Những buổi sớm mai trên đường chở con đi học, tôi luôn gặp được hình ảnh mệ già đang liêu xiêu triêng (*) gióng hai đầu là rau xanh ngược đường vào nội đô Huế. Những mớ rau rớn, rau khoai, rau sam rồi rau tập tàng, me chua… còn đọng sương mai trên những ngọn lá xanh non. Mệ cứ đi chậm rãi bên lề đường như thế. Thỉnh thoảng có người dừng xe lại hỏi mua rau. Họ tin rau của mệ là những mớ rau sạch được nhặt nhạnh từ những mảnh vườn ngoại ô xứ Huế vùng Thủy Vân, Thủy Thanh… Tôi cũng tin như thế khi nhìn những mớ rau nho nhỏ, gọn gàng và cả cái dáng chịu khó chịu thương đã quen với vườn tược, dãi nắng thấm mưa của mệ…
Có một loại trái cây đặc sản của vườn xứ Huế đã được đăng ký thương hiệu đó là thanh trà. Thanh trà nổi tiếng đến mức mấy năm trở lại đây, phường Thủy Biều, ở vùng ngoại ô Huế là nơi có rất nhiều vườn cây trái thanh trà đã mở Lễ hội thanh trà hằng năm để giới thiệu hương vị của trái cây này đến với du khách gần xa. Ngoài thanh trà của làng Thủy Biều ở đầu nguồn sông Hương thì ở Huế còn có thêm hai vùng trồng thanh trà nổi tiếng nữa là thanh trà Lại Bằng đầu nguồn sông Bồ và thanh trà Phong Thu đầu nguồn sông Ô Lâu. Đặc tính của cây thanh trà là rất kén đất. Nó chỉ cho quả to, vị ngọt, hương thơm khi được trồng ở những vùng đất đầu nguồn sông, nơi đón lớp phù sa mới tươm màu mỡ nhất mỗi mùa lụt về. Cũng vì thế, nhiều vùng quê ở hạ nguồn các con sông xứ Huế cũng đã từng trồng thử cây thanh trà. Cây cũng tốt, cũng cho trái nhưng trái lại có vị chua hoặc múi khô không có nước…
Mà Huế không chỉ có trái thanh trà là đặc trưng. Có lần đi làm về ngang qua chợ Bến Ngự tôi thấy một gánh nhãn với những chùm còn xanh lá. Chị bán nhãn đon đả: “Nhãn lồng vườn nhà tui đó, mua đi chú, nhãn Huế bữa ni hiếm lắm!”. Tôi mua hai ký, sáu mươi ngàn đồng, về nhà mấy đứa nhỏ làm một lèo vừa ăn vừa tỏ ra thòm thèm lắm vì cái vị ngọt thanh rất… nhãn Huế. Rồi còn có thanh long Huế, măng cụt Huế, hồng Huế, chôm chôm Huế và cả cam Huế nữa – được gọi là cam Dòng trồng trong các vườn Dòng tu Đan viện Thiên An cho vị ngọt, hương thơm… Những loài cây vốn có nguồn gốc từ xứ khác nhưng khi mang về trồng ở các khu vườn ngoại ô Huế thì cây cho trái nhỏ lại nhưng hương vị lại đậm đà mà thanh thao hơn.
Tôi có một thú vui là thỉnh thoảng vào những buổi sớm tinh mơ, chạy xe lên dốc Bến Ngự để vừa ngắm vừa mua những rau, trái, quả, củ mà mấy mệ, mấy dì ở trên Tuần, trên Thủy Xuân, những vùng đất có nhiều nhà vườn xứ Huế nhặt nhạnh ở vườn nhà gánh gồng đi bán. Cũng từ cái chợ tự phát ven đường đó mà “đọc” được “nhịp điệu” của bốn mùa xứ Huế là những chùm khế ngọt chín mọng giữa hè, những mớ nấm tràm tươi roi rói vào thu, mấy mớ rau tập tàng trong những ngày đông giá và giáp tết là những buồng chuối chớm mơ vàng…
Một buổi trưa nào đó, ngồi trong một khu vườn ngoại ô của làng Lại Thế – một làng quê văn vật phía đông nam Huế, lòng thấy nhẹ tênh như cây cỏ khi ngắm ngôi nhà rường xưa kiểu Huế từ kiến trúc, hoa văn, màu sơn; đôi câu đối sơn son thếp vàng trên hai tấm gỗ mun đen trước gian thờ gia tiên. Rồi mái ngói liệt sẫm màu rêu xô nghiêng và cả nền gạch hoa đã bạc màu theo năm tháng… Sự hài hòa của những ngôi nhà như thế dường như đã đủ nói lên tính cách, phong thái và tâm hồn của những chủ nhân ngôi nhà. Những tâm hồn nhẹ nhàng như hoa, như lá; như những giọt mưa, màu nắng nô đùa vô ưu trên mái ngói thời gian…
Huế đã có một dòng sông Hương trong xanh, đầy đặn và mát lành chảy trong lòng phố. Nhưng bao quanh Huế còn có những dòng sông nhỏ Bạch Yến, Như Ý, Lợi Nông, Kẻ Vạn… Những con sông đào của người xưa để che chắn cho kinh thành và từ đó sông cũng chan hòa dòng nước mát với đời sống người dân ngoại ô bao đời quần tụ, vui vầy với những cánh đồng lúa hai mùa và những khu vườn xanh rau cỏ và sum suê cây trái quanh năm… Ngoại ô – cái gạch nối trìu mến giữa thành thị và nông thôn đó – cũng đã mang trong mình những nét văn hóa rất riêng. Đó không phải là một bài tình ca phố nồng nàn, càng không phải là một khúc hát dân ca chân chất mà là một bản “bolero chợ Nọ” buồn man mác mà dễ thương… Tôi đã mấy lần ngồi trong những quán xá lèo tèo của vùng ngoại ô và chợt nhận ra rằng nghe nhạc bolero ở đây thấm thía hơn bất cứ nơi nào…
Cuối tuần rong ruổi về vùng ngoại ô để được hít thở không khí trong lành, được tắm táp tâm hồn cùng cây cỏ. Cứ lang thang như thế suốt cả buổi chiều. Không có tiếng xe cộ liên tục tuýt còi chen chúc trên đường, ở ngoại ô hầu như tất cả mọi sự vận động đều chầm chậm, có khi trễ nải. Là hàng quán nhỏ bên đường lơ thơ một hai khách ngồi uống nước. Là mấy chiếc ghe nhôm nằm bên bến nước chờ đến mùa lụt. Những bến nước dọc theo dòng sông Như Ý vẫn còn đó cảnh sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ của những người phụ nữ làng quê… Cứ như thế bức tranh về vùng ngoại ô xứ Huế thong thả mà yên bình đủ tắm táp cho những ai muốn một lần tạm tránh sự xô bồ, huyên náo chốn thị thành đông đúc…
Và trong một buổi chiều miên man như thế, chợt thấy ấm lòng cũng ngoại ô khi nghe câu hò ru em vọng ra từ một căn nhà: “Ru em cho thét cho muồi – Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu – Mua vôi Chợ Quán Chợ Cầu – Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh – Chợ Dinh bán áo con trai – Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim…”. Lời ru nói về những địa danh ngoại ô nổi tiếng của đất cố đô mà những người Huế đứng tuổi hầu như ai cũng thuộc. Vậy mà đã có những lúc tôi cũng đã lãng quên sự tĩnh lặng của ngoại ô trong hơi thở gấp gáp của đời sống thị thành…
(*) gánh