Tại Tây Ban Nha, công nhân viên phải đi làm từ 9g sáng đến 21g tối là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, hiệu quả công việc thì chẳng có gì đáng ngưỡng mộ. So với các quốc gia khác ở châu Âu, Tây Ban Nha có năng suất lao động thấp, tiến độ tăng trưởng kinh tế chậm. Thời gian làm việc kéo dài tính ra chỉ đồng nghĩa với “cứ thong thả, có mặt là được”.
Thói quen từ thời độc tài
Tây Ban Nha là quốc gia ở châu Âu có diện tích khoảng 505.990km2 và dân số rơi vào tầm 46,66 triệu người. “Ở Tây Ban Nha, chúng tôi có giờ làm việc trên ngày rất dài, đôi khi là từ 9g sáng đến tận 21g tối”, Nuria Chinchilla, giáo sư Đại học Navarra, cho biết. Trong khi đa số các quốc gia trên thế giới chỉ giới hạn giờ hành chính là khoảng 8g, Tây Ban Nha xem đi làm 12g/ngày là chuyện bình thường. Gốc rễ của “sự chăm chỉ” này nằm ở thập niên 1930, trong thời kỳ Nội chiến Tây Ban Nha (17.7.1936 – 1.4.1939).
Nội chiến Tây Ban Nha khởi đầu từ cuộc đảo chính của quân đội Tây Ban Nha, chống lại chính phủ Đệ nhị Cộng hòa. Nó kết thúc bằng chiến thắng của tướng Francisco Franco (4.12.1892 – 20.11.1975). Francisco Franco nắm quyền lãnh đạo Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1975. Trong suốt thời kỳ đứng đầu quốc gia, ông thúc ép người dân phải cống hiến hết mình cho đất nước. Lao động người Tây Ban Nha phải làm việc 2 ca/ngày. Để phục hồi sức khỏe sau ca sáng, họ buộc phải có một giấc ngủ trưa ngắn. Sang thập niên 1970, nền kinh tế của Tây Ban Nha đã có nhiều khởi sắc. Người lao động được phép nghỉ ngơi nhiều hơn. Giờ nghỉ trưa liền kéo giãn ra. Thay vì vài chục phút, nó kéo dài thành vài tiếng.
- Xem thêm: Nữ nhân viên nên có 20 phút ngủ trưa
Ngày nay, công nhân viên Tây Ban Nha có hẳn 2-3g nghỉ trưa. Nếu trước đây, người lao động tận dụng mọi phút có thể để chợp mắt thì bây giờ, chỉ có khoảng 18% vẫn giữ thói quen ngủ trưa. Đa phần còn lại dùng nó để thư thả ăn uống, gặp gỡ bạn bè, lướt web… Qua giờ nghỉ trưa dài lê thê, họ quay lại làm việc. Đến lúc tan ca thì đã tối muộn.
Ở chỗ làm, công nhân viên Tây Ban Nha thong thả bao nhiêu thì về nhà, họ tất bật bấy nhiêu. Việc nhà, cơm nước, con cái hối thúc điên đảo. Ai nấy mệt phờ. Nhiều người bắt đầu suy nghĩ, liệu có phải đã đến lúc nên thay đổi giờ hành chính?
Hiệu quả chẳng bao nhiêu
Mang tiếng là làm việc đến tận 12g/ngày, hiệu quả công việc của công nhân viên Tây Ban Nha cực kỳ thấp. Họ bị xếp vào danh sách hiệu suất lao động thấp nhất châu Âu. Năng suất lao động thấp kéo theo tiến độ tăng trưởng kinh tế chậm. “Chúng tôi lãng phí hẳn 2-3 tiếng cho giờ nghỉ trưa”, Chinchilla nói tiếp. “Và điều này thật vô nghĩa!”. Mặc dù tổng thời gian làm việc trên tuần dài hơn bất kỳ đất nước nào ở châu Âu, Tây Ban Nha không có thu hoạch khả quan. Giờ hành chính dài chỉ đồng nghĩa với thời hạn cần để hoàn thành công việc cũng nới rộng. Mọi người cứ việc từ từ, thành ra tiến độ hoàn thành công việc cũng hết sức rề rà.
“Con người không phải máy móc, chỉ biết có làm việc và làm việc”, Chinchilla phân tích. “Họ còn có gia đình phải chăm lo. Giờ đi làm càng dài thì thời gian dành cho người thân càng ngắn. Chúng tôi không thể ưu tiên cho những điều quan trọng như người nhà hay lợi ích của chính bản thân”.
Kể từ thập niên 1980, Chính phủ Tây Ban Nha đã quan tâm đến vấn đề nên hay không nên thay đổi giờ giấc hành chính. Chỉ là, “Vẫn chưa có sự rút ngắn nào thật sự được thực hiện cả”, Chinchilla phàn nàn. Trên thực tế, quyền rút ngắn thời gian làm việc nằm trong tay các nhà lãnh đạo công ty, doanh nghiệp. Nếu các “boss” không chịu thay đổi, chính phủ cũng không thể can thiệp sâu.
Tây Ban Nha là đất nước có tỷ lệ thất nghiệp cao. Vào năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này đạt mức kỷ lục, chiếm 26,94% tổng lao động. Hiện tại, lượng người thất nghiệp đã giảm, nhưng vẫn chiếm 14,02%. Tùy vào khu vực, tỷ lệ người thất nghiệp ở Tây Ban Nha dao động từ 8-30%. Nói chung, họ thuộc top những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Châu Âu.
Lượng người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp cao cũng đồng nghĩa với việc các “ông chủ” muốn sao cũng được. Họ có thể thuê nhân công với mức lương rẻ mạt, ép làm việc suốt nhiều giờ. Công nhân viên Tây Ban Nha tuy phát mệt bởi giờ làm việc kéo dài, nhưng cũng không dám phản kháng. Họ phải nhẫn nhịn, chịu đựng vì sinh kế của bản thân và gia đình.
Vẫn chưa có sự thay đổi
Tháng 8.2019, Tập đoàn Microsoft của Nhật Bản từng thử nghiệm cho nhân viên nghỉ hẳn 3 ngày cuối tuần. Sau khi thống kê hiệu suất công việc, họ ngạc nhiên nhận ra: Năng suất lao động tăng hẳn 40%. Điều này cũng tương tự trong Công ty Cyberclick ở Tây Ban Nha. Vào năm 2012, giám đốc điều hành của Cyberclick quyết định không áp đặt giờ giấc làm việc tại công ty. Nhân viên Cyberclick được phép linh hoạt thời điểm có mặt, miễn sao hoàn thành công việc đúng thời hạn. Kết quả, năng suất làm việc lập tức tăng trên 19%. Mặc dù trong Cyberclick thường có tới 30% nhân viên vắng mặt, tổng doanh thu gia tăng vùn vụt. Từ chủ tịch đến nhân viên, ai nấy vui vẻ, hạnh phúc.
Không bị buộc phải ngồi yên trong văn phòng đến hết giờ, nhân viên của Cyberclick quản lý đời sống cá nhân tốt hơn. Nhờ tâm lý được thoải mái, họ thêm yêu công ty và nỗ lực làm việc hiệu quả. “Làm việc từ xa có rất nhiều lợi ích”, Sol González, một nhân viên của Cyberclick chia sẻ. “Ví dụ như rảnh tay chăm sóc con gái cưng của tôi khi con bé bị ốm, hoặc là thỉnh thoảng ăn trưa với nó”.
“Sự linh động về mặt thời gian cũng giúp các nhân viên giảm căng thẳng”, David Tomas, đồng sáng lập của Cyberclick cho biết. “Khi mà tôi tin tưởng họ, mọi người cũng ý thức trách nhiệm cao hơn. Họ bảo rằng, vì công ty có chính sách đối xử với nhân viên tuyệt vời, nên rất muốn nó tiếp tục thành công hơn nữa”.
“Không ít các công ty ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… đã áp dụng chính sách cho phép nhân viên linh động giờ giấc này”, Chinchilla khẳng định. “Đây là một xu hướng làm việc mới, mang tính toàn cầu”. Bản thân bà cũng dành ra 4 ngày/tuần, tư vấn cho các đội ngũ lãnh đạo ở Tây Ban Nha. Chinchilla tin rằng điều cần thiết nhất tại Tây Ban Nha bây giờ là phá vỡ thói quen “ép công” của các “ông/bà chủ”. Chỉ cần họ chấp nhận giảm giờ làm, người lao động sẽ không ngại đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công việc lên.
Có điều, thay đổi thói quen không phải chuyện dễ. Ngay cả với Tập đoàn Microsoft ở Nhật Bản, dù đã thực chứng được sự gia tăng năng suất đến 40%, họ vẫn không hề có ý định hiện thực hóa chương trình đi làm chỉ 4 ngày/tuần. Các chủ lao động là những người đa nghi, bảo thủ và tham lam không giới hạn. Cuối cùng, cả họ lẫn người lao động đều không thu lợi ích.
“Người lao động bị nghiền nát bởi thời gian làm việc kéo dài”, Chinchilla buồn bã nói. “Không có gì ngạc nhiên khi họ cảm thấy sức tàn lực kiệt, mất hết ý chí nỗ lực vì công ty”.
Trừ khi văn hóa việc làm ở Tây Ban Nha có sự thay đổi triệt để, còn không thì sự trì trệ, năng suất lao động kém sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.