Từng là một hiện tượng mang tính toàn cầu nhưng hiện nay, tư bản thân hữu phổ biến nhất là ở các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy, kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường.
Lịch sử thế giới đã cho thấy tư bản thân hữu là nguồn gốc của tham những và lũng đoạn quyền lực. Cuốn sách Tư bản thân hữu Trung Quốc của giáo sư người Mỹ Minxin Pei sẽ nói rõ hơn với bạn đọc về cách thức mà các nhóm lợi ích, trước hết là các nhóm thân hữu đã chi phối quyền lực, thao túng quyền lực để cuối cùng lấy cắp tài sản quốc gia rồi chia chác cho nhau và bị trừng phạt như đã, đang và sẽ còn diễn ra ở Trung Quốc như thế nào.
Từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào cuối năm 2012, một trong những vấn đề mà nước này liên tục gây chú ý cho cả thế giới là chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt và lâu dài. Từ năm 2013 đến nay đã có 1,34 triệu quan chức các cấp đã bị trừng phạt, trong số đó có cả những nhân vật tưởng chừng “bất khả xâm phạm” như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Từ Tài Hậu, Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang… Tham nhũng đã thấm sâu vào nhà nước đảng trị này đến nỗi nó trở thành chất keo để giữ cho guồng máy khỏi tan rã. Và vì thế, chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông Tập nhằm đảm bảo sự trường tồn của ĐCSTQ hình như đang đặt ra một mối đe dọa cho sự sống còn của Đảng trong ngắn hạn hoặc trung hạn.
Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, các quan tham Trung Quốc ăn cắp công quỹ càng nhiều hơn, một phần nhờ vào sự gia tăng to lớn trong ngân sách chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các hợp đồng béo bở về xa lộ, hải cảng và đường sắt là những cơ hội để họ làm giàu cho chính mình, cho thân nhân và bạn bè. Một nguồn lợi khác từ trên trời rơi xuống là chương trình tư hữu hóa – được gọi bằng mỹ từ “cải tổ quyền làm chủ tài sản”.
Từ đầu thập niên 1990, chính phủ Trung Quốc dần dần nới lỏng quyền kiểm soát việc sử dụng các tài nguyên đất đai và hầm mỏ, chẳng hạn, cho phép các quan chức địa phương được tự do chuyển nhượng các tài sản quý giá này cho thân nhân và bạn bè – một thứ tự do chưa từng có trước đó. Hình thức tham nhũng cấu kết mới hiện nay độc hại hơn nhiều vì nó khó bị phát hiện và chặn đứng hơn, đồng thời nó bào mòn sự vẹn toàn cơ chế của nhà nước.
Tư bản thân hữu Trung Quốc của Minxin Pei là công trình tìm hiểu nguồn gốc những bất an hiện nay của Trung Quốc. Với hàng loạt các cải cách không trọn vẹn từ thời hậu Thiên An Môn, cách thức phân cấp quyền quản lý tài sản nhà nước nhưng không làm rõ các quy định về quyền sở hữu đã trao cho một số kẻ nắm quyền ở Trung Quốc cơ hội làm giàu lớn nhất trong lịch sử. Bằng cách phân tích một bộ dữ liệu đủ lớn gồm 260 vụ án, tác giả cuốn sách trích xuất thông tin quan trọng về các đặc điểm của hành vi cá biệt, rút ra những hiểu biết hữu ích về thế giới tư bản thân hữu ở Trung Quốc.
Tác giả Minxin Pei là giáo sư khoa Chính trị học tại Đại học Claremont McKenna (California – Hoa Kỳ), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược KECK. Theo báo The Economist, cuốn sách này cần thiết cho bất cứ ai muốn hiểu Trung Quốc ngày nay hoặc hợp tác với Trung Quốc ở bất kỳ cấp độ nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Sách của NXB Hội Nhà Văn, do Phương Nam Corp phát hành, giá 140 ngàn đồng/cuốn.