Kết thúc hội nghị thượng đỉnh hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chủ trì, ngày 9-10 lãnh đạo Nhật Bản và năm nước Đông Nam Á dọc theo sông Mekong đã đồng ý hợp tác để cổ vũ cho một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Abe mô tả vùng Mekong với nguồn nhân lực phong phú là cầu nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông bày tỏ hy vọng có thể thúc đẩy hợp tác Nhật Bản với các quốc gia sông Mekong để có thể xây dựng một khu vực phát triển kinh tế. Các nhà lãnh đạo sau đó đã công bố Chiến lược Tokyo 2018, cung cấp các hướng dẫn cho sự hợp tác trong tương lai. Qua chiến lược này, Nhật Bản dường như muốn củng cố thế đứng của mình về kinh tế để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc (TQ). Chiến lược Tokyo kêu gọi thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung vào công nghệ thông tin truyền thông cũng như đường bộ và đường sắt.
Theo chiến lược này, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước Mekong bằng cách đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị hợp tác Nhật Bản – Mekong cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do hàng hải trên biển và trên không, trong bối cảnh các hoạt động ngày càng tăng cường của TQ tại Biển Đông.
Hãng tin Kyodo dẫn lời các giới chức Nhật Bản cho biết việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy hội nhập của khu vực sông Mekong là một ưu tiên đối với Nhật Bản trong bối cảnh TQ đang gia tăng lực lượng của mình tại khu vực này. Từ năm 2015, TQ đã thành lập Diễn đàn hợp tác Mekong – Lan Thương với mục tiêu cổ vũ cho việc phát triển bền vững dòng sông và cải thiện đời sống của hàng triệu người dân sống trong khu vực. Trong hai năm từ khi diễn đàn được thành lập, TQ đã chi hàng tỉ USD hỗ trợ các dự án hạ tầng ở các nước trong khu vực. TQ và các nước khu vực sông Mekong cũng đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh.
- Xem thêm: Lào sắp xây đập thứ 4 trên sông Mêkong
Sông Mekong dài hơn 4.600km có đầu nguồn ở Lan Thương, TQ, đã đem lại nguồn lợi cho hàng triệu người dân trong lưu vực sông, song cũng tiềm ẩn nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực, đặc biệt do việc xây dựng thủy điện đầu nguồn tại TQ được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dòng sông.
– Theo Kyodo