Ngày nay, mỹ thuật đường phố (street art) ngày càng được nhiều cư dân đô thị ở các châu lục khác nhau chấp nhận như một loại hình nghệ thuật chính thống và có tác dụng tích cực đối với mỹ quan đô thị. Song song đó, các nghệ sĩ tạo hình đường phố ngày càng chứng tỏ họ đang tiếp tục cuộc phiêu lưu kỳ thú, với nhiều cách thức khác nhau, nhằm tận dụng không gian công cộng để phủ lên đó những tác phẩm ngoạn mục, đặc biệt là các tranh thang tuyệt mỹ sau đây.
Phố tranh bậc thang ở San Francisco
Có dịp đến với vùng Vịnh San Francisco, ngoài những danh thắng nổi tiếng như cầu Golden Gate, khu phố cổ Chinatown…, du khách không thể bỏ qua phố bậc thang nằm giữa hai con đường thứ 15 và 16 – một bức tranh tuyệt đẹp với 163 bậc được cẩn đá mosaic hoàn toàn thủ công, thể hiện hình ảnh trời và biển vùng San Francisco: hoa cỏ, chim, cá, rùa… và cả những vì sao lấp lánh.
Bức tranh cực kỳ sinh động này là tác phẩm của hai nghệ sĩ Aileen Barr và Colette Crutcher, được họ thực hiện từ tháng 1-2003 với sự trợ giúp lao động của 300 cư dân địa phương cùng hơn 220 người đóng góp vật liệu mosaic, đến tháng 8-2004 mới hoàn thành. Phố bậc thang được cư dân vùng Vịnh San Francisco gìn giữ và bảo vệ như một báu vật.
Những tranh thang ở Valparaiso (Chi-lê)
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thành phố Valparaiso còn là một cảng thị quan trọng bậc nhất ở vùng bờ biển Thái Bình Dương thuộc Trung Mỹ. Nhưng đến năm 1914, khi kênh đào Panama được hoàn thành thì Valparaiso mất vai trò một trung tâm thương mại thiết yếu của khu vực. Không ngờ đó lại là một vận may cho thành phố cảng này: vô số công trình kiến trúc mang phong cách thuộc địa Tây Ban Nha – vốn được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Valparaiso – nhờ vậy đã tồn tại mà nếu như cảng thị tiếp tục mở rộng thì chúng có thể đã bị xóa sổ để xây mới những công trình hiện đại.
Năm 2003, một phần lớn thuộc khu vực trung tâm có giá trị lịch sử của Valparaiso đã được UNESCO đưa vào danh sách các di sản kiến trúc và văn hóa của nhân loại. Cùng với các giá trị truyền thống, Valparaiso còn là một đô thị đầy màu sắc; một chiếc kính vạn hoa khổng lồ với những ngôi nhà rực rỡ như những bông hoa đang mãn khai trên các sườn đồi và hàng loạt những cầu thang được các họa sĩ địa phương đan dệt vô số sắc màu, có cái trông như những phím đàn của một chiếc dương cầm khổng lồ đang ngân vang thanh âm theo những bước chân người.
Thang bích họa ở làng cổ Ihwa (Seoul)
Khi thủ đô Seoul phát triển mạnh sau thời kỳ chiến tranh, một số vùng ngoại vi của thành phố dường như đã bị bỏ quên; đó là những làng quê hẻo lánh và nghèo khó nằm trên các sườn núi chung quanh thành phố, được gọi là những dal dongnae, có nghĩa là “làng trăng” bởi khi trăng tròn thì chúng như kề cận với vầng nguyệt. Thế rồi không ít “làng trăng” ấy đã biến mất dần khi diễn ra cuộc đô thị hóa nông thôn, các kiến trúc thời thượng thay thế cho các kiến trúc truyền thống lâu đời.
Làng bích họa Ihwa may mắn tồn tại sau thời kỳ đô thị hóa ồạt ở Seoul, nó được gọi như thế từ một chiến dịch có tên “Mỹ thuật trong thành phố 2006” do Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc phát động, qua đó có tới hơn 60 bức tranh tường được các họa sĩ vẽ trên các bức tường, các công trình công cộng và đặc biệt là những cầu thang dẫn lên các sườn núi, nối các thôn trong làng với nhau, những bức tranh vẽ cá koi đỏ rực hay những hoa hướng dương hoành tráng, hoặc những bậc thang được cẩn đá hình hoa cỏ, muông thú đa sắc. Tất cả làm nên một diện mạo mới cho làng Ihwa, khiến làng trở thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Những bậc thang Selarón ở Rio de Janeiro (Brazil)
Escadaria Selarón (Những bậc thang Selarón) là tên gọi một tổ hợp những bậc thang nổi tiếng toàn cầu ở thành phố lớn và đông dân nhất của Brazil: Rio de Janeiro; được đặt theo tên của họa sĩ gốc Chi-lê Jorge Selarón, tác giả bức tranh đường phố kỳ thú này. Số là vào năm 1990, Selarón bắt đầu tu sửa, làm mới những bậc thang của chiếc cầu thang xi-măng cốt thép đã bị hư nát chạy ngang mặt tiền nhà ông. Ban đầu, những nhà láng giềng cười nhạo Selarón khi ông chọn những mảnh gốm với ba màu xanh dương, xanh lục và vàng – màu cờ Brazil – để vá các chỗ vỡ của bậc thang, bởi họa sĩ tuyên bố ông làm việc này nhằm “tỏ lòng biết ơn đất nước Brazil” đã cưu mang ông.
Không ngờ công việc với khởi đầu đơn giản ấy đã cuốn người nghệ sĩ vào một cơn đam mê, thậm chí một nỗi ám ảnh. Thay vì chỉ sửa chữa một số bậc thang, Selarón đã làm mới cả cầu thang và tiếp tục công việc làm đẹp cho một số cầu thang trong khu dân cư. Thường xuyên thiếu tiền cho dự án mỹ thuật để đời, Selarón phải bán tranh để làm đẹp các cầu thang bằng các mảng gốm, ngói và kính màu. Escadaria Selarón nay là một thắng cảnh quan trọng của Rio de Janeiro mà du khách đến thành phố này không thể bỏ qua.
Những bậc thang hòa bình ở Deir Atieh (Syria)
Tháng 10-2013, một nhóm sinh viên tình nguyện ở thị trấn Deir Atieh, phía bắc thủ đô Damascus của Syria đang chìm trong khói lửa chiến tranh, dưới sự hướng dẫn của nhà thiết kế Salmo Al-batal, đã biến cái cầu thang công cộng dài nhất tại thị trấn thành một tổ họp màu sắc tươi vui, đem lại chút không khí an bình, lạc quan cho cư dân địa phương. Nói như Salmo Al-batal khi thực hiện dự án này: “Syria ngày nay là xứ sở của máu thay vì màu sắc, vì thế chúng tôi cố gắng tạo một chút khác biệt cho yêu thương và hòa bình trong vùng chiến sự”.
Thế nhưng chỉ hơn một tháng sau ngày những bậc thang hòa bình và yêu thương được thực hiện thì bọn dân quân Hồi giáo quá khích đã xâm chiếm Deir Atieh, gieo rắc sự chết chóc, khủng bố và tàn phá. Nhiều thánh đường, công trình kiến trúc cổ kính đã bị hủy hoại. Không rõ số phận của cầu thang hòa bình ra sao.
Thang cầu vồng ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)
Vào mùa hè năm 2013, một viên chức hồi hưu tên là Huseyin Cetinel đã có một quyết định táo bạo: sơn toàn bộ cái cầu thang công cộng ở quận Beyoglu của thủ đô Istanbul bằng nhiều màu sắc tươi tắn. Kết quả thật tuyệt diệu chỉ sau bốn ngày làm việc cật lực: ông Huseyin Cetinel đã biến cái cầu thang xám xịt và lạnh lẽo trở thành một chiếc cầu vồng rực rỡ. Ngay lập tức cái cầu vồng ấy được đông đảo người dân Istanbul và du khách yêu thích. Người nghệ sĩ không chuyên đã đạt được mục đích như ông nói: “Tôi muốn làm cho mọi người cười vui”.
Nhưng sự việc chưa dừng ở đây: ngày 30-8-2013, không lâu sau khi cái cầu thang “khiến mọi người cười” được tô màu đẹp đẽ, chính quyền Istanbul đã phủ nó trở lại màu xám ảm đạm mà lý do là Huseyin Cetinel có “động cơ chính trị” khi làm việc ấy. Nhưng người dân Istanbul và sau đó là toàn dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng giận dữ trước quyết định ngu xuẩn ấy. Họ tô màu những cầu thang công cộng khắp nước để tỏ tình đoàn kết với Huseyin Cetinel. Kết quả là chính quyền Istanbul đã phải tái – trả lại cho cái cầu thang ở quận Beyoglu màu sắc mà ông Huseyin Cetinel đã sơn cho nó. Lần này thì Huseyin Cetinel chỉ khoanh tay đứng nhìn!
Còn rất nhiều cầu thang đẹp như tác phẩm hội họa ở Pháp, Đức, Li-băng, Ý, Iran… Riêng ở Việt Nam, con đường gốm sứ tại Hà Nội cũng là một công trình mỹ thuật gây được tiếng vang lúc mới thực hiện nhưng nay đã xuống cấp, bị vỡ nát nhiều đoạn, nhiều chỗ, chưa kể bị xâm hại, phóng uế bừa bãi… Thật đáng tiếc!
- Lê Bản