Các chuyên gia tại hội nghị Vietnam Future Market Summit 2016 đều dự đoán nhóm ngành logistics sẽ trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn trong thời gian tới. Mặc dù ngành thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập nhưng ngành logistics vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng do nguồn cung kho bãi tăng và sự phát triển của kênh phân phối hiện đại.
Một cuộc khảo sát về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng mới đây cho thấy người Việt khá lạc quan về tương lai. Tuy nhiên, ngoài ba lĩnh vực giáo dục, sức khỏe và sản phẩm chăm sóc gia đình thì mọi người vẫn giữ thói quen cân nhắc trong chi tiêu. Người tiêu dùng chi từ 10 – 12% thu nhập cho việc học hành của con cái, ngành dược phẩm năm nay tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và 50% người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chăm sóc gia đình. Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hiện đang trở nên bão hòa với 2 – 3% tăng trưởng hằng năm.
Mối lo ngại và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho mọi người ít mua hàng từ các khu chợ mà chuyển dần sang những kênh phân phối hiện đại và chuỗi cửa hàng tiện lợi. Mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi đã tăng trưởng 300% trong năm qua. Hoạt động khuyến mãi vẫn giữ vị trí quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của mọi người. Khảo sát ý kiến người tiêu dùng cho thấy trong kênh siêu thị, Saigon Co.op và Big C là hai hệ thống siêu thị có khuyến mãi hấp dẫn nhất, còn về phía cửa hàng tiện lợi thì VinMart và FamilyMart là hai hệ thống đứng đầu qua đánh giá của người tiêu dùng.
Theo ông Greg Ohan, Giám đốc Công ty CBRE thì nguồn cung kho bãi cho thuê tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đều đang tăng mạnh. Giá thuê trung bình ổn định ở mức 3 USD/m2. Số lượng kho bãi cũng đang có xu hướng tăng tại các khu vực đô thị loại 2 để đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử đang tăng cao. Số lượng các dự án nhà máy xây sẵn tập trung tại các tỉnh thành công nghiệp trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng và giá thuê mặt bằng tại các khu vực này là khoảng 2,8 USD/m2.
Với TPP, ngoài các ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan như dệt may, da giày, thủy sản… các chuyên gia đều nhận định việc tham gia hiệp định này sẽ tạo ra một cơ hội bứt phá cho lĩnh vực logistics. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước dường như rất ít được hưởng lợi từ TPP vì một trong những nội dung chính của hiệp định này là quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Để đáp ứng được quy tắc này, các doanh nghiệp cần có lưu trữ giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa tối thiểu năm năm, cùng với những giấy tờ khác và việc lưu trữ giấy tờ vốn được quản lý rất lỏng lẻo tại các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra các quy định tuân thủ về bảo vệ môi trường cũng là một thách thức lớn khi mà luật bảo vệ môi trường sẽ được siết chặt và những hành vi lạm dụng và không tuân thủ sẽ bị xử lý nặng theo luật định. Các doanh nghiệp quốc doanh cũng sẽ phải tuân thủ những quy định không phân biệt đối xử và những doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ phải tuân thủ luật bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo rằng môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phải chủ động liên kết tạo thành chuỗi để tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực cho logistics vẫn là một vấn đề lớn rất cần đến sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.
Thanh Nhã (DNSGCT)