Với việc loại bỏ các hàng rào kỹ thuật và hội nhập quốc tế nhanh chóng, cơ hội xuất khẩu trái cây đang rộng mở hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 8-4, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết chính phủ nước này đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để cấp giấy phép nhập khẩu cho xoài Việt Nam. Nếu được cấp phép, đây là loại trái cây thứ hai của nước ta được nhập khẩu vào thị trường này, sau trái vải tươi.
Được đánh giá là một trong những thị trường khó tính với những tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng, xoài Việt được xuất khẩu sang Australia sẽ tạo tiền đề để nhiều loại trái cây khác xâm nhập vào thị trường này. Để hỗ trợ khâu nhập khẩu và phân phối trái xoài, nhiều hoạt động nghiên cứu thị trường, kết nối doanh nghiệp được các cơ quan đại diện Việt Nam ở Australia triển khai. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, việc nhập khẩu và phân phối đã có sự cam kết hỗ trợ của Hội Nông gia Việt Nam Bắc Australia với mạng lưới tiêu thụ trên toàn Australia, hứa hẹn sẽ mang lại chỗ đứng vững chắc cho xoài Việt tại thị trường này.
Năm ngoái, trái xoài cát chu Việt Nam cũng vượt qua những rào cản khắt khe về kỹ thuật để xâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Với thế mạnh giá rẻ hơn mặt hàng này của Thái Lan nhưng ngon, ngọt, hợp khẩu vị người tiêu dùng Nhật Bản, mặt hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo sự đột phá về xuất khẩu trong năm 2016. Các doanh nghiệp cũng đang xúc tiến để đưa thanh long ruột đỏ, vú sữa, chôm chôm… vào Nhật.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trái cây Việt đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thanh long là loại quả xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước khi chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch; trong khi những loại quả khác như xoài, nhãn, vải… đang được thị trường các nước Nhật Bản, EU… ưa chuộng. Ngành nông nghiệp cũng đang làm những thủ tục cần thiết để xúc tiến xuất khẩu vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thanh long… sang các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan…
Để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và số lượng theo các đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần ký hợp đồng liên kết chặt chẽ với nhà nông, từ khâu sản xuất, giám sát chất lượng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Riêng nhà nông cũng phải nhanh chóng thay đổi thói quen sản xuất, thích nghi với điều kiện sản xuất mới để cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất, xuất khẩu bền vững.
Trong năm 2016, với động lực và cơ hội từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực, việc đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Australia… không chỉ giúp nhà nông yên tâm về đầu ra sản phẩm mà còn thay đổi tư duy sản xuất, góp phần tạo nên một ngành nông nghiệp bền vững.