Hút thuốc lá thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra.
Kết quả nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí y khoa BMJ (British Medical Journal) cho biết khi trẻ bốn tháng tuổi tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ tăng nguy cơ sâu răng khi bé được ba tuổi.
Ở các nước phát triển tỷ lệ sâu răng trong giai đoạn thay răng của trẻ tăng cao, cụ thể là 20,5% ở trẻ em từ 2-5 tuổi tại Mỹ và 25% ở trẻ em từ ba tuổi trở lên tại Nhật Bản. Mặc dù phòng chống sâu răng ở trẻ nhỏ thường tập trung vào hạn chế đường, bổ sung fluoride, nhưng một số nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá cũng là một tác nhân gây sâu răng.
Sâu răng là kết quả của nhiều yếu tố vật lý, sinh học, môi trường và lối sống. Nguyên nhân bao gồm vi khuẩn cariogenic, lượng nước bọt không đủ, không đủ tiếp xúc với chất florua và vệ sinh răng miệng kém. Ngoài ra còn có Streptococcus mutans (S. mutans), một loại vi khuẩn sản xuất axit từ đường được tiêu thụ và làm tổn hại lớp men cứng trên răng. Các vi khuẩn này thường lây truyền từ mẹ và tuổi có nguy cơ cao nhất là 19-31 tháng.
Khói thuốc có thể trực tiếp ảnh hưởng đến răng và các vi sinh vật trong một số cách khác nhau, bao gồm cả viêm màng miệng, tổn thương chức năng tuyến nước bọt và làm giảm nồng độ vitamin C trong huyết thanh, cũng như rối loạn chức năng miễn dịch.
Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tiến hành phân tích dữ liệu của 76.920 trẻ em được sinh ra giữa năm 2004 và 2010, những trẻ này kiểm tra sức khỏe định kỳ lúc 0, 4, 9 và 18 tháng và ba tuổi tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thành phố Kobe, Nhật Bản. Các bà mẹ cung cấp thông tin về việc tiếp xúc với khói thuốc lá từ khi mang thai đến ba tuổi và các yếu tố lối sống khác, chẳng hạn như thói quen ăn uống và chăm sóc răng miệng. Các nha sĩ xác định tỷ lệ sâu răng ở giai đoạn thay răng của trẻ là ít nhất có một răng sâu, phải trám răng hoặc tệ hơn là phải nhổ bỏ.
Trong nhóm trẻ em tham gia nghiên cứu trên có 55,3% trong gia đình có người hút thuốc lá, và 6,8% cho thấy những bằng chứng về sự tiếp xúc với khói thuốc lá. Tổng cộng có 12.729 trường hợp sâu răng đã được xác định, chủ yếu là răng bị hư hỏng. So với việc không có người hút thuốc trong gia đình, tiếp xúc với khói thuốc lá ở bốn tháng tuổi đã gắn liền với mức tăng khoảng gấp hai lần nguy cơ sâu răng. Về mặt thống kê, ảnh hưởng của việc người mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai đến việc sâu răng của trẻ là không đáng kể.
Ai cũng biết hút thuốc lá và hít phải khói thuốc của người khác đều có hại rất lớn cho sức khỏe, không chỉ làm tổn thương răng cho trẻ nhưở bài viết này mà còn nhiều hệ lụy khác. Để góp phần nâng cao chất lượng sống, mỗi chúng ta hãy tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà, nơi làm việc và những nơi công cộng; không hút thuốc nơi có trẻ em và người già, nhắc nhở người khác khi hút thuốc nơi công cộng.
- A.H.L theo Medicalnewstoday