Trong khi Mỹ vừa kết thúc mua tài sản dưới hình thức công trái phiếu, thì Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) với chính sách nới lỏng kinh tế mạnh tay đã khiến đồng yen bị giảm giá trị và lợi nhuận của các nhà đầu tư tại Nhật giảm mạnh. Trên thực tế, giá trị thu về của giới đầu tư Nhật bị giảm phần lớn vì tổng giá trị dòng tiền ròng (dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Nhật trừ đi dòng tiền từ Nhật đầu tư ra nước ngoài) tăng gần chạm đến mức cao kỷ lục trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (âm 137 tỉ USD vào tháng 9-2014 so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, nguồn tiền đầu tư tài chính ra nước ngoài đóng vai trò chủ yếu (254 tỉ USD), đầu bảng là đầu tư vào tài sản dài hạn gồm công trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán tại các sàn giao dịch ở trên thế giới. Báo cáo mới nhất của Lombard Street Research (London, Anh) nhận định, do lo lắng về mức độ ổn định của nền kinh tế trong nước, giới đầu tư Nhật Bản đã chuyển vốn sang các quốc gia có triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, dù lợi ích từ động thái này có thể mang tính ngắn hạn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy BOJ sẽ áp dụng gói nới lỏng định lượng trong chính sách tiền tệ dài hạn của mình, khiến đồng yen tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác và cho phép dòng tiền ròng đạt mức âm, càng khiến cho dòng tiền đầu tư từ Nhật đổ ra nước ngoài mạnh mẽ hơn. Thế nhưng ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất?
Theo Lombard Street Research, hưởng lợi nhiều nhất từ dòng tiền này có khả năng là những nước có tiềm năng phát triển kinh tế và có nhu cầu gia tăng nguồn nợ nước ngoài. Thông thường đó là những nước có tính cạnh tranh cao và sở hữu một rổ hàng hóa xuất khẩu phù hợp với nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Ấn Độ, Mexico và nhóm nước đang phát triển tại Đông Nam Á chính là những cái tên đầu tiên, đặc biệt nếu giới đầu tư Nhật Bản đang tìm kiếm những nguồn đầu tư trực tiếp ổn định tại nước ngoài. Tuy nhiên, nhược điểm của các thị trường đang phát triển chính là sự lệ thuộc vào nhu cầu của nước ngoài, khiến cho nguồn đầu tư của Nhật Bản vô tình cũng bị lệ thuộc vào sự phát triển của nước thứ ba. Do đó, có khả năng Tokyo sẽ hướng giới đầu tư vào những nền kinh tế có cấu trúc xuất khẩu tương tự với Nhật Bản và khi đó Hàn Quốc là một điểm đến lý tưởng. Ngoài ra, giới đầu tư Nhật Bản đặc biệt yêu thích thị trường Mỹ với tiềm năng kinh tế nội địa vô cùng lớn. Hiện 52% nguồn tiền đầu tư Nhật Bản nằm tại Mỹ với hơn 80% đầu tư vào công trái phiếu Mỹ. Dù vậy, nếu Nhật tiếp tục đổ tiền vào Mỹ thì sẽ dẫn đến giá trị đồng USD mạnh hơn, từ đó gia tăng áp lực cho những nền kinh tế đang phát triển đang vay nợ nước ngoài bằng USD, trong khi nhóm nước nghèo ấy đang chiếm 10% phân hạng đầu tư của Nhật Bản. Hiện nay, theo thứ hạng cao đến thấp, Trung Quốc (bao gồm Hongkong), Đông Nam Á (đặc biệt là Malaysia), Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ là những nơi thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nhất. Bên ngoài châu Á, Brazil, Mexico và Nam Phi là những đối tác lớn khác hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý đáng kể từ Nhật Bản.
B. Trịnh theo Reuters (DNSGCT)