Đã nhiều thập niên trôi qua, thế nhưng giới mộ điệu sân khấu chỉ cần nghe đến những cái tên đã trở thành “biểu tượng” của sân khấu như Lá sầu riêng, Trà hoa nữ, Lan và Điệp thì sẽ nghĩ ngay đến NSND Kim Cương, “kỳ nữ”, “đào bi”, đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả.
Bà cũng là một trong những người mở đường cho sân khấu kịch nói miền Nam với mục tiêu nghệ thuật phải chạm đến cuộc sống chứ không đơn thuần là diễn xuất. Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật, nữ nghệ sĩ đã nếm trải đủ hạnh phúc, vinh quang lẫn cay đắng, nghiệt ngã của kiếp người. Những mảnh ghép chân thật nhất về cuộc đời đã được bà trân trọng hồi tưởng và ghi lại trong cuốn hồi ký “Sống cho người, sống cho mình”, một cuốn sách với nhiều tư liệu quý về lịch sử, nghệ thuật cải lương, kịch nói, qua những câu chuyện nghề và cuộc sống của nữ nghệ sĩ, vừa ra mắt công chúng ngày 10-5. sách do công ty văn hóa phương nam hợp tác xuất bản và phát hành.
Rời sân khấu nghệ thuật đã lâu, vì sao bà lại chọn thời điểm này để ra mắt cuốn hồi ký? Hình như bản thảo đã được khởi động từ cách đây 10 năm?
Từ trước năm 1975, tôi đã làm vài chương nhưng lại bỏ dỡ giữa chừng. Cách đây 10 năm, tôi và nhà văn Đào Hiếu cũng ngồi lại muốn viết tiếp nhưng vì vài lý do ngoài ý muốn nên chưa thể hoàn tất, cho đến khi tôi gặp những anh em bên Phương Nam Book. Ở những năm “chiều tà bóng xế”, khi không còn đứng trên sân khấu nữa, tôi nghĩ mình có thể thoải mái sống mà không phải lo nghĩ đến những ân oán, thị phi. Đây cũng là dịp để tôi nhìn lại cuộc đời mình, tuy có những gai góc, khổ sở nhưng cái được lại quá nhiều. Vậy là tôi có động lực để hoàn tất cuốn hồi ký như một cách để tri ân gia đình, cha mẹ, những người đã dìu dắt tôi vào con đường nghệ thuật, cũng như những khán giả đã yêu thương và ủng hộ tôi suốt thời gian qua.
Tôi cảm ơn những người bạn, những người em đã hết lòng giúp tôi ghi chép lại thành quyển hồi ký tinh gọn và cô đọng này, đó là nhà văn Đào Hiếu, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà thơ Ngô Hạnh và các em Tạ Nguyên Tấn Trương, Thu Thủy, Trần Thị Nhiễu… Cảm ơn họ đã hai năm đồng hành, cùng khóc cười với tôi trong suốt quá trình làm quyển hồi ký này.
Những hồi ức của mấy chục năm gói gọn trong 400 trang sách là nhiều hay ít?Những nội dung nào là quan trọng đối với bà đã được chuyển tải trong cuốn hồi ký này?
May mắn được sống và đi qua những giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, những điều tôi đã thấy, đã trải nghiệm là quá nhiều, nếu viết hết chắc chắn không thể đủ trong mấy trăm trang sách. Tuy nhiên, tôi hài lòng với quyển sách này. Tất cả những gì công chúng quan tâm về tôi đã được sắp xếp trong bốn phần, gồm “Tuổi thơ nghiệt ngã”, “Sân khấu và Cuộc đời”, “Những con người trong đời” và “Sống và Yêu”.
Đây không chỉ là bức tranh đầy đủ nhất về chân dung Kim Cương, mà còn là lời nhắn nhủ, chia sẻ những kinh nghiệm tôi đã đúc kết trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật. Tôi mong rằng qua cuốn sách này, các bạn trẻ hiểu rằng sân khấu không chỉ có hoa hồng mà còn rất nhiều chông gai, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hy sinh, thậm chí là trả giá rất đắt.
Cái giá rất đắt đó có phải là những đau khổ được bà nhắc đến trong các trang hồi ký lần này?Đây cũng là lần đầu tiên Kim Cương chia sẻ chuyện tình yêu, một vấn đề bà ít đề cập trên báo chí suốt nhiều năm qua.
Tôi sinh ra trót đã mang cái nghiệp gắn liền với sân khấu, tựa như máu chảy trong huyết quản, như hơi thở sự sống.Đó là định mệnh chứ không còn là sự lựa chọn nữa. Và tôi gần như đã dành trọn cuộc đời để mang đến niềm vui, nỗi buồn cho khán giả, chỉ có những đau khổ nghiệt ngã trong tình yêu là thứ duy nhất tôi muốn giữ lại cho mình. Thế nhưng, khi đã đặt bút viết hồi ký để tri ân mọi người mà còn giấu chuyện này chuyện kia, tôi nghĩ điều đó không công bằng với khán giả. Thế nên tôi quyết định chia sẻ trong cuốn hồi ký những gì thật nhất về mình, cả trong chuyện tình yêu.
Với một tâm hồn nhạy cảm, tôi đã sống và yêu hết mình, đã nhiều lần hy vọng và cũng quá nhiều lần thất vọng. Đặc biệt, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi đã đau khổ đến tận cùng, thậm chí nghĩ đến việc tự tử. Thật may sau cùng tôi đã hiểu được nguyên nhân vì sao mình khổ, đơn giản là vì mình mong muốn quá nhiều thứ. Phần lớn những người thành công trong nghệ thuật thường thất bại trong hôn nhân, bởi họ không có nhiều thời gian để dành cho những người đã trót thương mình. Tôi đã chọn làm một viên kim cương tỏa sáng trên sân khấu thì không thể cứ bắt người khác ẩn nhẫn chờ đợi, bao dung mình. Đến những năm tháng cuối đời, dưới sự soi sáng của Phật pháp, tôi dừng lại những đau khổ để sống với những gì mình có, tận hưởng những ngày hạnh phúc bên con cháu và tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Vậy còn gì để băn khoăn nữa mà không sẵn lòng chia sẻ để bức chân dung Kim Cương được trọn vẹn nhất.
Trong cuốn hồi ký, bà cũng nhắc đến quyết định rời sân khấu cải lương khi đang nổi tiếng để thành lập một đoàn kịch nói khi bộ môn nghệ thuật này còn xa lạ với khán giả.Đây có phải là quãng thời gian thử thách nhất trong sự nghiệp của bà để tìm cái đẹp đích thực trong nghề diễn?
Hai mươi tuổi, bỏ cải lương đang thời hưng thịnh đi mở sân khấu kịch, tôi đã đối mặt với muôn vàn thử thách, từ việc không có kịch bản, không có diễn viên, không có vốn liếng, đến việc khán giả lúc bấy giờ chẳng quan tâm nhiều đến bộ môn này. Tôi phải cảm ơn tuổi trẻ của mình, nó đã cho tôi đủ năng lượng và đam mê để vượt qua khó khăn, giúp tôi tìm thấy con đường nghệ thuật đích thực mà mình muốn theo đuổi.
Với tôi, hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ không phải là những tràng pháo tay hay những bó hoa, mà là sự đồng cảm của khán giả. Đến nay, tôi vẫn thường nhắc nhở những nghệ sĩ trẻ, trách nhiệm của người nghệ sĩ nặng nề lắm, đừng chỉ làm những vở diễn để mua vui mà phải đầu tư nghiêm túc để nó trở thành nghệ thuật làm đẹp cho đời, chạm đến mọi ngõ ngách của cuộc sống và lay động trái tim của khán giả. Sân khấu với tôi không còn là sàn diễn nữa, mà là cái đạo dẫn dắt con người, mà nghệ sĩ như tôi chính là những kỹ sư tâm hồn.
Một cuốn sách có quá nhiều người chấp bút, làm thế nào để có thể giữ được phong cách và ngôn từ của Kim Cương trong quyển hồi ký này?
Dù có một ê-kíp với những nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng nhưng tôi đã xin phép họ hãy giữ đúng giọng văn của mình trong cuốn hồi ký, vì tôi muốn gửi đến khán giả một Kim Cương nguyên vẹn theo đúng cảm xúc mà tôi có. Sẽ có một vài chỗ lủng củng trong cách hành văn nhưng đó mới là Kim Cương.
Những kế hoạch tiếp theo của bà sau khi ra mắt cuốn hồi ký này?
Theo kế hoạch, số tiền bán sách sẽ dành để mổ mắt cho 100 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể do Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM cung cấp. Tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc vận động giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, bên cạnh đó là vận động lắp đặt máy xử lý nước sạch cho bà con ngư dân ở các tỉnh miền Trung.
Hiện nay, cũng có lời mời tôi thực hiện bộ phim chân dung dựa theo quyển hồi ký này nhưng tôi chưa nhận lời. Nếu làm phim, tôi không muốn làm theo kiểu “mì ăn liền” vội vã, phải thật sự nghiêm túc và không ảnh hưởng đến những gì tốt đẹp tôi muốn gửi đến công chúng đã yêu mến tôi qua hồi ký của mình.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị này.