Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới, cũng là nơi đang chứng kiến những diễn biến phức tạp làm thay đổi bàn cờ địa chính trị của khu vực. Một trong những nhân tố chính đang góp phần vào sự thay đổi đó là Nhật Bản.
Nhật báo Pháp Le Monde trong một bài phân tích đã cho rằng chủ trương “hiếu hòa” theo tinh thần hiến pháp Nhật Bản có thể sẽ không đứng vững. Đây là bản hiến pháp được soạn thảo trong giai đoạn Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, trong đó quy định rằng nước Nhật sẽ “từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh”, “từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, “quyền tham chiến ở nước ngoài của Nhật không được thừa nhận”.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La vào ngày 30-5
Chủ trương hiếu hòa này đang có nguy cơ bị Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe “diễn giải lại” một cách có chủ ý, với mục đích là cho quân đội Nhật Bản được quyền can thiệp nhiều hơn ở nước ngoài.
Nếu Quốc hội Nhật Bản thông qua sự thay đổi này, thì một trong những nguyên tắc chỉ đạo chính sách quốc phòng của Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ hai sẽ bị xóa bỏ. Hiện nay, các đảng trong chính phủ liên hiệp Nhật Bản đang thảo luận về hồ sơ này.
Quan điểm xét lại hiến pháp đã xuất hiện ở Nhật Bản từ mấy chục năm nay. Theo hiến pháp, Nhật Bản không được có quân đội, thế nhưng dưới sức ép của Mỹ và viện dẫn vào quyền “tự vệ chính đáng”, Nhật Bản đã tái lập lực lượng an ninh dự bị vào năm 1950. Vào năm 1954, Nhật Bản tái lập lực lượng phòng vệ (FAD), và hiện tại đội quân này xếp hàng thứ 6 trên thế giới.
Sau Chiến tranh lạnh, vai trò của FAD không ngừng tăng lên và đã gửi quân tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Đảng Tự do Dân chủ (PLD) hiện chiếm đa số áp đảo tại nghị viện cho rằng mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên vẫn thường trực. Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc cũng là một thuận lợi cho phe muốn thay đổi hiến pháp tại Nhật Bản. Những vụ việc vừa qua trên Biển Đông đã cho thấy rõ ràng rằng tham vọng bá quyền của Trung Quốc đang gây quan ngại trong khu vực.
Thủ tướng Shinzo Abe đã ra sức vận động cho việc diễn giải bản hiến pháp trên cơ sở của các mối đe dọa từ bên ngoài và trên nguyên tắc quyền tự vệ chính đáng. Từ việc “từ bỏ quyền tham chiến” đến “quyền tự vệ chính đáng”, Nhật Bản đang chuyển dần sang “một chủ nghĩa hiếu hòa chủ động”, tức là có thể chủ động tham chiến, nhưng tham chiến trong mục đích gìn giữ hòa bình.
Hồ Trân