Quãng đường từ thành phố Vinh đến cửa khẩu Cầu Treo dài khoảng 100km lấy mất của chúng tôi hơn hai giờ đồng hồ. Đường đẹp, xe chạy nhanh, chỉ khi đi được hai phần ba đường đoàn mới phải đi chậm lại vì đèo dốc quanh co ngoạn mục.
Mấy năm gần đây, cửa khẩu Cầu Treo của Nghệ An ngày càng tấp nập bởi lượng khách Việt sang Lào làm ăn, du lịch ngày càng nhiều. Trước khi qua biên giới, xe nào cũng tranh thủ đổ đầy bình xăng. Sang tới Lào, xăng đắt hơn, và nếu không chú ý, người bán thay vì đổ xăng có khi lại đổ đầy dầu vào bình! Làm thủ tục xuất cảnh xong, chúng tôi đi thêm một cây số nữa thì đến cửa khẩu Nam Phao làm thủ tục nhập cảnh.
Tại đây, không khí Lào đã hiện rõ với tòa nhà cửa khẩu mái ngói nâu trang trí bằng nhiều tháp nhọn. Qua khỏi Nam Phao, cung đường xuyên Lào bắt đầu qua phần phía tây của dãy Trường Sơn mở ra khung cảnh tuyệt đẹp. Những hàng cổ thụ thân trắng thẳng tắp đang mùa thay lá soi bóng xuống dòng Nậm Pao nước chảy róc rách. Hết đoạn đèo dốc, xe tăng tốc lao vun vút trên con đường dẫn tới thị trấn Laksao cách biên giới 30km.
- Xem thêm: Mải mê với di sản Phật giáo tại Lào
Đường sá ở Lào khiến tài xế tự tin giữ đều tốc độ 100km/g. Hai bên con đường nhựa mượt mà là những cánh đồng xen kẽ các cụm cây xanh mát. Thị trấn Laksao khá vắng vẻ. Chợ Laksao tương đối lớn, nhiều người Việt Nam sang đây buôn bán nên có nhiều tiệm ăn quê hương. Hàng hóa tiêu dùng chủ yếu là đồ Thái Lan. Gần chợ có ngôi chùa cổ rộng rãi và có kiến trúc mang đậm bản sắc Lào.
Chỉ mới có mấy tiếng đồng hồ trên nước bạn mà chúng tôi đã thấy được tính cách khoan hòa và nếp sống sạch sẽ của người Lào. Trong thị trấn, xe cộ gần như không bao giờ nhấn còi. Chỉ cần thấy xe phía sau, xe trước đã dẹp vào bên đường, thậm chí dừng hẳn lại để cho xe sau vượt. Khi mua bán, tiền Lào rất khó phân biệt nên có khi chúng tôi xòe cả mớ tiền ra để người bán tự chọn số tiền cần lấy, vậy mà chẳng ai bị thiệt đồng nào.
- Xem thêm: Hành trình khám phá Bắc Lào bằng ôtô
Cách làm du lịch của dân Lào cũng rất tinh tế. Cách Laksao 70km, điểm dừng chân kế tiếp của cả đoàn là Lasaviewpoint – một thắng cảnh nổi tiếng trong vùng. Nơi đây có hàng trăm ngọn núi đá nhỏ dựng đứng, hình dáng hùng vĩ chen lẫn với cây rừng cổ thụ tạo ra khung cảnh rất lạ mắt. Người Lào rất tự hào về địa danh này và dựng nên một căn nhà gỗ rộng thênh thang để du khách dừng chân ngắm cảnh. Lasaviewpoint không thu phí nhưng vẫn được người địa phương chăm sóc cẩn thận nên luôn sạch sẽ tinh tươm.
Tiếp tục qua đèo qua dốc, qua những con đường ẩn hiện xuyên đại ngàn, chúng tôi cứ mải miết ôm vô-lăng cho đến khi gặp ngã ba Viêng Kham, nơi giao nhau giữa QL18 và 13 của Lào. Từ đây rẽ phải đi thêm hơn 200km nữa là đến Viêng Chăn. Trước khi đến thủ đô, chúng tôi dừng khá lâu ở ngã ba nơi sông Namkading gặp sông Mekong.
Nước sông Namkading vốn trong xanh, khi chảy ra Mekong đục ngầu phù sa thì tạo thành một ranh giới màu nước rõ ràng. Đứng trên cầu Pakkading nhìn sang bên kia là địa phận Thái Lan, dòng sông cũng chính là đường biên giới của hai nước Lào – Thái. Từ đây, chúng tôi giữ đều tốc độ, chạy dọc theo dòng Mekong để đến Viêng Chăn. Gần đến thủ đô, phong cảnh trông trù phú, dân cư có vẻ sầm uất hơn hẳn. Đường quốc lộ thẳng như kẻ chỉ.
- Xem thêm: “Hành xác” ở Lào
Hai bên là những cánh đồng, những rừng cây xanh mướt, thỉnh thoảng xuất hiện vài thị trấn toàn nhà gỗ xinh xắn. Viêng Chăn vẫn cổ kính và êm đềm như lần trước chúng tôi đến đây. Lần này đoàn được đưa đến thăm một điểm tham quan mới cách thành phố 30km là khu vườn Phật. Ai nấy ngỡ ngàng trước hàng trăm bức tượng Phật tuyệt đẹp với rất nhiều tư thế sống động. Vườn Phật này đã có từ lâu, dạo gần đây mới được người Việt biết tới.