“Phải bỏ việc thôi, tôi không thể chịu đựng được nữa”, đó là lời của người mẹ trẻ vừa trở lại làm việc, sau kỳ nghỉ dài ngày thai sản. Sao vậy? Bởi sự ghen tỵ của các đồng nghiệp với những đặc huệ dành cho nữ nhân viên sinh con – giảm thời gian làm việc, được nghỉ ở nhà trông con đau ốm…
Trước khi sinh con, Akane có những kỷ niệm đẹp bốn năm làm việc ở một công ty. Khác với nhiều bà mẹ trẻ, Akane sớm đi làm lại, nhưng không ngờ áp lực ngày một lớn. Đồng nghiệp ghen tỵ rằng sao cô lại được làm việc ít thời gian hơn họ, sao không nhờ mẹ trông con ốm mà cứ nghỉ hoài vậy…
Akane không phải là trường hợp đơn lẻ. Sự ghen tỵ phụ nữ ấy càng khuếch đại, khi các bà mẹ trẻ được hưởng nhiều đặc huệ khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh, đó là vì chưa bao giờ Nhật thiếu nhân công như hiện nay.
Nhà nghiên cứu lao động nữ Maeko Takenobu cảnh báo: “Tình trạng rất nghiêm trọng, nhiều bà mẹ trẻ cứ phải chịu đựng áp lực kinh khủng trong yên lặng. Vì sinh kế, không còn lựa chọn nào khác là nén lòng chịu đựng mọi khổ ải mà đi làm trở lại”.
Chính quyền đã lập kênh liên lạc nóng trợ giúp các bà mẹ đi làm lại bị ghen tỵ, nhưng khốn nỗi, phụ nữ rất ngại ngùng nói lên nỗi niềm đau lòng. Theo một điều tra của Bộ Lao động Nhật, 48% các bà mẹ trẻ phải chịu đựng sự đè nén, ghen tỵ trực tiếp từ đồng nghiệp, từ cấp trên của mình.
Cách đây mười năm, để người làm mẹ tương lai được ưu tiên ở những nơi công cộng, đi tàu xe, Bộ Lao động đặt ra huy hiệu “Tôi mang thai đây”. Mục tiêu là khuyến khích sinh đẻ, tăng số sinh, tránh nguy cơ giảm số dân, hạ tỷ lệ người cao tuổi…
Lê Lành theo Asahi shimbun digital (DNSGCT)