Giữa lúc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng thêm căng thẳng, hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc đang phải hứng chịu những đòn thuế quan nặng nề, nhiều công ty Trung Quốc đã bắt đầu tính chuyện di dời sản xuất sang các nước khác để né tránh các hậu quả của cuộc chiến.
Không chỉ đánh trực tiếp vào hàng nhập từ Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump mở mặt trận mới nhắm tới cả các sản phẩm Mỹ có dính bàn tay gia công của người Trung Quốc. Tuần qua, ông Trump tỏ ra không khoan nhượng với hãng công nghệ khổng lồ Apple, cảnh báo hãng này nên sản xuất các sản phẩm của mình tại Mỹ để tránh bị đánh thuế nặng.
Ông Trump tung ra dòng Twitter: “Giá thành của Apple có thể sẽ bị tăng vì mức thuế chúng tôi áp đối với hàng Trung Quốc. Nhưng có một giải pháp đơn giản mà không bị thuế gì hết, thậm chí còn được hưởng lợi thuế. Hãy chế tạo sản phẩm của quý vị tại Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc. Các vị hãy bắt đầu ngay từ giờ xây dựng các nhà máy mới đi”.
Trước đó, lãnh đạo tập đoàn này đã gửi thư lên chính phủ Mỹ tỏ ý lo ngại chính sách thuế đánh vào Trung Quốc có thể sẽ làm giảm tăng trưởng và sức cạnh tranh kinh tế Mỹ, giảm sức tiêu dùng nội địa khi giá cả hàng hóa tăng. Thế nhưng có vẻ như không gì có thể lay chuyển quyết tâm của ông Trump.
Đến lúc này Trung Quốc chỉ có thể đáp trả bằng những tuyên bố sẽ “trả đũa tương xứng” hay “kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp”… Về phần mình các công ty Trung Quốc tìm cách tổ chức lắp ráp sản phẩm của mình ở nơi khác. Theo AFP, đã có rất đông các công ty Trung Quốc sản xuất lốp xe, đồ nhựa hay dệt may bắt đầu triển khai việc di dời nhà xưởng sản xuất sang nước khác.
Tháng trước, HL Corp, một nhà sản xuất phụ tùng xe đạp thông báo chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để giảm bớt tác động của thuế Mỹ. Trong các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, ông Trump đặc biệt nhắm vào sản phẩm xe đạp điện Trung Quốc.
Ngành công nghiệp này đã không còn đặt trọng tâm vào Trung Quốc từ lâu và họ đã triển khai di dời sản xuất sang Việt Nam.
Giải thích với AFP, Alex Lee, phụ trách bán hàng quốc tế của hãng HL Corp cho biết: Các loại xe đạp Made in Vietnam sẽ không bị áp thuế chống phá giá của Mỹ cũng như của châu Âu, giá nhân công địa phương thấp hơn Trung Quốc.
Thực tế thì xu hướng di dời sản xuất sang nước khác không phải là mới đối với Trung Quốc thời gian gần đây. Trong bối cảnh thị trường lao động trong nước bão hòa, giá nhân công địa phương tăng, các quy định về chuẩn mực môi trường bị thắt chặt hơn, công nghiệp Trung Quốc nói chung đã tìm đường di dời một phần sản xuất sang nước khác, chủ yếu là trong khu vực Đông Nam Á.
Những căng thẳng thương mại Mỹ – Trung giờ đây trở thành chất xúc tác thúc đẩy xu hướng này cho dù cuộc di cư có thể để lại hệ quả là làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp tại Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc.
Trước cuộc chiến thương mại, đã có nhiều công ty đa quốc gia như Hasbro, chuyên về đồ chơi, Olympus (máy ảnh) hay Decker (giày dép) đã di dời nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc. Giờ đây các công ty của Trung Quốc theo chân các công ty trên ra đi.
Một công ty chuyên về may mặc chuyển sang đóng ở Myanmar, một nhà sản xuất đệm giường vừa khánh thành xưởng sản xuất ở Thái Lan, một nhà chế tạo động cơ vừa mua một nhà máy ở Mexico…
Trong khi đó Tập đoàn Linglong Tyre, tận dụng nguồn tín dụng rẻ, đã xây dựng một nhà máy làm lốp xe hơi với giá trị đầu tư gần 1 tỉ USD tại Serbia, ngay cửa ngõ vào Liên hiệp châu Âu. Tập đoàn này cho rằng xây nhà máy ở nước ngoài giúp họ có tăng trưởng gián tiếp nhờ tránh được hàng rào thương mại.
Cuộc đấu thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu ngưng chiến cho đến lúc này, thậm chí có chiều phát triển thành cuộc chiến tổng lực không thể dự báo bên nào thắng, bên nào thua.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của Ngân hàng JP Morgan Chase ngày 11-9 nói rằng sự mất mát 700.000 việc làm có thể xảy ra nếu Mỹ áp thuế quan bổ sung 25% lên thêm 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách giảm giá đồng nhân dân tệ 5%, cộng thêm áp thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ.
Theo báo cáo, tình hình còn có thể tệ hơn nhiều: nếu Mỹ áp thuế quan bổ sung 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế như đã công bố, thì nước này sẽ thiệt hại 5,5 triệu việc làm và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ bị hụt 1,3 điểm phần trăm.
Tác động của cuộc chiến thuế quan đối với thị trường việc làm của Trung Quốc nói chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể trở thành mối lo chính sách của nước này.
Báo cáo cho rằng 1 đồng nhân dân tệ rẻ hơn sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc vượt qua được những cú sốc như vậy.
– Tổng hợp AFP, Reuters, Bloomberg