Có công ty tuyển được một nhân viên mới, có vẻ đáp ứng mọi yêu cầu của vị trí công việc đang chờ đợi, đa năng, tức là đảm đương được nhiều công việc phức tạp khác nhau. Như đã thỏa thuận, Nhàn sẽ là người phụ trách truyền thông và PR, trong đó có cả việc tuyển các tình nguyện viên cho các sự kiện hoặc các dịp hội nghị, hội thảo của công ty và trong một số tình huống, cô sẽ đóng vai trò chính.
Khi vào việc, Nhàn viết tốt các thông cáo báo chí và bản tin định kỳ của công ty. Rồi tố chất “đa năng” của cô cũng đến lúc được thử thách. Khi thực hiện việc tuyển dụng các tình nguyện viên thì kết quả công việc không thật tốt, nhưng chưa đáng lo lắm.
Giám đốc theo dõi công việc nhận thấy Nhàn có vẻ là người cầu toàn. Cô tập trung vào các việc đã hoàn hảo nhưng không dồn sức cho các việc mới mẻ, tức là vẫn tốn nhiều thời gian cho việc biên soạn các thông cáo báo chí và bản tin, trong khi các việc khác lẽ ra cần đầu tư nhiều công sức hơn thì lại bị xem nhẹ.
Đến lúc phải tổ chức họp với các đối tác để giới thiệu các dịch vụ, Nhàn bắt đầu bộc lộ sự yếu kém trong việc thỏa mãn yêu cầu đa năng. Cô không hình dung hết những gì cần chuẩn bị trước nên khi vào buổi họp luôn lộ vẻ căng thẳng, khác hẳn với lúc ngồi viết thoải mái ở bàn giấy. Sau đó là những đợt xin nghỉ phép dồn dập, tiêu hết vèo quỹ phép năm của mình trong một thời gian ngắn.
- Xem thêm: Thời của “người toàn năng”
Cao trào là buổi hội thảo gồm vài chục khách mời từ nhiều đơn vị. Đó là một hội thảo quan trọng mà Nhàn sẽ là người trình bày chính. Cô sẽ phải giới thiệu chương trình và thuyết minh chi tiết về chương trình với các đối tác. Một tuần trước hội thảo, sau khi mọi giấy mời đã gửi đi hết, Nhàn gửi một email cho giám đốc trình bày rằng mình không thể tiếp tục tham gia hội thảo được vì phải giải quyết một số chuyện cá nhân đột xuất.
Nhận được email đó, giám đốc phải đích thân gọi điện thoại cho Nhàn. Cô trả lời qua điện thoại rằng mong được thông cảm vì phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Giám đốc nói nếu Nhàn trình bày khó khăn của cô cách đây ba tuần thì được vì có thể chuyển việc cho người khác, còn bây giờ thì không thể chấp thuận được.
Cuối cùng, Nhàn phải quay lại làm tiếp hội thảo đang dang dở. Tài liệu cô đã chuẩn bị quá sơ sài, có nhiều thiếu sót, khác hẳn với các thông cáo báo chí và bản tin mà cô luôn gây được ấn tượng. Sau hội thảo, giám đốc kết luận là Nhàn chưa thể đảm nhiệm được công việc đã kỳ vọng đó.
Nếu đặt mình vào vai trò giám đốc công ty, chúng ta nên giúp Nhàn bằng cách nào để cô ấy thật sự vững vàng trong công việc sau câu chuyện vừa nêu? Sau đây là một số hướng khả dĩ:
- Tập trung hướng dẫn Nhàn thực hiện các công việc mà cô ấy chưa từng làm như tổ chức hội thảo.
- Huấn luyện cho Nhàn kỹ năng chuẩn bị tài liệu và trình bày trước các hội thảo.
- Giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng thường xuất hiện ở Nhàn trong các buổi họp, hội thảo đông người.
- Giúp Nhàn hiểu đúng nghĩa của cân bằng giữa công việc và cuộc sống để không vận dụng điều này vào các tình huống không chấp nhận được.
Mới thấy, nêu ra yêu cầu đa năng đối với nhân viên là cần, nhưng chỉ dựa vào những dấu hiệu “có vẻ” mà nhân viên thể hiện trong quá trình tuyển chọn thì chưa đủ. Khi các nhân viên đã bước đầu hòa nhịp cùng guồng máy chung, nhà quản trị có trách nhiệm phải tập trung giúp họ trở nên thật sự đa năng trong công việc.
Nếu nóng nảy, thiếu bình tĩnh lúc nhận email của Nhàn, giám đốc có thể đã cho cô nghỉ việc và Nhàn có thể đã chuyển sang một ngả rẽ khác, còn công ty thì mất một nhân viên hoàn toàn có thể trở nên đa năng. May mà…