phẩm trình chiếu là hệ thống các vách ngăn vây quanh ba phía tạo thành không gian hạn định tuyến quan sát của người xem.Xung quanh chúng là những bức ảnh chụp chính các đồ vật trình chiếu.Những tấm ảnh sắp xếp cạnh nhau, liền lạc thành bố cục hàng lối ngang dọc, xiên chéo. Người xem khi bị thu hút bởi đồ vật này khi vật kia nên tạo ra vùng không ổn định của trường nhìn, tạo sự thay đổi liên tục về ngữ nghĩa tác phẩm. Hai tác phẩm triển lãm tại Huế này chính là phiên bản nâng cao tác phẩm mà Dorothee Berkenheger đã triển lãm trước đó tại Đức, Ba Lan.
Thời gian nhiệm trú một tháng tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Không Gian Mới của Dorothee Berkenheger không nhiều, tuy nhiên cũng đủ để tác giả “va chạm” với những đồ vật có tính biểu trưng cho văn hóa của người Việt trên đất Huế: những chiếc bình vôi to nhỏ, có men, không men của nhiều thời kỳ hoặc Chămpa hay thuần Việt để thực hiện một tác phẩm video art trong triển lãm.
- Võ Xuân Huy