Những số liệu mới nhất cho thấy hiện có khoảng 2-3 triệu người Afghanistan sống trên đất Pakistan, phần lớn để chạy trốn chiến cuộc trên nước họ, số còn lại là những người thất nghiệp đi kiếm công ăn việc làm. Nhưng dù với nguyên nhân nào thì những người Afghanistan nhập cư bất hợp pháp tại Pakistan cũng sẽ đối mặt với một trận càn quét có thể diễn ra. Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), hiện có khoảng 1,6 triệu người Afghanistan sống hợp pháp tại Pakistan, phần lớn đến sau khi Liên Xô đưa quân can thiệp vào Afghanistan. Số còn lại là những người nhập cư bất hợp pháp. Họ sống chủ yếu dọc theo biên giới đầy núi non trải dài 2.700km, chung với nhiều bộ tộc ở đây. Các nhà phân tích cho rằng những bất ổn trong thời gian qua đã tác động mạnh đến quan điểm của nhà cầm quyền Pakistan đối với sự hiện diện của người nhập cư Afghanistan, trong đó nổi bật là vụ khủng bố ngày 16-12-2014 tại một trường học, giết chết 132 em học sinh vô tội. Ba ngày sau thảm họa này, Chủ tịch tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (KP) là Pervez Khattak họp khẩn cấp bộ tham mưu để đưa ra yêu cầu trục xuất tất cả những người tị nạn Afghanistan khỏi địa phương, vì theo ông, vụ khủng bố ngày 16-12 được vạch kế hoạch tại Afghanistan. Mặt khác, chính quyền tỉnh này cũng khẳng định 80% tội ác gây ra tại địa phương có thủ phạm là người Afghanistan. Lời yêu cầu của chính quyền tỉnh KP được sự đồng thuận của chính quyền và người dân ở phía bắc Pakistan, nơi mà các vụ khủng bố đã khiến hơn 51 ngàn người thiệt mạng kể từ năm 2001. Trong lúc chờ một chính sách nhất quán của chính quyền trung ương, các chính quyền địa phương đã chọn những cách hành xử riêng là tự đặt ra những biện pháp và thời hạn trục xuất người tị nạn Afghanistan đang sống ở địa phương họ.
Nhưng người tị nạn Afghanistan không chỉ bị quy trách nhiệm về khủng bố và tội phạm. Theo ông Glulam Nabi, Phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp KP tại Peshawar, trong 20 ngàn cửa hiệu thì đã có tới 10 ngàn cửa hiệu do người Afghanistan điều hành, nhưng do họ không phải là người nhập cư có đăng ký nên không phải là đối tượng chịu thuế như người bản xứ. Mặt khác yêu cầu tìm chỗở của người tị nạn ngày một tăng lên đã đẩy giá cho thuê nhà lên quá cao, ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản xứ. Chính vì thế, Nabi cho biết cơ quan của ông đang “thúc giục” chính quyền liên bang Pakistan đưa người tị nạn Afghanistan về nguyên xứ để người trong nước dễ dàng mua bán và tìm chỗở. Được biết bên cạnh hàng trăm ngàn người tị nạn Afghanistan, tỉnh KP còn gánh 2 triệu người Pakistan đến từ các nơi khác để tránh những cuộc xung đột giữa chính quyền và các lực lượng nổi dậy, nhiều người phải sống trong những “thành phố lều trại” dựng ngổn ngang khắp quận Bannu.
Trong lúc các biện pháp cắt giảm người tị nạn Afghanistan còn nằm trên giấy thì làn sóng người tị nạn lại tiếp tục đổ sang Pakistan. Tại biên giới Torkham nối liền với tỉnh Nangarhar của Afghanistan, mỗi ngày cơ quan di trú Pakistan cấp khoảng 500 visa cho người Afghanistan nhập cảnh, còn trên thực tế, số người vượt qua biên giới này lên đến 15-20 ngàn người. Với chính quyền trung ương Pakistan, điều kiện khả thi của chính sách trục xuất người tị nạn Afghanistan cũng còn rất mơ hồ. Trước đây, Tòa thượng thẩm Peshawar đã có án lệnh trả họ về nước vào cuối năm 2013, nhưng đã không thể huy động được nguồn tài trợ quốc tế trên 1 tỉ USD để thực hiện việc này.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)