Tại Nhật Bản, giá điện sinh hoạt đắt đỏ cùng với sự độc quyền cung cấp điện của một số công ty tư nhân đã tạo ra sự bất bình trong người dân. Từ đó, mô hình nhà không dây điện đã xuất hiện và tạo thành phong cách sống mới tại quốc gia này. Mô hình nhà không dây điện cũng đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam.
Đôi nét về mô hình nhà không dây điện
Trước đây, nước Nhật có mười công ty điện lực tư nhân phân phối điện độc quyền trên phạm vi cả nước. Từ năm 2016, chế độ độc quyền này bị hủy bỏ, nhiều công ty điện lực mới ra đời tham gia thị trường, nhưng vẫn phụ thuộc vào hạ tầng phân phối điện của mười công ty nói trên. Giá điện sinh hoạt tại Nhật mắc gấp ba lần Việt Nam, gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình có mức thu nhập trung bình thấp. Thêm vào đó, những thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và môi trường gây ra bởi sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima vào năm 2011 làm cho người dân không còn “mặn mà” với năng lượng hạt nhân. Năm 2017, hơn 60% dân Nhật phản đối năng lượng hạt nhân, cổ vũ cho phong trào sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Một người đàn ông tên Otsuka Shokan cùng vợ và hai con nhỏ từng sống ở Fukushima đã quyết định xây dựng cuộc sống tự cung, tự cấp ở một vùng núi cách xa thành phố. Gia đình ông dùng nước suối và tự trồng trọt, chăn nuôi phục vụ bữa cơm hằng ngày. Ông xây dựng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời (panel) để tạo nguồn điện năng cung cấp cho các việc chiếu sáng và một số sinh hoạt cần điện khác trong nhà. Ông cùng nhà môi trường học Tanaka Yu thành lập một tổ chức NPO Jienegumi, tạm dịch là “Nhóm tự cấp năng lượng”, khuyến khích người dân tích điện từ hệ thống panel, lưu trữ trong bình ắc quy để dùng cho sinh hoạt. Nhờ hoạt động tích cực của tổ chức này, mô hình nhà không dây điện đã lan nhanh tại nước Nhật.
Đến tháng 7-2017, cả nước Nhật có 45 căn nhà được xây dựng theo mô hình nhà không dây điện, 17 căn khác đang chuẩn bị lắp đặt. Ngôi nhà không dây điện đầu tiên tại tỉnh Okinawa có diện tích sử dụng khoảng 100m2, trong nhà có ba người sinh sống. Trên mái nhà đặt 15 tấm panel, điện từ panel được dẫn đến máy điện áp, chuyển đổi từ dòng điện một chiều sang điện xoay chiều và được lưu trữ trong 24 bình ắc quy. Theo chỉ số từ điện kế, mỗi ngày cả nhà thường dùng 5kWh điện cho việc thắp sáng, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi, máy vi tính… hầu như không dùng đến máy điều hòa không khí, máy rửa chén, lò vi sóng… Chi phí đầu tư hệ thống này một cách bài bản là khoảng 25.000 USD, thời hạn sử dụng kéo dài đến 20 năm.
Nhà không dây điện ở Việt Nam
Tuy giá điện ở Việt Nam khá phải chăng so với ở Nhật Bản nhưng chúng ta cũng nên bắt đầu nghĩ đến những ngôi nhà không dây điện khi mà tình trạng thiếu điện đã được dự báo sẽ xảy ra trong tương lai, buộc phải tiếp tục khai thác các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí song song với các hồ thủy điện, các tổ máy nhiệt điện than lẫn tổ máy nhiệt điện chạy dầu. Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phong trào này tại Việt Nam là Tập đoàn AEON (Nhật Bản). Tại AEON Bình Tân, công ty đã đặt 1.424 tấm panel với công suất 320kW trên mái nhà của bãi đậu xe. Mặc dù lượng điện thu được chỉ đáp ứng được một phần điện dùng cho toàn siêu thị nhưng cũng đã giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho công ty.
Một trường nhỏ ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh cũng đã tham gia mô hình “trường không dây điện” là Trường THCS Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Đây là một trong số những trường ngoại thành được Công ty AEON Việt Nam hỗ trợ xây đặt hệ thống panel từ năm 2013 với số vốn đầu tư là 50.000 USD. Điện sản xuất từ hệ thống đảm bảo cho 25 – 30% tổng lượng điện cần dùng cho trường.
Về quy mô hộ gia đình, hiện có một ngôi nhà không dây điện đã được xây dựng tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 50km về phía tây bắc. Chủ nhân của ngôi nhà là một người từng du học ở Nhật. Chi phí đầu tư ngôi nhà là 45.000 USD, được tài trợ bởi Công ty chuyên lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời Ligare (ở tỉnh Shizuoka, Nhật Bản). Ông Kurebayashi Ryo, Tổng giám đốc Công ty Ligare cho biết công ty ông sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Vào năm 2016, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. Hồ Chí Minh, đã có ấn tượng mạnh với mô hình nhà không dây điện tại Okinawa nhân một chuyến công tác tại Nhật Bản. Sau khi tham khảo kinh nghiệm các chuyên gia như: GS-TS Sakamoto Megumi – Trường Đại học Fukushima, ông Kurebayashi Ryo – Tổng giám đốc Công ty Ligare, và chủ của một ngôi nhà không dây điện ở Okinawa, bà Vân đã lên kế hoạch lắp đặt hệ thống panel cho hầu hết các viện bảo tàng trên địa bàn thành phố. Và kế hoạch này đang chờ sự xét duyệt của lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, viện bảo tàng cũng ngỏ ý muốn trưng bày mô hình nhà dùng điện mặt trời để giới thiệu đến đông đảo du khách.
Cuộc sống hiện đại cùng sự phát triển của công nghệ đang khiến các thành viên trong gia đình ít giao tiếp với nhau hơn. Mỗi người đều chăm chú vào màn hình máy tính, điện thoại và tivi nên dường như những bữa cơm chung đã bớt đi giọng nói, tiếng cười. Nhiều người dân Nhật Bản đã nhận ra điều này và bắt đầu có sự thay đổi trong phong cách sống hạn chế điện và thiết bị thông minh. Có lẽ người Việt cũng nên nghĩ về phong cách sống không phụ thuộc vào hệ thống cung cấp điện của nhà nước nữa, bắt đầu từ những ngôi nhà nhỏ không có dây điện. Hơn nữa, mô hình này rất tốt cho sức khỏe con người và an toàn cho môi trường.
- Nhật Bản