Có hơn 29% người trưởng thành bị rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu), trong đó tỷ lệ này ở dân thành thị lên tới 44,3%. Đây là kết quả thống kê được từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia gần đây, cũng là con số cho thấy rối loạn mỡ máu đang trở thành một tình trạng sức khỏe đáng báo động trên cả nước. Rối loạn mỡ máu là bệnh xuất hiện âm thầm, hầu như không có các triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhưng khi đã ở giai đoạn nghiêm trọng, rối loạn mỡ máu gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nhanh.
Rối loạn mỡ máu dễ gây tai biến mạch máu não hoặc hoại tử chi
Rối loạn mỡ máu là tình trạng tăng giảm bất thường của các thành phần mỡ trong máu, bao gồm cholesterol, HDL-c, LDL-c và triglyceride. Cholesterol kết hợp với LDL (ký hiệu là LDL-c) là dạng cholesterol có hại vì khi di chuyển, cholesterol thấm vào thành mạch máu, gây ra quá trình hình thành mảng xơ mỡ động mạch. Cholesterol kết hợp với HDL (ký hiệu là HDL-c) là dạng cholesterol có lợi vì có khả năng chống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa, ứ đọng trong thành mạch máu trở về gan. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cholesterol không phải là thành phần chỉ gây hại cho cơ thể. Cholesterol cũng được xem là một thành phần thiết yếu vì nó là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh và nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài ra gan còn dùng cholesterol để sản xuất ra acid mật, giúp tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, sự tăng cao thành phần triglyceride trong máu cũng góp phần thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch.
Tình trạng rối loạn mỡ máu là sự tăng thành phần mỡ có hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ hoặc không tăng thành phần gây hại nhưng giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể, hậu quả là làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, biến cố mạch vành… Khi lượng mỡ có hại tăng lên, trở nên dư thừa so với nhu cầu của cơ thể, các thành phần mỡ máu sẽ lắng đọng ở thành mạch máu và nhiều cơ quan khác. Theo thời gian, các mảng vữa xơ dần hình thành gây hẹp lòng các mạch máu, làm giảm cung cấp máu đến nhiều cơ quan, dẫn đến thiếu máu nuôi chi mãn tính, nặng nề hơn là hoại tử chi phải cắt cụt. Nguy hiểm hơn, mảng xơ vữa gây thuyên tắc các mạch máu, dẫn đến những bệnh lý rất nguy hiểm là nhồi máu cơ tim cấp hay tai biến mạch máu não, những bệnh lý gây tử vong nhanh nếu không cấp cứu kịp thời. Chính vì những hậu quả nghiêm trọng như vậy nên rối loạn mỡ máu cần được điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Nhiều người hay nhầm lẫn rằng vì sao người gầy ốm hoặc ăn chay trường thì không thể bị rối loạn mỡ máu. Thật ra, những người không ăn mỡ từ thức ăn vẫn bị rối loạn mỡ máu do sự rối loạn chức năng tạo cholesterol ở gan.
Điều trị rối loạn mỡ máu có thể không dùng thuốc
Thông thường, chế độ điều trị không dùng thuốc thường được áp dụng cho bệnh nhân từ ba đến sáu tháng tùy theo tình trạng bệnh. Chế độ này bao gồm: ngừng hút thuốc lá, không uống nhiều rượu bia, thay đổi thói quen ăn uống và tập thể dục thể thao. Thuốc lá là yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại. Thói quen uống nhiều rượu mỗi ngày cũng sẽ làm tăng hàm lượng triglyceride trong máu. Vì vậy, ngưng hút thuốc lá và bỏ dần rượu bia là việc vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân rối loạn mỡ máu. Nếu thực hiện tốt, việc điều trị có thể giảm được từ 15 – 20% cholesterol toàn phần. Trong trường hợp bệnh vẫn không cải thiện, thì bác sĩ sẽ cho dùng thêm thuốc hạ mỡ trong máu.
Rất nhiều trong số những người bị rối loạn mỡ máu là người dư cân. Do đó, họ cần có chế độ ăn uống giảm cân bằng cách giảm ăn nhiều chất béo, nếu không buộc phải ngưng tuyệt đối thì bệnh nhân không nên ăn quá 1/3 lượng mỡ bão hòa cho nhu cầu chất béo hằng ngày. Lưu ý là lượng cholesterol từ thức ăn mà cơ thể bệnh nhân có thể dung nạp không quá 300mg cholesterol/ngày nên cần tránh ăn các loại thức ăn như sữa, kem, trứng, gan, lưỡi, thận…
Ngoài việc kiêng cữ trong ăn uống thì việc tập thể dục thể thao sẽ góp phần tăng tác dụng tích cực đối với việc chữa bệnh. Bệnh nhân nên tập thể dục, chơi thể thao phù hợp với sức khỏe của từng người như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe… khá phù hợp với bệnh nhân dư cân.
Điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân rối loạn mỡ máu là sự quyết tâm trong việc thay đổi lối sống, đặc biệt là những bệnh nhân béo phì, quen với lối sống thụ động và không tập thể dục nhiều năm qua. Bác sĩ và người thân nên hỗ trợ bệnh nhân bằng cách cùng họ xây dựng thời khóa biểu tập thể dục tập ít nhất 3 lần/tuần và tập đủ 30-45 phút/lần. Còn riêng với bản thân người bệnh thì nên tin tưởng vào việc luyện tập của mình, không nên quá lo lắng vì bệnh có thể điều trị bằng lối sống lành mạnh và các hoạt động thể thao vui vẻ, thân thiện bên người thân và gia đình.
- BS Hồ Văn Đức