Một thông báo của chính thủ được đọc trên truyền hình Campuchia cho hay: “Chính phủ hoàng gia Campuchia sẽ đưa thi hài của quốc vương từ Trung Quốc về Phnom Penh để tổ chức tang lễ tại Hoàng cung theo truyền thống của chúng ta”. Những lá cờ rủ đã được treo ở Campuchia hôm 15-10. Người phát ngôn chính phủ Khieu Kanharith cho biết lễ tang chính thức sẽ được tổ chức khi thi hài cựu quốc vương được đưa về nước.
“Ông được đưa tới bệnh viện và qua đời không lâu sau đó”, trợ lý riêng của cựu quốc vương Sihanouk, hoàng thân Sisowath Thomico nói với AFP. “Đây là mất mát to lớn đối với Campuchia. Thật đau buồn, chúng tôi đang chìm trong niềm tiếc thương vô hạn. Cựu quốc vương Sihanouk không chỉ thuộc về gia đình ông, mà còn là một phần của Campuchia và lịch sử đất nước”.
Người dân Campuchia nhận được tin cựu quốc vương qua đời đúng vào ngày cuối cùng của lễ thường niên Pchum Ben, một ngày lễ được dành cho những người đã khuất theo phong tục ở nước này. Hầu hết người dân rời thủ đô Phnom Penh để dành thời gian cho gia đình tại vùng quê. Ông bà tổ tiên đã khuất của người Campuchia được cho là sẽ trở lại trong suốt thời gian lễ Pchum Ben diễn ra. Họ được tôn kính bằng những lời cầu khấn và cúng dường đồ ăn tại những ngôi chùa Phật giáo.
Hoàng thân Thomico nói ông tin rằng người dân Campuchia sẽ nhận thấy ý nghĩa nhất định trong việc Cựu quốc vương Sihanouk qua đời đúng vào ngày kết thúc của dịp lễ kéo dài 15 ngày.
Tại tỉnh miền đông Kampong Cham của Campuchia, người dân địa phương bày tỏ nỗi buồn vì sự ra đi của Cựu quốc vương. “Ông là một vị vua tốt và đã chăm lo cho đất nước cũng như người dân Campuchia. Tôi yêu mến ông vô cùng”, cụ Ching Sivheang, 94 tuổi, nói.
Cựu quốc vương Sihanouk sinh ngày 31-10-1922. Năm 1941, khi mới 19 tuổi, ông lên ngôi Vua và lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho Campuchia từ thực dân Pháp vào năm 1953 sau gần một thế kỷ bị đô hộ. Cuộc đời Sihanouk trải qua nhiều sóng gió cùng với sự thăng trầm của lịch sử đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đen tối dưới chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu từ năm 1975 tới 1979. Quốc vương Sihanouk cũng nhiều năm liền phải sang Trung Quốc điều trị các bệnh khác nhau, và rồi trút hơi thở cuối cùng tại Bắc Kinh ở tuổi 89.
Tòa án Thái Lan ra lệnh bắt giữ ông Thaksin
Tòa án tối cao Thái Lan trong phiên xử ngày 11-10 đã ban hành lệnh bắt giữ đối với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vì tội lạm dụng quyền lực trong thời gian còn tại vị.
Cựu thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006, hiện đang sống lưu vong tại nước ngoài để tránh án tù vì tội tham nhũng, là một trong 27 bị cáo trong phiên tòa xét xử trên.
Cùng với một số quan chức khác tại Ngân hàng Krung Thai, ông Thaksin bị cáo buộc năm tội danh bao gồm lạm dụng quyền lực và vi phạm luật ngân hàng. Những bị cáo này được cho là đã để một số công ty được phép vay nợ ngân hàng bất chấp tình hình tài chính của các doanh nghiệp ấy không mấy sáng sủa.
Theo một trong chín vị chủ tọa phiên tòa, việc ông Thaksin vắng mặt trong phiên tòa ở thủ đô Bangkok đã “cho thấy dấu hiệu của việc bỏ trốn”. Tòa án quyết định ban hành một lệnh bắt giữ với riêng bị cáo Thaksin và phiên tòa dành cho ông sẽ tiến hành ngay sau khi các công tố viên có thể đưa cựu thủ tướng ra trước vành móng ngựa.
Hãng AFP đưa tin tội lạm dụng quyền lực có thể bị phạt tối đa 10 năm tù giam và các công tố viên đang tìm cách buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền 10,5 tỉ baht (340 triệu USD).
Kể từ khi cựu thủ tướng Thaksin bỏ trốn khỏi Thái Lan năm 2008 đến nay, giới chức nước này đã ban hành tất cả năm lệnh bắt giữ đối với ông, trong đó có một trường hợp ông bị kết tội lạm dụng quyền lực trong hoạt động mua bán đất và bốn trường hợp vì tội tham nhũng.
Dù đã rời xa đất nước bốn năm nhưng ông Thaksin vẫn là nhân vật gây tranh cãi sâu sắc trong giới chính trường Thái Lan, nơi em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, đang làm thủ tướng.
Thiên Nhật