Cũng vào đầu thu năm ngoái, trại sáng tác nghệ thuật có tên “Đất Mường 1” đã được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật Mường Studio thuộc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình.
Năm nay, “Đất Mường 2” tiếp tục diễn ra – bắt đầu từ ngày 17-10 – nhưng với quy mô lớn hơn nhiều và là trại sáng tác quốc tế với sự góp mặt của nghệ sĩ đến từ 18 nước.
“Đất Mường 1” năm 2011 đã trở thành một sự kiện nghệ thuật khi mà hơn 30 nghệ sĩ – có người đã thành danh từ lâu, có người mới đi những bước đầu tiên trên con đường đến với nghệ thuật – đã đến sống, sáng tác trong hơn mười ngày trong một không gian với những nét đặc thù của một vùng văn hóa bản địa lâu đời; ở đó họ vẽ tranh, làm điêu khắc, sắp đặt và rồi tác phẩm được trưng bày tại chỗ cả năm trời. Có người gọi cuộc gặp gỡ đó là một “võ lâm đại hội” xứ Mường vì tính chất đa dạng khác thường của tác phẩm lẫn người sáng tác.
Năm nay, dù gặp không ít khó khăn để tìm tài trợ cho trại sáng tác, thế nhưng “ông bầu” của dự án là họa sĩ Vũ Đức Hiếu hay “Hiếu Mường”, Giám đốc Bảo tàng vẫn quyết tâm duy trì chương trình hoạt động thường niên này của Mường Studio. Vẫn phối hợp với nhóm Asia Art Link (*) của họa sĩ Trịnh Tuân để làm “Đất Mường 2”, Hiếu Mường tiếp tục nhận được sự giúp đỡ về chuyên môn của hai nghệ sĩ có uy tín lớn là nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải.
“Đất Mường 2” – cũng là hoạt động của Asia Art Link lần thứ 4 – là một chương trình sáng tác nghệ thuật kéo dài trong 10 ngày, với sự tham dự của khoảng 80 người, gồm các nghệ sĩ ASEAN (Việt Nam, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia) cùng các nghệ sĩ khách mời đến từ Mỹ, Ý, Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Mông Cổ, Đài Loan… Họ sẽ lưu trú, sinh hoạt và sáng tác trong khuôn viên bảo tàng, cách trung tâm TP. Hòa Bình 7km; ở đó họ vẽ tranh trong các nhà sàn, làm điêu khắc và sắp đặt ngoài trời trên một diện tích rộng hơn 1,5ha, với các vật liệu tự nhiên có sẵn ở địa phương (đất, đá, gỗ…) và với sự hỗ trợ về nhân lực từ bảo tàng cũng như từ các tình nguyện viên là cư dân trong vùng.
Song song đó, bảo tàng sẽ tổ chức những chuyến dã ngoại vào các bản làng người Mường để các thành viên trại sáng tác có dịp tìm hiểu về nền văn hóa bản địa, tạo xúc tác cho mối quan hệ giữa nghệ sĩ với cộng đồng dân cư địa phương, đem lại tính tích cực cho quá trình trao đổi văn hóa vùng miền và tăng cường nhận thức của người dân về hoạt động văn hóa – nghệ thuật đương đại. Ngoài ra, các nghệ sĩ sẽ dự nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, trình chiếu tác phẩm hoặc giới thiệu về nghệ thuật của bản thân và dân tộc…
Kết thúc trại sáng tác năm nay, tác phẩm của các nghệ sĩ sau khi được trưng bày tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, bắt đầu từ ngày 27-10 sẽ tiếp tục được giới thiệu với công chúng rộng rãi tại hai địa điểm ở thủ đô là cà phê sách Trung Nguyên tại Thư viện quốc gia (52 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm) và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (418 La Thành, Q. Đống Đa).
Những mục tiêu mà dự án “Đất Mường” hướng đến, theo họa sĩ Vũ Đức Hiếu là biến trại sáng tác thành một hoạt động thường xuyên để Mường Studio sẽ trở thành một điểm đến về nghệ thuật đương đại ngay tại Hòa Bình, nhờ đó thúc đẩy phát triển văn hóa và du lịch tại địa phương, đặc biệt là nền văn hóa Mường cổ có thêm cơ hội hồi sinh trong những hoạt động nghệ thuật đương đại.
(*) Được khởi xướng bởi hai họa sĩ Trịnh Tuân (Việt Nam) và Ng Bee (Malaysia) từ 2007, Asia Art Link tổ chức các sự kiện nghệ thuật thường niên cho nghệ sĩ các nước ASEAN nhằm tăng cường giao lưu nghệ thuật, kết nối với những hoạt động nghệ thuật trên thế giới.
- Y Chiêu