Nếu những gì diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua (và sắp tới) làm thế giới kinh ngạc, thì những gì vừa diễn ra trên chính trường Malaysia cũng làm nhiều người bất ngờ. Tuy hai sự kiện khác nhau, nhưng đều phản ánh thực trạng một trật tự thế giới mới bất ổn, mà khó có một nước nào là ngoại lệ. Những người thạo tin Malaysia chắc không ngạc nhiên về kết cục tất yếu của cựu Thủ tướng Najib Razak, vì những bê bối tham nhũng làm dân chúng bất bình và làm người ta nhớ tới số phận Ferdinand Marcos và Muhammad Suharto.
Nhưng sự thành công của liên minh (bất đắc dĩ) giữa ông Mahathir Mohamad và ông Anwar Ibrahim (từng bị ông Mahathir bỏ tù) cũng đầy kịch tính. Người dân Malaysia đã bầu cho một cụ ông 92 tuổi và một tù nhân (bị tù tới hai lần), làm người ta liên tưởng tới lý do ông Donald Trump và Rodrigo Duterte đã thắng cử.
Những biến động chính trị trên thế giới ngày càng giống biến đổi khí hậu khó lường, như những nghịch lý vừa lạ vừa quen.
Động đất chính trị tại Kuala Lumpur
Theo báo New York Times, biến động chính trị tại Kuala Lumpur sau cuộc bầu cử lịch sử ngày 9-5-2018 là “động đất chính trị”.
Cách đây chỉ vài tháng, không ai có thể ngờ Thủ tướng Najib Razak và liên minh cầm quyền Barisan Nasional sẽ thất bại, mặc dù ông Najib bị dư luận cáo buộc tham nhũng hàng tỉ USD.
Kết cục đến quá bất ngờ làm phe đối lập cũng bị “choáng”. Cử tri đã đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục 14,5 triệu và liên minh đối lập Pakatan Harapan do ông Mahathir cầm đầu đã thắng khi giành được 113/222 ghế, trong khi liên minh cầm quyền Barisan Nasional do ông Najib Razak cầm đầu đã thua với 79 ghế giành được.
Ông Mahathir trở lại cầm quyền ở tuổi 92, là nguyên thủ quốc gia được bầu “già nhất thế giới”.
Ông Mahathir Mohamad đã làm thủ lĩnh UMNO và thủ tướng Malaysia từ 1981 đến 2003. Chính ông đã bảo trợ đưa ông Najib Razak lên làm thủ tướng. Trước đó ông cũng đã bảo trợ và đưa ông Anwar Ibrahim lên làm phó thủ tướng.
Trong cuộc họp báo hôm 10-5-2018, ông Mahathir nói: “Sai lầm lớn nhất trong đời tôi là đã chọn Najib… Các bạn biết đấy, đất nước hiện nay như một đống lộn xộn và chúng ta cần phải dọn dẹp càng sớm càng tốt”.
Cần phải thực thi pháp quyền: Najib Razak và vợ cùng một số quan chức không được phép xuất cảnh trong khi bị điều tra và cảnh sát đã khám nhà ông Najib, làm người ta nhớ tới các vụ án tham nhũng tại Trung Quốc và Việt Nam.
Để thắng ông Najib Razak và thiết lập “trật tự mới”, ông Mahathir đã phải liên minh với phe đối lập đã từng bị ông đàn áp, trong đó cựu Phó thủ tướng Anwar Ibrahim đã từng bị ông bỏ tù hồi năm 1998 vì cáo buộc tham nhũng và hành vi tình dục đồng giới.
Sau đó ông Anwar lại bị Thủ tướng Najib Razak bỏ tù lần thứ hai vào năm 2015, cho đến ngày 9-5-2018 mới được nhà vua ân xá – theo đề nghị của ông Mahathir.
Bất chấp những nghịch lý trớ trêu đó, vợ ông Anwar là bà Wan Azizah Wan Ismail đã được ông Mahathir mời làm phó thủ tướng, trong khi chờ ông Anwar trở lại chính trường. Theo bà Wan Azizah, ông Mahathir đã hứa sẽ chuyển giao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim vào giữa nhiệm kỳ năm năm.
Kiểm soát quyền lực và tham nhũng
Người ta cho rằng trước đây ông Anwar đã bị kết tội và ngồi tù vì những động cơ chính trị. Tuy chính phủ mới của ông Mahathir là một liên hiệp bất đắc dĩ và gượng ép về nhiều mặt, nhưng điều quan trọng nhất là ông Mahathir đã hợp tác được với đảng của ông Anwar Ibrahim để đủ sức mạnh gạt bỏ được ông Najib Razak. Nay quyền lực đã về tay nhân dân, với một hệ thống cầm quyền đa đảng (trước đây chỉ có một đảng UMNO), liệu ông Mahathir có thực sự ủng hộ cải cách “vòng hai”? Trong liên minh, Đảng Công lý Nhân dân (People’s Justice Party) của ông Anwar là đảng lớn nhất và người dân hy vọng ông Anwar sẽ đem lại “bình minh mới” cho Malaysia, tuy người ta vẫn lo ngại về mối đe dọa Hồi giáo.
Tuy đã 92 tuổi, nhưng ông Mahathir vẫn được dân bầu, vì có thỏa thuận ngầm là ông Mahathir sẽ làm thủ tướng “quá độ” trong khoảng hai năm để lập chính phủ mới và mở đường cho ông Anwar Ibrahim lên thay thế, vì ông Anwar là một nhà cải cách được lòng dân.
Mặc dù nhiệm vụ chính của ông Mahathir là lập lại hiến pháp và chuẩn bị ghế thủ tướng cho ông Anwar, nhưng kế hoạch chuyển giao quyền lực “giữa kỳ” vẫn là một ẩn số, còn tùy thuộc vào quyết định của ông Mahathir.
Cựu Thủ tướng Najib Razak nổi tiếng tham nhũng với biệt danh “kẻ cắp”, vì đã biển thủ ít nhất 3,5 tỉ USD công quỹ trong vụ bê bối “1MDB scandal”. Dư luận cáo buộc ông Najib Razak đã mua nhiều bất động sản đắt tiền tại Mỹ, nhiều châu báu cùng tác phẩm nghệ thuật và chuyển vào tài khoản cá nhân ông 731 triệu USD.
Theo nguồn tin từ Mỹ, ông Najib Razak sở hữu một penthouse trị giá 30,6 triệu USD nhìn ra Central Park tại Time Warner Center ở Manhattan – New York, một biệt thự trị giá 39 triệu USD tại Los Angeles và một ngôi nhà trị giá 17,5 triệu USD tại Beverly Hills. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc những tài sản đắt tiền này đã được những người thân cận của ông Najib Razak mua bằng khoản tiền ăn cắp tại Malaysia.
Trò chơi quyền lực và dân chủ
Dân chủ và nhân quyền đang trải qua thời kỳ sóng gió tại khắp Đông Nam Á, từ Philippines nơi nhiều dân nghiện bị giết hại bởi Tổng thống Rodrigo Duterte, đến Campuchia nơi phe đối lập và báo chí bị trấn áp bởi Thủ tướng Hunsen, tới Myanmar nơi dân hồi giáo Rohingya bị tàn sát khiến bà Aung San Suu Kyi bị tai tiếng.
Về đối nội, liệu chính phủ mới của ông Mahathir sẽ hành xử thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn. Các thành viên trong chính phủ liên hiệp đa thành phần của ông Mahathir rất khó chia sẻ quan điểm với ông trên nhiều lĩnh vực, trừ lập trường chung chống tham nhũng để loại bỏ ông Najib Razak và việc bám giữ quyền lực của Barisan Nasional.
Đối với ông Mahathir, được đa số cử tri Malaysia bầu làm thủ tướng một lần nữa đã cho ông một cơ hội mới để sửa sai trong nhiệm kỳ thủ tướng trước đây, khi ông bị dư luận trong và ngoài nước cáo buộc là một “nhà chuyên chế”.
Trong khi đó, ông Anwar tuyên bố hoàn toàn ủng hộ thủ tướng mới Mahathir và vợ là Phó thủ tướng Wan Azizah Wan Ismail để thực thi chương trình cải cách của liên minh Pakatan Harapan. Đây là một liên minh giữa hai nhân vật có quan hệ gắn bó, đã từng là đối thủ nay lại trở thành đồng minh.
Tuy ông Mahathir cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho ông Anwar trong vòng hai năm, nhưng liệu ông có giữ lời hứa hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ vì trong chính trị mọi thứ đều có thể. Trước mắt, ông Anwar muốn đi thăm các trường đại học hàng đầu thế giới để thuyết trình về chủ trương “Hồi giáo ôn hòa” và điều này làm người ta nhớ tới cách xây dựng hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi trước đây.
Về đối ngoại, ông Mahathir có đề cập đến ảnh hưởng quá lớn và đầu tư quá nhiều của Trung Quốc tại Malaysia. Ông nói rằng chính phủ mới cần xem xét lại các thỏa thuận mà ông Najib đã ký với Trung Quốc và lo ngại về khoản nợ lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói chính phủ mới không có vấn đề đối với chương trình “Một Vành đai, Một Con đường”. Nhưng ông không muốn thấy có quá nhiều tàu chiến trong khu vực, vì “tàu chiến lôi kéo thêm nhiều tàu chiến khác”.
Quan điểm của ông Anwar về Trung Quốc cũng tương tự như ông Mahathir: không phản đối đầu tư của Trung Quốc, nhưng cũng lo ngại về cách thức một số hiệp định đã được ký kết.
***
Nếu ông Mahathir nhường quyền “giữa kỳ” cho ông Anwar như cam kết để cải tổ thể chế và biến Malaysia thành một nước dân chủ và phát triển, ông sẽ đi vào lịch sử vì đã có công hai lần dẫn dắt đất nước cải cách. Không những vậy, ông còn xóa được tiếng xấu “chuyên quyền” trong nhiệm kỳ trước.
Nhưng nếu ông Mahathir không làm được điều đó, ông Anwar và người dân Malaysia có lẽ sẽ không chịu ngồi yên và đất nước đa sắc tộc này có thể bị phân hóa, trở thành miếng mồi để Hồi giáo hay Trung Quốc thao túng.
Trong khi ông Anwar có xu hướng thúc đẩy dân chủ hóa và hiện đại hóa, nhiều khả năng ông Mahathir sẽ trở lại chính sách “Hướng Đông” phù hợp với tầm nhìn khu vực Indo-Pacific hiện nay và vai trò mới của Nhật trong nhóm “Tứ Cường” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc.
Trong bối cảnh đó, hy vọng quan hệ Việt Nam và Malaysia sẽ tốt hơn trước góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở biển đông và vai trò khu vực của ASEAN.
– 19-5-2018