Ngoài thói quen uống cà phê bất kể sáng tối thì đàn ông Việt Nam còn có một sở thích là nhậu. Họ nhậu mọi lúc, mọi nơi, khi vui cũng như khi buồn, từ ngoài vỉa hè đến nhà hàng sang trọng. Nghe bạn nhậu chê: “Đàn ông không nhậu về nhà mặc váy vợ” thì hiếm quý ông nào không uống liền vài ly để chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông”. Bia rượu ngày nay là món quà giúp mở đầu câu chuyện, từ chuyện cuộc sống đến công việc, thăng tiến. Vì vậy nên trên bàn nhậu, đàn ông hay ngâm nga: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia, rượu vẫn còn lai rai”, mặc cho tỷ lệ ngộ độc rượu và tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu, bia vẫn không ngừng tăng lên, nhất là trong ba ngày tết. Ngày thường, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 50 đến 70 ca cấp cứu do tai nạn giao thông mỗi ngày. Đến dịp Tết Nhâm Thìn 2012, chỉ trong năm ngày (Hăm Chín tháng Chạp, mùng Một, Hai, Ba và Bốn), khoa tiếp nhận đến 593 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông (tăng từ 30 – 50%) mà hầu hết các ca đều có sử dụng rượu bia. Ngoài ra, không ít trường hợp bị ngộ độc rượu, bia không được xử lý kịp thời đã dẫn đến biến chứng hôn mê sâu, thậm chí tử vong.
Rượu, bia độc do uống quá nhiều
Nghiên cứu của một nhóm bác sĩ tại Trường Đại học Tây Ontario (Canada) cho thấy chất pholyphenol trong bia (chiết xuất từ lúa mạch) giúp chống oxy hóa, góp phần phòng chống ung thư, đái tháo đường, tim mạch và đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, tác dụng này chỉ có được khi uống một chai bia mỗi ngày. Còn người Việt hiện đang uống trung bình từ bảy đến tám chai bia mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê năm 2011, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á. Cả nước tiêu thụ gần 2,6 tỉ lít bia/năm, vượt xa Thái Lan và Philippines – hai nước đứng ở vị trí tiếp theo. Còn theo báo cáo của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thì nước ta là một trong những thị trường tiêu thụ rượu cao nhất châu Á. Hậu quả là tỷ lệ mắc ung thư gan của Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới mà nguyên nhân chính là do bia, rượu. Mỗi năm, số người chết do ngộ độc rượu chiếm tới 26% số người chết do ngộ độc thực phẩm và số người bị tai nạn giao thông đường bộ do rượu bia chiếm 62% (34% trong số này tử vong).
Thành phần gây hại trong rượu bia là ethanol. Nồng độ ethanol trong bia là từ 2 – 6%, trong rượu nhẹ là từ 10 – 20%, trong rượu mạnh là từ 40 – 50%. Ethanol vào cơ thể được hấp thu nhanh trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút, với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non. Sau khi hấp thu, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Một lượng nhỏ rượu còn nguyên dạng (khoảng 5 – 10%) được thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Ở gan, rượu được chuyển hóa thành một chất độc có tên là Acetalhehyde, Acetalhehyde nếu lượng nhỏ thì sẽ nhanh chóng được chuyển hóa hết để hấp thu vào máu còn nếu quá nhiều thì sẽ không chuyển hóa hết mà bám vào màng tế bào gan gây tổn thương tế bào thông qua các cơ chế gây độc, viêm và miễn dịch, gây xơ gan.
Nồng độ Acetalhehyde trong máu tăng lên đưa đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng. Thông thường, nồng độ rượu trong máu khoảng 0,1% là đã gây ngộ độc nhẹ (say), từ 0,2% – 0,4% là ngộ độc nặng, khi nồng độ lên đến 0,5% sẽ gây ngộ độc cấp, có thể tử vong.
Ethanol trong rượu vốn đã độc nhưng nguy hiểm hơn và dễ gây chết người hơn là methanol (một chất cồn công nghiệp giá rẻ), có nhiều trong rượu giả, rượu lậu. Nhiều cơ sở sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Hiện nay, chỉ có khoảng 20% số rượu tiêu thụở Việt Nam là có dán nhãn mác thật, 80% là rượu giả và rượu làm theo phương pháp thủ công có chứa methanol. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các chất gây độc cho gan, thận gây suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, mù mắt hoặc tử vong.
Xứ lý khi ngộ độc rượu
Tùy theo nồng độ rượu trong cơ thể mà sẽ có những biểu hiện từ nhẹ đến nặng gồm: phấn chấn và mất phản xạ có điều kiện, mất phối hợp, mất điều hòa, ngủ gà gật và lẫn lộn, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hôn mê và tử vong.
Dân nhậu khó tránh tình trạng quá chén nên hay “bỏ túi” nhiều cách giải độc rượu, bia để khi cần là đem ra áp dụng ngay. Một cách thường thấy là dùng những loại thuốc như paracetamol, vitamin B1, B6, acid folic… Sự thật là paracetamol dễ gây ngộ độc khi kết hợp với cồn và lại rất có hại cho gan. Các loại thuốc còn lại không giúp giải độc rượu mà chỉ giúp bù lại lượng vitamin thiếu hụt cho gan khi chuyển hóa rượu.
Vậy cần phải làm gì khi bị ngộ độc rượu, bia? Tùy theo mức độ nhẹ, nặng mà có cách xử lý khác nhau. Người bị say nhẹ thì nên nằm nghỉ ngơi, giữấm, có thể gây nôn để đưa bớt cồn ra ngoài. Có thể nấu hạt hoặc bột đậu xanh lấy nước uống để giải độc và pha loãng rượu. Trường hợp bệnh nhân hôn mê thì cần chú ý đảm bảo thông khí, hô hấp, giữấm… và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu y học chứng minh rằng việc uống rượu, bia mức độ vừa phải, không lạm dụng sẽ có lợi cho sức khỏe nhờ các thành phần sẵn có trong rượu bia giúp tiêu hóa tốt, phòng ngừa các bệnh tim mạch. Chỉ khi uống quá mức trung bình sẽ có hại cho sức khỏe. Theo Viện Nghiên cứu lạm dụng rượu và nghiện rượu Hoa Kỳ (NIAAA), uống nhiều có nghĩa là hơn 2 lần/tuần, uống quá nhiều là uống hằng ngày hoặc hầu hết các ngày trong tuần, mỗi lần uống vượt quá ba ly rượu nhỏ, ba ly rượu vang hoặc hơn hai lon bia.
Vài mẹo giảm tác hại xấu của bia, rượu
Để giảm thiểu tác dụng xấu của rượu, bia thì dân nhậu nên “bỏ túi” một số lưu ý sau:
– Không tắm ngay sau khi uống rượu, bia để tránh làm tiêu hao một lượng lớn đường glucose trong máu, dẫn tới hạ đường huyết đột ngột, giảm thân nhiêt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.
– Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành vì các thực phẩm này chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ gan và hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.
– Không hút thuốc lá trong lúc uống rượu, bia vì làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và ung thư vòm họng.
– Không dùng trà ngay sau khi uống rượu, bia vì trong trà có thành phần tanin kích thích nhanh hơn quá trình thẩm thấu của cồn vào dạ dày và gây hại cho dạ dày nhiều hơn.
– Không uống rượu, bia khi đói vì khi dạ dày rỗng, lượng axit trong dạ dày tăng lên, kết hợp với chất cồn trong rượu, bia sẽ làm người uống dễ say hơn, kèm theo đó là cảm giác nôn nao, khó chịu. Vì vậy, vừa ăn, vừa uống hay ăn một chút lót dạ trước khi uống rượu, bia là cách tốt nhất để lâu say và giảm bớt tác hại của rượu, bia.
– Không dùng nhiều loại rượu, bia cùng lúc: rượu thuốc, rượu vang, rượu trắng… mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn, sẽ dễ làm bạn say hơn.
– Uống rượu từ từ cũng là cách giảm cơn say vì một lượng cồn lớn bất ngờ xâm nhập vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới choáng và nhanh say hơn. Uống “trăm phần trăm” liên tục là cách tàn phá cơ thể nhanh nhất.
– Nên uống nhiều nước trong và sau khi uống rượu, bia để giúp đẩy nhanh quá trình đào thải chất cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, giúp giảm say khi uống rượu.
Người uống rượu rất khó phân biệt giữa rượu có chứa ethanol hay methanol, trừ trường hợp uống thật chậm và uống từng ngụm nhỏ. Rượu có chứa methanol hấp thu rất nhanh, nếu nếm thấy có vị đắng đậm và uống vài ly đã thấy “bốc hỏa” thì nên nghi ngờ đó là rượu có chứa chất độc này.
BS Trương Thế Hiệp