“Giàu trẻ chớ mừng, khó trẻ chớ lo”, ông bà xưa vừa “cảnh báo” vừa “trấn an” kẻ hậu sinh như vậy. Thời thế mỗi khi mỗi khác, giờ đây rủi – may không biết đâu mà lần, được lúc nào hay lúc ấy có lẽ là suy nghĩ của nhiều người.
Bác sĩ, 29 tuổi, độc thân, nguyên gốc dân trường chuyên. Ra trường hai năm, làm ở một bệnh viện, là “chủ xị” một chương trình từ thiện nhỏ dành riêng khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo. Nhiệt tình, năng nổ, hăng hái, vui tươi, làm việc có trách nhiệm, ai cũng quý mến.
Một hôm, mọi người ngạc nhiên khi đọc trên Facebook của anh: “Thu nhập đủ sống qua ngày, ¼ tiền lương dành hiếu, hỉ, ¼ góp tiền cơm cho mẹ. Còn lại để đi chơi, giao tiếp, xăng xe, tình nguyện, mua sách vở, linh tinh… Tiền điện thoại ba trả, những món có giá trị như máy tính, xe máy… ba cho.
Cần tiền đột xuất có khi mượn quỹ công đoàn khoa hoặc mẹ. Hai năm qua nhận lương đều vẫn còn xin tiền ba hơn 50 triệu. Tài sản hiện tại là con số không. Tình hình khi nào sẽ cải thiện? Toàn tâm cho bệnh viện hay làm ngoài kiếm thêm thu nhập?”.
Những dòng tâm sự rất thật, có chút hoang mang không biết con đường mình đi có đúng hướng, phân vân giữa tự cứu mình hay chấp nhận hiện tại và sống “sạch” đúng nghĩa cho một nghề tốt đẹp?
- Xem thêm: Cho đi yêu thương
Ai cũng biết, vạn sự luôn khởi đầu nan, chẳng ai mới ra đời mà gặt hái ngay thành công. Có điều, nhiều lúc thử thách như trêu ngươi; thua keo này, bày keo khác mà keo nào cũng trắng tay! Chàng bác sĩ trẻ này dù sao cũng thuộc loại “nhà có điều kiện”, còn cầu cứu được ba mẹ, chứ nhiều bạn trẻ ra đời, xuất phát điểm gần như con số không, cho đi vô tư hay tính toán thiệt hơn thì phần nhận lại đều là bài toán khó!
Nhiều người an ủi, thôi thì trong thời buổi khó khăn này, có bát cơm ăn là may rồi. Các bậc cha mẹ cũng hay khuyên con như vậy, bôn ba không qua thời vận, đừng tạo áp lực quá mà thành nản chí, giàu nghèo có số.
Nhưng, có thể thấy một điều, đa số các bạn trẻ bây giờ không suy nghĩ như thế, đã mang tiếng học hành thì phải làm sao kiếm được tiền, trước hết nuôi bản thân từ chính kiến thức của mình, sau có thể giúp đỡ mẹ cha một ít. Con người cày cuốc học hành để làm gì nếu không vì một tương lai tươi sáng, không khá được thì lao tâm khổ tứ học hành làm chi?
Biết là vậy, nhưng đời đâu có dễ dàng như trong sách giáo khoa. Người già, trải nhiều, mới nghiệm ra vấn đề, người trẻ thời gian còn phải “chinh chiến” lấy đâu rảnh để ngồi chiêm nghiệm. Từ đó họ thấy buồn, không bằng lòng, cảm thấy mình thất bại.
Vài bạn trẻ vào bình luận quyết liệt rằng, cậu bác sĩ trẻ kia phải thay đổi thôi, phải ra ngoài, không thể để tuổi trẻ chết mòn ở bệnh viện công được. Có bạn dè dặt, chờ tương lai bệnh viện có hướng phát triển tốt hơn, làm bệnh viện công còn có thời gian hỗ trợ cho chương trình từ thiện chữa bệnh trẻ em nghèo, cũng là một cách cho đi không cần nhận lại theo đúng tinh thần bác sĩ cứu người là chính…
Thế nhưng, lại có bạn nói, phải tìm con đường thích hợp phòng ngừa trường hợp kiệt sức, cho đi nhưng cũng phải được nhận lại, chí ít đủ tái tạo năng lượng để tiếp tục cho đi. Tất cả những ý kiến trên đều có lý hết. Tuy nhiên, chẳng ai giúp cậu được điều gì vì suy nghĩ hướng nào cũng có cái được và mất. Sống sao cho nhẹ nhàng mới là kết quả của bài toán con người cần giải.
- Xem thêm: Chia sẻ với người bất hạnh
Từ chuyện một người tuổi ba mươi, nhìn lại những lứa tuổi (gọi là) thành đạt bốn mươi, năm mươi… ít ai có điều kiện bước đi trên con đường trải thảm, thành công nào cũng nhiều mồ hôi và nước mắt. Một doanh nhân thành đạt tuổi sáu mươi nhớ lại, những ngày đầu tiên khởi nghiệp từ việc chạy bàn cho một nhà hàng, học lóm cách chế biến các món ăn.
Rồi được đi học bếp, từ từ lên bếp trưởng, chuyển qua quản lý nhà hàng. Và sau 35 năm lao tâm khổ tứ, thương trường là chiến trường, để làm tổng giám đốc chuỗi nhà hàng khách sạn như bây giờ, gian nan không thể thống kê được!
Ai cũng biết, đường đời không bao giờ đầy hoa gấm mà luôn có nhiều trở ngại phải vượt qua. Người trẻ cần có chí và quyết tâm; người già nhìn lại để thấy cần phải chia sẻ thành đạt hôm nay. Hướng về cộng đồng, với tha nhân… và cho đi. Của đem cho hôm nay cũng là phần sẽ nhận lại, cho đời sau.