Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh tại Mỹ Latinh qua những cuộc viếng thăm và ký kết hiệp định thương mại với các nước trong khu vực này.
Chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình từ Brasilia sang La Habana là chuyến viếng thăm thứ hai của ông từ khi lên nhậm chức đã gặt hái nhiều kết quả. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu tại Brazil. Ông Tập Cận Bình đã tuyên bố mua máy bay của hãng Embraer với trị giá hợp đồng lên đến 3,2 tỉ USD. Trung Quốc cũng cho tập đoàn khoáng sản Vale vay đến 5 tỉ USD.
Còn tại Argentina, Trung Quốc hứa hẹn đầu tư 7,5 tỉ USD vào ngành năng lượng và giao thông. Tại Cuba, 29 hiệp định được ký kết để tài trợ việc thăm dò dầu hỏa tại khu vực vịnh Mexico.
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời châu Mỹ Latinh với nhiều hiệp định thương mại được ký kết thì đến lượt Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đáp máy bay đến Mexico tuần qua. Chuyến công du kéo dài 11 ngày tại năm quốc gia diễn ra trong hoàn cảnh thâm hụt thương mại của Nhật đang đạt mức kỷ lục vào sáu tháng đầu năm 2014.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn thúc đẩy trao đổi mậu dịch với châu Mỹ Latinh. Hiện Nhật chỉ xuất khẩu 5% sang châu Mỹ Latinh và chỉ nhập 4% từ lục địa này, chủ yếu là nguyên vật liệu và nông phẩm. Nhật Bản giờ đây cũng nối gót Trung Quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ chiêu dụ châu lục này.
Giống như Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đặt trọng tâm vào các vấn đề năng lượng, nông phẩm, cơ sở hạ tầng… trong chuyến công du lần này. Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Abe không muốn bỏ qua một tấc đất nào cho Trung Quốc. Đây còn là mũi tên thứ ba trong chính sách kinh tế Abenomics: mở cửa kinh tế cho cạnh tranh quốc tế.
Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đặc biệt nhắm đến nguồn dầu lửa của khu vực Nam Mỹ.
Theo truyền thông Nhật, Thủ tướng Abe và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ tuyên bố xây dựng giàn khoan dầu sử dụng công nghệ Nhật Bản. Ông Shinzo Abe cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Caribê, một dịp để ông đề cập đến các vấn đề về năng lượng, ngư nghiệp, dự án phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, lý do chính trị, ngoại giao cũng là động lực thúc đẩy ông Abe trong chuyến công du này. Tokyo nhắm đến chiếc ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2016. Theo chuyên gia Eric Boulanger tại Đại học Québec-Montréal thì rõ ràng Nhật muốn được thế giới thừa nhận là cường quốc khu vực tại châu Á.
V.Đ