Khi còn học ở trường trung học Pháp (Lycée Yersin) ở Đà Lạt vào những năm 50, tôi mê nhạc Jazz, rất thích khiêu vũ theo nhịp điệu Be Bop. Những thần tượng nhạc Jazz đối với thanh niên Sài Gòn thời đó là Louis Amstrong, Miles Davis, Duke Ellington, Sydney Bechet, Benny Goodman…
Tôi chỉ có cơ hội nghe các tay kèn Việt Nam thổi sau 1975. Đầu tiên là tay “trompette” Cao Phi Long, một mình một chợ ở phòng trà Maxim những năm 80. Bên cạnh anh còn có cây “violon” Đan Thọ. Sài Gòn có bốn tay kèn cũng là bốn anh em được nhiều người biết tiếng và mến mộ: Hưng, Hoan, Hiếu, Hải. Chỉ có Hưng chơi “clarinette” trước 1975 hàng đêm làm say mê khách quen thuộc của vũ trường Champagne, còn lại ba người em Hoan, Hiếu, Hải đều chơi Saxo. Hoan – người thứ hai trong bốn anh em – đã từng làm sống lại phong trào nghe nhạc Jazz khi anh chơi tại Buffalo Blue Club ở đường Nguyễn Du những năm 1991-1992. Cùng chơi với anh tại đây còn có cây guitar Việt kiều Trung Nghĩa, đầy cảm hứng. Đáng buồn là cả ba người anh lớn đều lần lượt qua đời, chỉ còn lại người em út là Hải đang cộng tác với Cẩm Vân – Khắc Triệu tại Vũ trường Tự Do hiện nay.
Một tay kèn Saxo loại gạo cội ở Sài Gòn còn sót lại là Lê Tấn Quốc, chồng cũ của ca sĩ Họa Mi, nay hằng đêm biểu diễn tại Piano-Bar của Nhà hàng Thanh Niên cùng với nữ nghệ sĩ Tuyết Loan chuyên hát nhạc Jazz số 1 ở Việt Nam hiện nay.
Món Jazz trước đây là “hàng độc” của Sài Gòn, thừa hưởng ảnh hưởng của Mỹ và các nhóm nhạc rất đông đến từ Philippines. Các tay kèn Sài Gòn tự học và phát triển trong môi trường đó. Trong những năm gần đây, khi mà giới chơi (và nghe) nhạc Jazz ở Sài Gòn có phần giảm đi thì Hà Nội lại bắt đầu hào hứng với cái món này. Những tay kèn của Hà Nội đều trẻ, học hành đàng hoàng. Nổi trội lên thành “sao” là trường hợp của tay kèn Saxo Trần Mạnh Tuấn.
Cách đây hơn một tháng, tôi được chứng kiến tại Piano-Bar Nhà hàng Thanh Niên cuộc “song tấu” lần đầu tiên giữa hai cây Saxo của hai thế hệ với hai phong cách tương phản nhau: Lê Tấn Quốc và Trần Mạnh Tuấn. Thật là một đêm hạnh phúc cho người yêu nhạc. Tấn Quốc đứng trụ một chỗ như một bức tượng cao lớn; phong cách của anh chơi nhạc là thế. Sức sống và sự sáng tạo của anh dồn nén từ bên trong.
Từ khi không nhìn được cuộc đời bằng đôi mắt, dù có đi nhiều nước để chữa trị, anh đã dồn cả tâm hồn vào tiếng kèn. Còn Mạnh Tuấn là sức sống của tuổi trẻ, anh thổi vào cây kèn cả… con người anh. Khi anh thổi, hình như không có phần cơ thể nào là “đứng ngoài”. Cái đam mê của Tuấn bộc lộ ra trọn vẹn, cháy bỏng. Sự kết hợp giữa hai con người và hai phong cách làm nên một cuộc trình diễn độc đáo và hết sức thú vị.
Lê Tấn Quốc gắn liền mình với dàn nhạc, còn Mạnh Tuấn là nghệ sĩ biểu diễn solo.
____
Tuấn nghĩ gì về các đồng nghiệp ở TP.HCM?
Các nghệ sĩ Saxo trong này có môi trường sôi động hào hứng để thi thố như một cầu thủ có nhiều sân thi đấu. Nhưng thường là chơi với kinh nghiệm tích lũy, với sự cảm hứng, hơn là xuất phát từ học hỏi kỹ thuật ở trường lớp. Theo tôi tay kèn xuất sắc nhất mà tôi từng gặp chính là anh Hoan. Anh Hoan từng chơi ở Buffalo Blue Club. Anh nói với tôi: “Kỹ thuật của cậu rất tốt nhưng cậu nhớ phải thổi vào tiếng kèn cả tâm hồn mình. Tiếng kèn của anh Quốc rất tình cảm. Có lẽ ở trong tiếng kèn của anh còn chứa sự mất mát của riêng anh”.
____
Lê Tấn Quốc có nhận xét gì về anh không?
Anh Quốc rất ít nói. Tôi nhớ có lần anh nhận xét khi trả lời phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng: đây là tiếng kèn có học. Thế thôi.
Tôi không nhớ ở Sài Gòn trước năm 1975, có những sự xuất hiện trên sân khấu kiểu như Trần Mạnh Tuấn – Thanh Lam hay Trần Mạnh Tuấn – Hồng Nhung hay không. Khi ra nước ngoài, hình như nhạc sĩ Văn Phụng cũng là một tay kèn nổi tiếng thời ấy có biểu diễn chung với vợ là ca sĩ Tâm Vấn. Nhưng ở sân khấu Việt Nam, sự xuất hiện của một nghệ sĩ chơi kèn Saxo bên cạnh một ca sĩ có lẽ là “chiêu” riêng của Trần Mạnh Tuấn.
Tôi cứ bị ám ảnh là làm thế nào đưa hồn dân tộc vào Jazz như một thứ “World Music” hiện đại
____
Sáng kiến kết hợp nghệ sĩ kèn với ca sĩ, xuất phát từ đâu?
Có lẽ do được xem tay kèn Saxo Kenny G biểu diễn chung với ca sĩ Micheal Bolton.
Anh đã từng kết hợp với những tiếng hát nào?
Đầu tiên với Thanh Lam, sau đó với Hồng Nhung và Trần Thu Hà.
Anh cho những xét thật ngắn về ba nữ ca sĩ này khi biểu diễn cùng anh.
Thanh Lam là sự cháy bỏng và khát khao. Trần Thu Hà là đầy chất ngẫu hứng (Jazz), còn Hồng Nhung là sự uyển chuyển đẹp đẽ. Với Hồng Nhung, chúng tôi còn có cùng một đam mê đó là âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Sự bất ngờ là Tuấn đã sinh ra trong một gia đình… cải lương. Dĩ nhiên là cải lương ở miền Bắc (nhưng vẫn phải hát bằng giọng miền Nam). Biết chơi nhiều nhạc cụ dân tộc, đặc biệt đàn kìm. Nhưng khi lên 9 tuổi, cậu bé Tuấn lại tình cờ nghe một thứ kèn mà cậu mê tít, nhưng không biết đó là kèn gì và nghệ sĩ nào chơi. Cậu bé tưởng tượng ra bằng cách dùng cái… cán chổi đưa lên miệng thổi như thổi kèn. Nhiều năm sau, Tuấn mới biết đó là tiếng kèn Saxo và nghệ sĩ mà cậu bé được nghe khi ấy là Trần Vĩnh. Tuấn đi học trường âm nhạc và chọn… kèn Saxo.
____
Anh tiếp cận với Jazz quốc tế như thế nào? Dường như anh có đi học kèn Saxo bên Mỹ phải không?
Sự tiếp cận với Jazz quốc tế đầu tiên vào năm 1991, đó là thời kỳ Việt Nam mở cửa. Tốp nhạc Trio Jazz của Pháp có tên “Oui Oui Oui” sang Việt Nam biểu diễn tại Alliance Francaise ở Hà Nội. Sau đó, họ ở lại Hà Nội vài tuần để dạy nhạc Jazz cho một số nhạc sĩ Việt Nam. Tôi là một trong những người được chọn. Đến năm 1995, mình được sang Mỹ học ở Berklee College (Boston) nơi đào tạo số một về nhạc đương đại.
Tôi chỉ sống bằng âm nhạc. Tôi không chạy sô tùm lum mà chọn lọc khá kỹ để giữ được sự hào hứng khi bước ra sân khấu
____
Cái vốn âm nhạc dân tộc hồi nhỏ có ảnh hưởng gì với thứ âm nhạc rất phương Tây như Jazz?
Tôi cứ bị ám ảnh là làm thế nào đưa hồn dân tộc vào Jazz như một thứ “World Music” hiện đại mà những nước như Pakistan và Ấn Độ đã từng làm. Tôi cũng thấy ở âm nhạc Phật giáo có cái gì đó mà Jazz có thể xâm nhập vào. Tôi rất thân quen các thầy trụ trì chùa Hương, chùa Thầy và chùa Vĩnh Nghiêm.
Đến đó để nghe các nhà sư tụng và tán, một thứ âm nhạc kỳ diệu và huyền bí, luôn thu hút tôi. Tôi đã chứng kiến tại Chùa Viên Giác ở TP.HCM từng tập hợp 100 nhà sư tụng và tán. Tôi có thu băng. Đây là thứ âm nhạc mà tôi nghĩ có khả năng hiện đại hóa. Tôi tưởng tượng mình được thổi Saxo cùng với 100 nhà sư tán và chơi những nhạc cụ riêng của các vị, âm thanh vang vọng vào vách đá chùa Hương.
Từ năm 9-10 tuổi mê thứ kèn mà chưa từng được thấy, cho đến khi sang học tại Berklee College, Tuấn chỉ say mỗi cây kèn Saxo. Mê quá anh không chỉ chơi nhạc cụ này mà còn bỏ công bỏ của để sưu tầm cả chục cây kèn Saxo loại quý hiếm, có cái đã 70 hay 100 tuổi nhưng vẫn phát ra một thứ âm thanh tuyệt vời.
____
Biểu diễn âm nhạc đã mang lại cho anh một cuộc sống sung túc, có cả ô tô đời mới. Hay là anh có làm ăn gì khác?
Tôi chỉ sống bằng âm nhạc. Tôi không chạy sô tùm lum mà chọn lọc khá kỹ để giữ được sự hào hứng khi bước ra sân khấu và đồng thời có thời giờ rảnh rỗi để sáng tác. Tôi có thể nói chi tiết cho anh biết nhưng sô tôi lấy khá cao. Nhưng khi hứng thú thì tiền chẳng nghĩa lý gì. Các công ty nước ngoài tổ chức các sự kiện của họ có nơi đã trả tôi hai bản… 1.000 USD. Dĩ nhiên đó không phải là chuyện mỗi ngày.
Vâng, chơi nhạc vẫn có thể mua ô tô chứ! Nếu các CD của tôi không bị in sang lậu, tôi sẽ có thu nhập mỗi CD 40-50.000 USD. CD nhạc không lời mà bán chạy như CD “Về quê” của tôi là rất hiếm. Nó thành công ngang với những CD của các ca sĩ “ăn khách”. Ngay trong tháng đầu, “Về quê” bán 10.000 CD. Nhà nước làm thế nào triệt hạ được tệ nạn in sang đĩa lậu thì đời sống của nghệ sĩ và giới kinh doanh ca nhạc sẽ phất lên ngay.
TP. HCM là một thành phố trẻ, là nơi dành cho những ai muốn lập nghiệp, nơi mà tất cả những ai cố gắng làm việc, có đầu óc sáng tạo trước sau gì cũng thành công
____
Nghe nói anh có kế hoạch lao vào kinh doanh… âm nhạc bằng cách mở một Club Jazz?
Thông tin ấy là đúng nhưng bảo rằng tôi có ý định kinh doanh khi mở Club Jazz là chưa chính xác. Cái Club Jazz tôi định mở có tên Sax “N” Art kỳ thật là một sân chơi nhạc Jazz cho tôi và các học sinh của tôi. Tôi muốn tạo ra một chỗ chơi Jazz hơn là một chỗ để kiếm tiền. Nhưng dĩ nhiên làm thế nào không lỗ lã vẫn phải tính đến. Tôi rất bức xúc vì một thành phố lớn và hiện đại như thế này mà không có một nơi thường xuyên biểu diễn nhạc Jazz. Đó cũng là lý do tôi mở ra Club này. Có lẽ phải chờ thêm vài tháng thì mới có thể khai trương.
____
Anh và vợ con vào đây sống từ bốn năm nay. Điều gì quyết định anh chọn TP. HCM để định cư?
Cũng dễ hiểu thôi. Tôi là một người trẻ, TP. HCM là một thành phố trẻ, có nhịp sống nhanh và cũng là nơi tiếp cận với những gì hiện đại. TP.HCM là nơi dành cho những ai muốn lập nghiệp, nơi mà tất cả những ai cố gắng làm việc, có đầu óc sáng tạo trước sau gì cũng thành công. Với nghệ sĩ, TP.HCM còn là một thị trường có công chúng rộng lớn, người nghệ sĩ có thể sống với nghề. Sống ở Hà Nội hay ở Sài Gòn, đều là quê hương. Nơi nào phù hợp với công việc của mình, kích thích sự sáng tạo của mình thì nơi đó tốt nhất. Tôi đã từng đi đây đi đó trên 30 nước.
____
Một câu hỏi hơi tò mò. Trong môi trường có nhiều phụ nữ đẹp, làm sao anh giữ được sự chung thủy với vợ mình. Anh có bí quyết gì không?
Đúng là phụ nữ đẹp có một sức quyến rũ dữ dội. Khi chưa lấy vợ, mình thuộc loại bị cho là lăng nhăng. Phụ nữ như một bản nhạc lạ để khám phá. Nếu nhìn một phụ nữ đẹp mà không rung động thì coi như “đóng gói”! Nhưng khi đã có gia đình rồi thì phải dừng lại. Đôi khi phải đấu tranh gay go với chính mình …
Trần Mạnh Tuấn hẹn với tôi sẽ có một đêm tái ngộ với Lê Tấn Quốc. Một buổi chơi nhạc như thế làm Trần Mạnh Tuấn hào hứng gấp mấy lần một buổi biểu diễn mang lại cho anh một cát sê… ngàn USD.