Các bạn trẻ nên định hình trước những kỹ năng nào là cần thiết cho công việc sau này và hãy tự thực hành và rèn luyện ngay từ khi còn là sinh viên…
Đào tạo gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp. Vậy các sinh viên cần kỹ năng gì để khi ra trường được doanh nghiệp đón nhận? Đó là nội dung trao đổi với bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự tập đoàn Navigos Group Việt Nam nhân ngày Quốc tế lao động 1/5.
Để kết nối doanh nghiệp với sinh viên thì chắc cần phải có một cái “chuẩn” hay yêu cầu nào đó đủ thỏa mãn cả hai bên. Vậy, dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng hiện đã có đủ “chuẩn” để họ bắt tay nhau chưa, thưa bà?
Theo tôi, về kiến thức chuyên môn thì yêu cầu của nhà tuyển dụng thường thay đổi rất nhanh qua mỗi năm dựa theo sự thay đổi của thị trường với sự ra đời của những xu hướng công nghệ mới. Về phía nhà trường, nếu các chương trình giáo dục mà không kịp thay đổi thì sẽ trở nên lạc hậu và điều đó sẽ làm cho các em chưa đủ tự tin bắt tay vào công việc.
Để khắc phục tình trạng trên, đặc biệt là đối với nhóm nghề khoa học kỹ thuật như sản xuất; Công nghệ thông tin, nhiều nhà tuyển dụng đã đến tận các trường Đại học để “đặt hàng” và yêu cầu nhà trường thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, đối với những nhóm ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mềm nhiều hơn thì việc đào tạo ở trường chưa bao giờ là “đủ” với các em sinh viên, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự “tự học, tự trau dồi” của chính các bạn.
Ví dụ, để tuyển vị trí Nhân viên kinh doanh. Đây là một vị trí đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt và biết cách xử lý tình huống linh hoạt. Vừa rồi doanh nghiệp chúng tôi đến các trường đại học để tuyển mới thấy rằng việc tuyển dụng ứng viên phù hợp, kiên nhẫn ở lại với công việc thì rất khó, nhiều khi trong hàng trăm bạn thì chỉ có 1 đến 2 bạn là đạt yêu cầu tuyển dụng và có tiềm năng gắn bó với công việc. Có thể thấy kỹ năng mềm của các bạn sinh viên vẫn là vấn đề “nan giải” đối với nhà tuyển dụng
Ngoài ra, việc thiếu định hướng trong nghề nghiệp cũng gây cản trở rất nhiều khi các bạn xin việc đi làm. Nhiều bạn học xong nhưng vẫn chưa định hình được năng lực của mình nổi trội ở đâu, mức lương khởi điểm bao nhiêu là phù hợp. Thậm chí, nhiều bạn vẫn quan niệm học trường quốc tế, tốt nghiệp loại giỏi sẽ có mức lương cao.
Đây là quan niệm không đúng vì khi tốt nghiệp xong, các bạn đều có mức khởi điểm như nhau, việc nhận được mức lương bao nhiêu là do nhà tuyển dụng đánh giá và quyết định dựa trên năng lực của các bạn, không phải dựa trên tấm bằng.
Ngay cả những bạn sinh viên ưu tú nhất được tuyển sinh vào các chương trình “Quản trị viên tập sự” của các tập đoàn đa quốc gia cũng không thể có mức lương cao vượt trội, mà chỉ cao hơn so với mặt bằng chung dành cho sinh viên mới ra trường.
Các bạn này sau khi kết thúc khóa đào tạo vẫn phải làm ở vị trí nhân viên chứ không trở thành cấp Quản lý ngay được. Tôi muốn chia sẻ rằng, cho dù các bạn có nền tảng học thức thế nào thì hãy luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bắt đầu ngay từ khởi điểm thấp nhất và xác đinh làm công việc nào cũng là cơ hội để các bạn tích lũy kinh nghiệm, thậm chí là trái ngành.
Vậy thưa bà, làm thế nào để các bạn sinh viên có thể định hướng rõ ràng hơn trong nghề nghiệp?
Tôi nghĩ, chỉ có cách nhà trường phải kết nối với các doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo định hướng cho sinh viên. Đơn cử như trong năm nay, Navigos Group đã ký các biên bản ghi nhớ trong việc hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên các trường Cao đẳng Cơ điện; Đại học Thăng Long.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia các hoạt động hỗ trợ định hướng nghề nghiệp dành cho các trường Đại học khác tại Hà Nội và Tp.HCM. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng có thể tự tìm hiểu các thông tin hướng nghiệp trên mạng tại các trang như HRinsider.
Tôi cũng khuyến khích các bạn nên bắt đầu đi làm thêm từ ngay khi còn ở Đại học, khi đã làm quen với môi trường làm việc, tự các bạn cũng có thể hình dung ra được nghề nghiệp mình muốn đeo đuổi là gì, mình có khả năng gì là nổi trội. Tuy các công việc làm thêm cho sinh viên còn rất đơn giản nhưng cũng hỗ trợ được nhiều trong việc trau đồi kỹ năng giao tiếp, sự tự tin, cũng như cách xử lý tình huống.
Với những phân tích như vậy, bà có thể cho biết lợi thế và thách thức của lớp trẻ hiện nay là gì khi xin việc, thưa bà?
Các bạn trẻ hiện nay, đặc biệt là Gen Y và Gen Z, họ có lợi thế hơn trong việc tiếp thu rất nhanh nhạy với các công nghệ mới. Các chương trình học hiện nay đã mang tính ứng dụng và thực hành nhiều hơn, không còn nặng tính lý thuyết như trước đây.
Tuy nhiên, thách thức mà họ gặp là thị trường luôn thay đổi nhanh chóng và vì thế họ cần thêm những kỹ năng mới phù hợp với công việc…kỹ năng này thay đổi liên tục.
Tại trường Đại học các bạn chỉ được trang bị kiến thức nền tảng chuyên môn, có những kỹ năng mà các bạn không thể học được mà phải tự bản thân rèn luyện và tích lũy, đơn cử như kỹ năng tự học hỏi; kỹ năng luôn hướng đến giải pháp; tư duy đổi mới sáng tạo, kỹ năng vận dụng công nghệ vào công việc,…
Chính vì vậy, tôi nghĩ các bạn trẻ nên định hình trước những kỹ năng nào là cần thiết cho công việc sau này và hãy tự thực hành và rèn luyện ngay từ khi còn là sinh viên.
– Theo VnEconomy