Ngày đầu tiên của tháng 6-2017, bảo tàng danh tiếng Rijks ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan đã đón người khách thứ 10 triệu. Với chiếc vé vào cổng thứ 10 triệu, người khách may mắn đó đã nhận được một giải thưởng đặc biệt: qua đêm một mình cùng với kiệt tác Tuần tra đêm của danh họa Rembrandt van Rijn.
Stefan Kasper, thầy giáo và cũng là một họa sĩ nói về trải nghiệm của ông: “Tôi đã ngủ cách bức Tuần tra đêm chỉ hai mét. Thật kỳ ảo, tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi điều đó”. Kasper đã mua chiếc vé may mắn đó vào sáng 1-6 khi cùng đi với các sinh viên của ông từ Trường Cao đẳng Montessori ở Aerdenhout, ngoại vi Amsterdam đến Rijksmuseum.
Kasper cho biết ông đã hoàn toàn riêng tư trong đêm huyền ảo đó, khi mà canh giấc ngủ cho ông chính là một đội ngự lâm quân Hà Lan thế kỷ XVII, những nhân vật đã được Rembrandt mô tả thật chi tiết trong tác phẩm. Bảo tàng đã cho cuốn tấm thảm trải trong gian trưng bày bức tranh Tuần tra đêm và đặt chiếc giường ngủ cho ông ở đó. “Không có người bảo vệ nào ở bảo tàng, hoặc họ giấu mặt rất kỹ”, Kasper nói với hãng tin AFP sau đó.
Ông cho biết đã dành thời gian và cơ hội hiếm có trong đời để “tự chụp chân dung và đi loanh quanh trong các căn phòng hoàn toàn vắng người với quần ngủ và vớ”, sau đó thưởng thức món xúp cà chua gazpacho và món bắp bò trứ danh, do bếp trưởng Joris Bijdendijk của Nhà hàng RIJKS được gắn sao Michelin chế biến.
Dù không phải là một người ái mộ các tác phẩm của Rembrandt, Kasper thừa nhận ông đã ngắm nhìn bức Tuần tra đêm với “nhãn quan mới”: “Tôi khám phá những nhân vật mình chưa từng thấy trước đó. Họ bước vào cuộc sống trước mặt tôi. Đó là một trải nghiệm chưa từng in dấu trong ký ức của tôi”.
Tên đầy đủ của bức tranh là Đội ngự lâm quân khu vực II dưới sự chỉ huy của đại úy Frans Banninck Cocq, hay còn được biết với tên gọi Đại đội xạ thủ của Frans Banning Cocq và Willem van Ruytenburch. Tranh được Rembrandt van Rijn (1606-1669) vẽ năm 1642, thật ra thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Amsterdam nhưng cho Bảo tàng Rijks mượn trưng bày thường xuyên.
Đây là một tác phẩm tiêu biểu của hội họa Hà Lan trong giai đoạn được gọi là Thời Hoàng kim (thế kỷ XVII) với những người khổng lồ như Vermeer, Frans Hals và Rembrandt. Tuần tra đêm nổi tiếng bởi ba yếu tố: kích thước rất lớn (363cm × 437cm), hiệu quả ánh sáng và bóng tối tuyệt hảo và nhận thức về chuyển động của tác giả đối với những gì vốn được coi là truyền thống trong cách vẽ chân dung tĩnh.
Trong tranh, đội dân quân đang tiến hành một cuộc tuần tra đêm, dưới sự chỉ huy của đại úy Frans Banning Cocq (y phục đen, áo choàng đỏ) và trung úy Willem van Ruytenburch (trang phục vàng, khăn choàng trắng) được tác giả đặt ở trung tâm. Người vác cờ hiệu của đội quân là Jan Visscher Cornelissen, cùng với hai viên sĩ quan là những nhân vật có thật trong lịch sử.
Ngoài giá trị thẩm mỹ, Tuần tra đêm còn mang nhiều thông điệp về cảm xúc, tư tưởng và cả về chính trị; lần đầu tiên thể hiện sự liên hiệp giữa những người theo Cơ đốc giáo (đại diện là sĩ quan chỉ huy Frans Banning Cocq) với những người theo đạo Tin Lành (đại diện là trung úy Willem van Ruytenburch) ở Hà Lan để cùng chống lại sự xâm lược của Tây Ban Nha. Các nhân vật trong tranh được vẽ với kích thước gần bằng người thật, và tác giả tạo cho người xem tranh cảm giác là họ sẵn sàng nhảy ra khỏi bức tranh, hòa vào đời sống thật.
Bức tranh cũng có một số phận kỳ lạ kể từ sau ngày được khai sinh. Nó được treo lần đầu tiên tại một dinh thự tráng lệ mà nay là khách sạn 4 sao Doelen – khách sạn lâu đời nhất ở Amsterdam, cũng là nơi Rembrandt từng sống trong thời gian vẽ bức Tuần tra đêm ở tầng 3. Năm 1715, tranh được chuyển đến Tòa thị chính Amsterdam và khi Napoleon chiếm Hà Lan thì tranh lại chuyển tới dinh thự Trippenhuis của hai anh em Louis và Hendrick Trip rất giàu có nhờ kinh doanh vũ khí.
Napoleon ra lệnh đưa tranh về lại chỗ cũ, đến khi cuộc chiếm đóng kết thúc vào năm 1813 nó lại được chuyển về Trippenhuis mà ngày nay là trụ sở Viện Hàn lâm khoa học Hà Lan. Năm 1885, khi Bảo tàng Rijks xây dựng xong thì Tuần tra đêm được trưng bày tại đó. Năm 1939, vào buổi bình minh của Thế chiến II, bức tranh được tháo khung, cuộn lại và cất giấu trong một lâu đài ở phía bắc Amsterdam cho đến ngày chiến tranh kết thúc mới mang về lại Rijksmuseum.
Tưởng nó sẽ yên vị ở bảo tàng, thế nhưng năm 2003, Rijksmuseum được tôn tạo toàn bộ, thế là tranh lại được tháo khỏi khung, cuốn lại một lần nữa để cất giữ. Mất mười năm Rijksmuseum mới tôn tạo xong để Tuần tra đêm có được chỗ cư trú mới, trong căn phòng được đặt tên là Nachtwachtzaal (Phòng của bức Tuần tra đêm).
Không những thế, Tuần tra đêm còn là nạn nhân của mấy vụ phá hoại văn vật (vandalism). Ngày 13-1-1911, nó bị một gã đàn ông rạch bằng dao sửa giày; đến ngày 14-9-1975 một giáo viên thất nghiệp rạch lên tranh mấy nhát dao mà dù được phục chế suốt bốn năm vẫn còn để lại dấu vết. Tên phá hoại sau đó tự tử trong một bệnh viện tâm thần. Đến ngày 6-4-1990, một kẻ rồ dại đã xịt axit vào tranh nhưng bảo vệ can thiệp kịp thời, dùng nước rửa axit ngay nên Tuần tra đêm không bị ảnh hưởng nhiều và được phục chế hoàn chỉnh.
Với một tiểu sử đầy biến động như vậy, Tuần tra đêm trở thành tác phẩm được chú ý nhất đối với 10 triệu khách tham quan Bảo tàng Rijks suốt từ năm 2013 đến ngày nay, giống như bức Mona Lisa của Bảo tàng Louvre ở Paris. Giám đốc Rijksmuseum, ông Taco Dibbits cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử của bảo tàng, có một người khách được phép ngủ ngay tại Nachtwachtzaal, dưới sự bảo vệ của một đội ngự lâm quân!