“Cửa thang thoát hiểm chèn cục gạch, cục đá là điều tắc trách nhất mà người Việt nghĩ ra để tự giết mình”.
Kiến trúc sư Lê Huy Trực đã chia sẻ đầy nhức nhối như vậy khi nhìn nhận về nguyên nhân vụ cháy chung cư Carina Plaza tại TP. HCM khiến 13 người chết và 28 người bị thương đang khiến dư luận hết sức lo lắng.
“Cái cửa thang thoát hiểm chêm cục gạch” là điều tắc trách nhất mà người Việt nghĩ ra để tự giết mình. Tôi đã từng thấy người ta chêm cục gạch rất nhiều lần ở các chung cưvà cũng từng chia sẻ sau vụ hoả hoạn ở toà nhà London.
Cầu thang thoát hiểm toà nhà luôn được ngăn cách bằng hai lớp cửa, bạn chỉ có thể vào thang từ tầng nhà bạn và ra khỏi thang ở tầng 1. Lúc được vận hành đúng, thang thoát hiểm về lý thuyết luôn an toàn và tách biệt với khói lửa từ phía ngoài.
Tuy nhiên, văn hoá “chêm cục gạch” cho người ta có thể ra vào thang thoải mái đã biến nguyên cái thang trở thành một nơi hút khói vào, và khi có hoả hoạn, nó trở thành một ống khói khổng lồ và tràn khí độc đến tất cả những tầng “chêm cục gạch”.
Vậy nên, có thể nguyên nhân chính của việc tầng hầm cháy mà khói tràn lan lên những tầng ở trên chính là những cục gạch đó, những cục gạch mà dân chúng không ai biết hậu quả, chỉ có Ban quản lý chung cư biết, hiểu, nhưng không làm gì thì đó gần như là tội ác.
Nếu bạn đang ở chung cư, cửa thoát hiểm luôn mở toang, chèn cục gạch hay họ đang để thùng rác sau lớp cửa thứ nhất, hãy làm mọi cách để thay đổi điều này, bạn sẽ cứu chính mình.
“Lúc điện tắt, không có đèn thoát hiểm” là một sự ngụy biện trẻ con! Ai làm trong ngành xây dựng đều biết đèn Exit hoạt động độc lập với nguồn điện và nó chỉ phát huy tác dụng khi có sự cố, và dĩ nhiên cúp điện. Nên đỗ lỗi cho đèn thoát hiểm không hoạt động khi điện tắt là trốn trách nhiệm, kiến trúc sư Lê Huy Trực khẳng định.
Buông lỏng từ khâu thiết kế, quản lý thi công đến vận hành bảo trì
Phân tích rất cụ thể những nguyên nhân dẫn đến tai họa vừa xảy ra tại cao ốc căn hộ Carina Palaza, ông Đỗ Hòa, CEO Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị nhấn mạnh: “Tôi nghĩ an toàn cháy nổ cao ốc căn hộ nhiều nơi đang bị buông lỏng. Nhiều cao ốc chủ đầu tư tối đa hóa diện tích kinh doanh nên không gian và tiện ích thoát hiểm bị giảm bớt. Hành lang hẹp, trần thấp, thông gió kém dẫn đến nguy cơ lửa cháy lan nhanh từ phía đối diện và dễ bị chết vì ngộp thở do khói.
Ít thang bộ thoát hiểm, hoặc bố trí gần nhau, nên nếu cháy gần thang bộ thì không còn lối thoát thân nào khác. Thang bộ quá hẹp nên khi có hỏa hoạn mọi người dễ giẫm đạp lên nhau, trẻ con và người già yếu bệnh tật sẽ bị giẫm đạp. Hầm chứa nước trên nóc nhà quá nhỏ, nên không đủ nước để chữa cháy trong khi chờ các phương tiện chuyên dụng.
Buông lỏng khâu quản lý thi công, nhiều cao ốc hệ thống chữa cháy tự động và các trang thiết bị bị tráo để giảm giá thành. Hệ thống cơ điện không đảm bảo, thiết bị chất lượng kém, dây điện không đủ tải nên dễ phát cháy. Bơm nước chất lượng kém, thường hỏng hóc.
Hệ thống cảm ứng khói được lắp đặt chỉ để đối phó dẫn đến không hoạt động ngay từ đầu, hoặc khi xảy ra sự cố cháy thì không phát hiện được.
Cửa thoát hiểm không đúng yêu cầu kỹ thuật, không đảm bảo về mặt chất liệu, dẫn đến khi cháy thì khói tràn vào thang thoát hiểm không sử dụng được, và cửa thang thoát hiểm bị bắt lửa cháy quá sớm, cư dân không đủ thời giand để thoát ra. Hầm nước bị rò rỉ thấm dột khiến cư dân kêu ca, nên không sử dụng, không chứa đủ nước thì khi cháy không có nước để chữa cháy.
Vận hành và bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy là tốn kém, nên đơn vị quản lý tòa nhà thường ít khi quan tâm và đầu tư đúng mức. Vả lại, toàn bộ hệ thống ấy cả năm có khi không dùng tới nên họ cũng dễ chủ quan, khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra thì họ “chạy” cho qua. Bình chữa cháy có nhưng không sử dụng được do bị rỉ sét, bình hết CO2, bình bị khóa chặt do sợ trộm cắp. Hầm bị cạn nước, dùng tí đã hết nước.
Hệ thống cảm ứng khói tự động bị tắt vì chất lượng kém, thi công lắp đặt không đạt yêu cầu kỹ thuật nên hoặc không phát hiện được cháy, hoặc thường xuyên xảy ra báo cháy giả, dẫn đến việc người trực “tắt đi cho khỏi bị phiền”.
Thang thoát hiểm bị khóa, để khỏi phải tốn bảo vệ canh gác dẫn đến cháy thì không mở cửa để thoát ra được. Hoặc thang bảo vệ bị sử dụng vào các mục đích khác như làm kho tạm, làm shop bán hàng, cửa không đóng kín như qui định… khi cháy khói tràn vào, không dùng làm lối thoát hiểm được…”
Đưa ra lời cảnh báo với chính quyền và ý thức của từng người dân, ông Đỗ Hòa nói: “Kỷ luật phòng cháy chữa cháy đang bị xem nhẹ, chính quyền và các cơ quan quản lý chung cư, căn hộ không thường xuyên nhắc nhở cư dân về công tác PCCC, để mặc họ đun nấu thô sơ, thắp hương đèn, đốt vàng mã khi không có người canh. Không huấn luyện PCCC đều đặn cho cư dân, đến khi xảy ra sự cố cháy họ hoảng loạn làm tăng thiệt hại người và của cải.
Bao nhiêu người khi mua, nhận bàn giao căn hộ có kiểm tra đầy đủ những mục trên trước khi ký nhận bàn giao căn hộ từ chủ đầu tư? Tôi nghĩ trong tình hình năng lực chữa cháy của thành phố còn hạn chế và nhận thức của người dân mình về an toàn còn khá thấp, người dân khi có nhu cầu mua căn hộ trong cao ốc cần nhận thức đúng đắn những nội dung trên để tự bảo vệ quyền lợi, tính mạng của mình”.
Carina Plaza là hồi chuông cảnh tỉnh
Lý Qúi Trung, Nhà sáng lập Phở 24 chia sẻ đầy lo âu: “ Hồi nào đến giờ mình chưa bao giờ thích ở chung cư dù có cao cấp, tiện lợi đến đâu đi nữa. Đặc biệt là các căn hộ nằm tuốt trên cao, vì nếu có hoả hoạn xảy ra thì không biết chạy đi đâu.
Chạy xuống cũng kẹt mà chạy lên cũng kẹt vì Việt Nam làm gì có vụ trực thăng cứu người trên sân thượng. Vòi nước cứu hoả thì chỉ xịt tới mấy tầng. Còn leo ra lan can để đu dây xuống mấy chục mét bên dưới thì có khi đã chết lâm sàng khi còn đang lơ lửng trên không trung! Bây giờ còn thêm vụ tắc trách khoá cửa lối thoát hiểm nữa coi như đủ bộ.
Carina Plaza là một hồi chuông cảnh tỉnh cho người đang ở chung cư, dự định ở chung cư; đặc biệt những nhà đầu tư, những nhà làm luật, ban hành luật liên quan đến các quy định về an toàn trong xây dựng và quản lý chung cư.
Biết xây chung cư cao tầng thì phải biết chuẩn bị cơ sở hạ tầng và phương tiện chữa cháy, cứu người một cách thực sự chứ không phải làm để đối phó, làm để cho có.
Các cơ quan chức năng phải biết kiểm soát và ra những qui định về PCCC, thoát hiểm đủ an toàn, sát với thực tế, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Thống, CEO Công ty Cao Trần đưa ra bài học thiết thực: “Sau vụ cháy chung cư ở quận 8 có nhiều dòng ý kiến khác nhau. Trách chính quyền sao không có luật lệ kỹ càng, kiểm soát thường xuyên để chủ đầu tư chấp hành trong việc phòng cháy chửa cháy…
Thật ra luật lệ đã có thậm chí chặt chẽ hơn mức cần thiết. Kiểm tra cũng thường xuyên cũng rất tích cực, biên bản đầy đủ nhưng không có gì đảm bảo để chuyện đa kim ngân phá luật lệ không xảy ra.
Nhiều người trách chính quyền không đầu tư hệ thống PCCC cho nhà cao tầng, nhưng tiền đâu và chắc chờ cũng còn lâu. Trách chủ đầu tư ham lợi nhuận mà không đầu tư cho đúng và tốt, họ kinh doanh mà không ham lợi thì không lẽ họ làm từ thiện. Cho rằng không nên ở nhà chung cư vậy thì đất đâu ở cho đủ…
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhưng không thấy ai tự trách mình cả. Đa số người mua nhà chung cư chỉ thích xem phòng mẫu hoành tráng, thích thú khi chủ đầu tư khoe nhà lót gạch Ý , thiết bị vệ sinh Đức , sàn gỗ, thậm chí có cả smart home… Ít ai hỏi hay xem xét kỹ chất lượng thiết bị PCCC, hệ thống chiếu sáng thoát hiểm, hệ thống điện, thoát nước…
Không hỏi thì dại gì nói, không yêu cầu thì dại gì đầu tư cho tốn thêm! Cho nên mỗi người hãy tự lo cho mình, chỉ mua nhà khi chủ đầu tư giới thiệu kỹ chất lượng của những thứ mà chúng ta không nhìn thấy khi nhận nhà. Tình hình sẽ khác hẳn nếu ai cũng hành động như vậy!”.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza vào hồi 0h30’ ngày 23/3/2018 tại đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP. HCM gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hiện đã xác định có 13 người thiệt mạng và 28 người bị thương.
– Theo Hương Xuân / TheLEADER