Quanh vòng đai Paris xuống hướng bắc, gần sân banh quốc tế Stade de France, qua khỏi bệnh viện De la Fontaine, dọc theo đại lộ hai bên cây to bóng mát, sẽ thấy khu nhà nho nhỏ màu trắng như trong cổ tích.
Nhà trên ba hay bốn phòng, nhà dưới hai phòng, căn nào cũng có chút vườn bỏ túi. Trong khu ba mươi hai hộ đó phần đông là người Pháp, chỉ hai gia đình Việt, hai Hoa, một rưỡi Ả Rập và một giao duyên chồng Phi vợ Pháp.
Đây là khu phi thương mại, rất yên tĩnh. Buổi chiều các cụ bà thảnh thơi dắt chó dạo chơi, tối đánh một giấc an lành để sáng hôm sau thức dậy với tiếng chim rộn rã. Tuy nhiên trong đêm, thỉnh thoảng bị đánh thức do tiếng gào của bà hàng xóm…
1. Hai gia đình Hoa thì một đã là Kẻ xa lạ ngay từ đầu, bởi cô vợ có máu Hoạn Thư nên anh chồng gặp nam phụ lão ấu gì cũng cứ như không thấy, mắt đục ngầu lờ đi chỗ khác. Cặp kia thì nguồn gốc đa chủng tộc khó nhớ, bốn năm dòng máu Việt-Miên-Lào-Hoa-Thái trộn lẫn trong huyết quản đôi trai gái này để kết hợp thành “người Hoa” trong mắt chúng sanh.
Chồng tên He, vợ tên Lèn. Rất tử tế hiền lành nhưng giữa họ với nhau thì chưa hết một câu rưỡi đã gây lộn. Vợ xinh xắn lúp xúp bước nhanh dáng liêu xiêu nhào tới trước, là nhân viên bán hàng bóp da túi xách, áo quần, chồng làm thợ máy hãng xe hơi. Đây là anh chàng có máu kỳ thị nặng với mọi giống dân trừ da vàng, làm thợ mà hở chút là cãi lại sếp.
Vợ nói tiếng Việt sõi, chồng bập bẹ. Và không ngoa, cái hành trang ngoại ngữ của chú He này chắc chỉ có vợ con và tôi là hiểu được tận tình. Mỗi khi có chuyện gì không đồng ý, buổi tối nhắm chừng tôi đi làm về cơm nước xong xuôi là He đến kể tội vợ.
Khoảng mười phút sau Lèn đến và He ra về. Bên nào cũng tự hào chỉ mình mới khôn ngoan, biết tính toán. Là trọng tài, tôi khuyên nhủ nhỏ nhẹ nhưng cười thì to vì mỗi dịp He tâm tình là một dịp cho phổi người nghe làm thể dục.
Một hôm He nhất định rủ tôi đi hàng cây cảnh mua hoa. Vừa cài dây an toàn, He sôi nổi:
– Chị Su à, hôm qua He mới ái lọng với Lèn.
Tưởng đó là tiếng Hoa, tôi hỏi cũng tiếng Hoa: “ái lọng” là gì tao không hiểu. Chú chàng giải thích bằng một tràng tiếng Hoa, lại càng không hiểu. Suy nghĩ một giây, He xổ tiếng Pháp. Tôi gật gù, à hiểu rồi, là “cãi lộn”. He thao thao:
– Cái thằng Lèn nó fou (*) rồi. He đã nói là mấy chậu cây nằm ở cầu thai có cái assiette (*) hứng đít, nước hong chạy ra được, mà nó cứ đòi để thêm cái assiette làm gì chớ. He hỏi nó mày có fou hong chớ. Rồi sáng nay đi làm, nó tìm nó tìm nó tìm, ngày nào cũng lấp tấp lấp tấp tìm chìa phá, nó nói mẹc mẹc mẹc (*), mà He hiểu hỏng phải nó chửi cái chìa phá đâu, nó chửi He đó, tại hôm qua He biểu mày cút đi, tui hỏng muốn thấy mặt mày nữa.
(Ngừng một lát nhìn tôi đang cười ngặt nghẽo)
– Mà ái lọng là tiếng Việt, sao chị Su hỏng hiểu?
Nhà thì nhỏ mà nghề tay trái của He là chụp hình nghệ thuật cho đám cưới, máy móc đồ nghề đủ loại lại thêm cái bệnh không muốn vất bỏ gì, nghìn thứ linh tinh chồng chất chẳng còn lối đi. Một hôm cô bạn đến xem hình cưới phóng trên tivi, phải đóng cửa, một lát cô nói ngộp quá, He bảo:
– Ra cửa mửa đi.
Cô lắc đầu, He ép:
– Ra mửa đi, mửa đi cho khỏe.
– Ngộp chớ đâu phải gì mà mửa.
Bạn tới chơi, đánh bài. He bị thua, bạn chọc:
– Ăn hoài mệt quá, đầy bụng.
Lúc đó He làm cái, bảo:
– Mửa ra đi, mày mửa ra cho tui coi.
Anh bạn cười cười:
– Muốn mửa thì tui vô toa lét mửa chớ việc gì phải mửa cho ông coi.
Vì “cha chung không ai khóc” nên khu đồng sở hữu chủ nào cũng phải có nghiệp đoàn lo việc đổ rác, quét dọn, làm cỏ, tỉa cây, vân vân, cho khoảng sân vườn chung, và bất kỳ thay đổi nào ở mặt tiền cũng phải thông qua tổ chức này.
Đã thấy vài hàng xóm xây bức tường thấp thay hàng rào, He cũng làm, có người đến hỏi đã nói qua cho nghiệp đoàn biết chưa, He kể lại đã trợn mắt hoạnh họe rằng:
– Mày là cảnh sát hả?
– Không
– Mày là mẹ tui hả?
Chàng hàng xóm bỏ đi. He phùng mang:
– Nó nghe lời thằng lùn xúi mà.
Cô vợ tính dễ cười, mỗi lần He chửi “thằng lùn” (chàng hàng xóm cái gì cũng để mắt đến) là cô ngả nghiêng cười. Chả là “cái mụn” He phát âm thành “cái mộn” mà!
- Xem thêm: Phía sau ngày nắng
2. Người Ả Rập thì rất đặc biệt, họ nói chuyện thôi mà cũng rổn rảng hùng hồn như cãi nhau. Gia đình này ồn ào nhất trong khu, thỉnh thoảng giữa đêm to tiếng rồi bà vợ ra cửa gào lên, hàng xóm phải gọi cảnh sát. Cả khu ai cũng ngán bà này chẳng tiếp xúc.
Và bà ta cũng chẳng cần tiếp xúc với ai. Không đi làm nhưng ngày nào cũng bận bịu ra đường tụ năm tụ ba với đồng hương ở góc nào đó, chiều về nhà cơm nước chút đỉnh rồi to tiếng với chồng con hay với con chó. Bên Tây được làm chó có khi sung sướng hơn con người.
Tứ thời nắng mưa chẳng phải đội nắng đội tuyết ra đường cày cục gì, chỉ ngoắc đuôi ung dung nghểnh cổ ngủ rồi tới giờ lại được ăn, bực tức thì sủa chửi, chiều chiều bà chủ có bận mấy cũng phải dắt đi dạo không sợ nó cuồng cẳng, cũng là dịp cho nó làm bậy ở góc đường nào đó.
Con chó nhà này thì khỏi dắt đi dạo vì nó được thả rong khắp xóm nên nhiều người khó chịu, dân Tây không thả chó dạo rong. Nó to mà cái ăn thì nhỏ, đói, ai xách gì trên tay cũng theo đánh hơi.
Hàng xóm tội nghiệp thường đặt thức ăn cạnh thùng rác, uống thì có vũng nước cống khi chưa trôi hết. Trừ người nuôi, cả xóm ai cũng tội nghiệp cảnh đời làm chó rất chó má của nó.
Cạnh nhà này có một anh Tây vợ bỏ theo trai. Cô vợ người Tây Ban Nha có đôi mắt to mơ màng rất đẹp và đôi môi nũng nịu như búp bê, vậy ai mà chẳng thèm. Tình yêu, ở lứa tuổi nào tiếng gọi của nó cũng rổn rảng cường điệu, nên một chiều chồng đi làm về không còn vợ nữa.
Anh chồng bình thường cười nói hỉ hả mau mắn lắm, dắt con vào công viên thấy cô nào nằm phơi nắng, chàng giả vờ nắm tay con đi tới đó, miệng cứ oai oải “Đi lối kia, không phải lối này đâu con”.
Ngắm cho được món thịt phơi, chàng tủm tỉm rất ý nhị rồi mới dắt con đi. Từ ngày vợ rứt áo, anh trở nên ù lì, thu mình lại, thui thủi đi làm về rút trong nhà với hai con gái nhỏ. Chẳng biết có chuyện gì giữa bà Ả Rập và trưởng nữ cặp Phi – Pháp, anh bênh vực gia đình này, cãi bà Ả Rập. Bà phun nọc:
– Việc gì đến mày? Bộ bị vợ bỏ mày muốn dê con nhỏ đó hả?
Đau hơn hoạn. Có ai muốn người khác khuấy mũi dao vào vết thương đang tấy lên của mình đâu chứ. Thế là anh quỵt êm lên nhà. Từ đó anh ôm buồn im lìm như bóng, tiếp theo là mùa đông nên chẳng mấy ai nhìn thấy nhau nữa.
Vài mùa đông như vậy trôi qua, đến mùa xuân sau lại thấy cô vợ lúi húi trồng hoa ở cầu thang (ngôn ngữ của He là cầu thai), lên lên xuống xuống thản nhiên như muôn đời chưa hề ra khỏi cổng. Vẫn còn bắt mắt. Nhưng không te tái nói cười với hàng xóm như xưa.
Té ra họ đã thu xếp với nhau để cô vợ bây giờ lẻ loi về sống ở đây, anh biến mất. Mùa hè đó chị cố chăm chút khu vườn, hoa nở rộ từng nấc cầu thang, được tòa thị trưởng tặng giải thưởng khu vườn đẹp nhất. Chị chuộc lại nụ cười đã bị anh bồ giật đi theo cô khác.
Hình như những mối tình kiểu đó chẳng bao giờ bền. Biết chị khổ, chồng đã đón về. Không nghe một lời cãi vã. Cái hay ở những xứ này là người ta thường thuận tình ly hôn rồi xem như bạn, vẫn gặp gỡ giúp đỡ nhau mặc dù một hay cả hai không còn lủi thủi một mình.
- Xem thêm: Ngôi nhà hình tam giác
3. Ăn trưa trong vườn hàng xóm sau nhà. Tây ăn thì ít mà uống và nói thì nhiều, từ mười hai giờ trưa đến năm giờ chiều trò chuyện râm ran, những câu chuyện mình thấy chẳng có gì mà vào miệng họ vẫn có pho có phách hấp dẫn lắm.
Đang nói về rượu đỏ Bordeaux, thịt nho cho nước cốt màu nhạt, chính cái vỏ mới cho màu nên nho càng đỏ màu rượu càng đậm đà, phải dùng ly thủy tinh chân cao có miệng hơi túm lại, xem màu áo nó, lắc vài cái rồi đưa lên mũi đánh hơi độ nồng, người sành điệu có thể biết tuổi đời của nó. Nên mua rượu của năm nào nắng tốt và giữ dưới hầm có nhiệt độ cố định, vì sự thay đổi làm rượu dễ hư, đặt nằm ngang cho rượu thấm vào nút khỏi bị khô.
Rượu chưa già lắm thì trước khi uống khoảng một tiếng phải khui ra cho nó lấy không khí nhiệt độ trong phòng. Không uống với đá… Đang ba hoa về rượu, con mèo băng qua vườn. Thế là thiên hạ bắt chuyện qua mèo chó. Một bà kể không mệt mỏi về cái chết của con chó cùng tuổi với thằng con mười bảy, là rất thọ với kiếp không phải nhân sinh.
Chó mười bảy tương đương con người một trăm mười chín tuổi. Vợ chồng bà đã làm tang lễ nó trong vườn nhà mẹ dưới quê, thề cả đời còn lại sẽ không bao giờ nuôi chó hay loại cọp con này nữa, nó khôn như người ấy mà, chôn nó chẳng khác chôn thân nhân. Buồn thúi ruột.
Ở đây xin mở cái ngoặc nhỏ: đừng bao giờ nói “không bao giờ”. Bởi vì năm sau bà lại rước về con mèo hoang và cũng cưng kiu hun hít, ghiền rồi, hay cảm thấy thiếu thốn vì thằng con duy nhất đã ra riêng. Đóng ngoặc. Và các bà khác phụ họa về giống gâu gâu ngao ngao này, như thể con mèo con chó nào cũng chỉ đội lốt vì người.
Phi trường Charles De Gaulle thả lên không chiếc Boeing trắng tươi. Mọi cái cổ ngẩng lên và lưỡi và môi bắt đầu nhấp nháy tán về chim sắt. Ngộ là toàn dân rất sợ máy bay, chưa người nào bữa đó sờ tay vào một mảnh sắt biết chao lượn trên không, vậy mà câu chuyện máy bay cũng rôm rả chẳng kém các chú chó chú mèo tốt phước.
Cũng ở đây, một hôm ăn trong nhà, ông hàng xóm bụng phệ hỏi:
– À, thằng nhỏ dưới nhà ông bà lâu nay sao không thấy?
Và người ta bắt đầu đặt câu hỏi về chú nhỏ người Ả Rập độc thân này. Nếu gia đình kia ồn ào bao nhiêu thì nửa gia đình này lặng lẽ bấy nhiêu, rất kín đáo, mùa đông đội mũ sụp che kín mặt, ít ai gặp. Nghe nói đang thất nghiệp và thất tình. Rồi chính anh chàng bị vợ bỏ thời chưa bị bỏ, nói đùa:
– Hay là nó chết dưới đó rồi?
Mọi người cười. Hôm sau thiên hạ đâm thắc mắc: biết đâu đấy, chớ cậu ấy biến đi đâu cả tháng trong khi mùa xuân đã khoác áo xanh trên trời rồi. Bàn bạc và gọi cảnh sát. Cảnh sát đến mở cửa (ngôn ngữ của He là mửa cửa), một mùi hôi xốc lên, cậu ấy toòng teng trên chao đèn.
Thế là cứu hỏa đến xịt thuốc khử trùng, thi thể đã rữa. Tất cả mọi ống dẫn hơi, khe cửa đều đã bịt kín. Tủ lạnh, đèn, điện thoại đã cúp. Nghĩa là một cái chết có nghiền ngẫm chuẩn bị với đầu óc tỉnh táo. Mùa đông xứ lạnh thường khắc nghiệt, nó có khả năng làm chỉ số đau buồn tăng gấp nhiều lần.
Và nỗi cô độc thấm vào không khí hít thở mỗi ngày, trong tâm trạng buồn chán ai cũng tưởng cõi bên kia sẽ không còn những đớn đau này nữa. Với hành trang tinh thần ấy mà nhiều người đã… bàng hoàng tịch diệt.
Căn nhà đó bỏ mặc cho cỏ vươn cao đến bục cửa sổ, cổng bị dây leo chằng chịt chẳng khác nhà hoang. Giữa khu nhà nho nhỏ màu trắng như trong cổ tích ấm cúng này, căn nhà ma chú Ả Rập là một hình ảnh lạ lùng, ra lấy thư phải ngang qua đấy, cứ rợn cả người.
Gần hai năm sau mới có người thuê, là một bà người Pháp làm nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu quốc gia. Lại một bữa ăn chung, bà nói đêm đêm bà nghe có tiếng kéo bàn kéo ghế. Thiên hạ chẳng liếc nhau nhưng không ai hé răng, vội lảng sang chuyện khác.
Đấy là đề tài cùng chuyện anh bị vợ bỏ, cũng những người hàng xóm ba hoa ấy mà không ai bàn đến. Dân Tây thường kín đáo khi nói chuyện người. Bởi vậy mỗi cánh cửa khép kín một mảnh đời, khi người khác mở ra thì thường là quá trễ.
(*) fou: điên (cho đàn ông, đàn bà là folle)
assiette: cái đĩa;
mẹc = merde: như tiếng chửi thề.