Căn nhà nhỏ yên bình có hàng cây mướt xanh nằm khuất sâu trong căn hẻm – yên tĩnh đến có thể nghe được cả tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm – với cách bài trí đơn giản và tinh tế là tổ ấm của hai vợ chồng đều là doanh nhân.
Chị Lê Hải Liễu trông thật đáng yêu với chiếc bụng bầu vượt mặt và nụ cười hạnh phúc. Khó có thể gọi tên những cảm xúc khi đối diện người đàn bà xinh đẹp mang tên loài cây mềm mại với tóc thề xõa ngang vai như một nữ sinh. Trong chị có rất nhiều điều trái ngược. Mạnh mẽ, quả quyết, tự chủ, làm gì là làm bằng được, luôn lấy hiệu quả là hàng đầu, nhưng lại có một trái tim đa cảm, giàu tình thương.
Nét cuốn hút vừa thơ trẻ, vừa già dặn, vừa duyên dáng, vừa chân thành, chị chinh phục người khác không phải bằng sự thành đạt, nổi tiếng, mà chính bằng ngọn lửa đam mê lúc nào cũng hừng hực. Nếu chị Liễu là lửa thì anh Lê Như Ái – Giám đốc Công ty Sapuwa – là nước. Trầm tĩnh, bao dung đến độ… bất thường, ở anh luôn toát ra một sự tinh khiết.
Tinh khiết cả trong cách nghĩ, cách làm, cách sống. Có lẽ chính vì thế mà anh đã chinh phục được “người đàn bà đi khắp thế gian” (tựa đề một bài báo mà chị Liễu rất thích). Là người khai sinh nhiều “cái đầu tiên”, như khai sinh ra cụm từ “nước uống tinh khiết” là tên của công ty mình, để rồi trở thành trào lưu của thời hiện tại, và cả thì tương lai trong việc dùng nước.
Khai sinh ngành kinh doanh nước uống tinh khiết, cũng là để khai sinh một cung cách làm ăn mới chất lượng, bài bản, mang cung cách toàn cầu, để bảo tồn và phát triển một thương hiệu Việt nối đời. Đêm cuối năm như dài bất tận với cuộc trò chuyện của ba chúng tôi về cuộc đời, về tình yêu… Câu chuyện của chúng tôi lại bắt đầu từ… người cha.
____
Giới doanh nhân Sài Gòn biết nhiều giai thoại về thân sinh của chị Liễu là ông Lê Ba với Hãng dệt nhuộm Tô Châu và những câu chuyện biến gỗ thải thành vàng. Trong thâm tâm, chị có coi cha mình là “người hùng”?
Tôi thừa hưởng của cha tất cả những đức tính cần có của một doanh nhân, một bản lĩnh sống mạnh mẽ, sức sáng tạo và khả năng nhìn xa trông rộng. Với tôi, ông vừa là thần tượng, vừa là người chia sẻ tất cả những khó khăn, vừa là chỗ dựa tinh thần và tình cảm. Tôi còn nhớ mãi ấn tượng thuở ấu thơ, nhìn cha trong xưởng dệt rộng lớn giữa bao nhiêu con người, tôi thầm mong có ngày mình sẽ được như cha.
Chuyện gì cũng vậy, khi ông đã lao vào là phải quyết làm bằng được. Như chuyện làm xưởng dệt, từ chỗ không biết gì, cha tôi tìm mọi cách nghiên cứu các phương pháp nhuộm, dệt dân gian, để phối màu, giữ màu… Hay như chuyện nhân giống cá trê phi, cha tôi chế cả máy đếm cá, trở thành người khởi xướng và làm giàu bằng nghề nhân giống.
Và bây giờ là chuyện “phiêu lưu” với việc khám phá kỹ thuật ngâm, tẩm, ép gỗ cao su, với những chuyến đi nước ngoài tìm các bí mật về kinh doanh gỗ mà cứ y như hoạt động… tình báo! Sau ngày giải phóng, cha tôi trở thành người “vô sản” khi hiến toàn bộ tài sản cho Nhà nước, kể cả những súc vải cuối cùng mà mẹ tôi để dành may áo cho con.
Cuộc đời ông là một sự bắt đầu liên tục, chinh phục đỉnh cao liên tục, tay trắng làm nên cơ đồ, lấy uy tín làm vốn. Nhưng bài học lớn nhất từ cha tôi lại chính là tấm lòng. Chỉ cần tôi chậm chi lương cho công nhân một ngày thì cha tôi đã không hài lòng: “29 ngày họ dạ mình rồi, chỉ có một ngày mình dạ họ, cố gắng không để chậm trễ, dù phải vay nóng, mượn tiền lãi suất cao…”.
Lần khác lo tiền Tết cho anh em xong mà chưa kịp phát quần áo, ông la rầy quá mức khiến tôi ức đến phát khóc: “Con có mỗi đứa con gái mà giờ này vẫn chưa mua nổi cho nó một cái áo mới, cha có biết không?”. Khóc rồi, mới biết mình sai. Ông đã dạy tôi biết trọng những người đồng vai sát cánh với mình, luôn nhớ rằng không có mọi người thì không có mình, để từ đó mà “cùng làm, cùng hưởng, cùng chịu”. Cả đời ông là nhân chứng sống cho chân lý: Không có việc gì khó, hãy biết chấp nhận sóng gió, chấp nhận thử thách, để luôn cầu tiến, luôn học hỏi…
____
Tuổi 16 đầy khát vọng, chị đã quyết định vào quân ngũ, giữa lúc chiến trường Tây Nam đang diễn ra ác liệt. Chị có nghĩ rằng mình thành đạt nhờ… đời lính?
Quãng đời lính tuy ngắn ngủi nhưng đã cho tôi nhiều cảm nhận về giá trị cuộc đời. Tôi chỉ nghĩ đơn giản nơi gian khổ nhất chính là nơi mình phục vụ Tổ quốc nhiều nhất. Những tháng năm ở bộ đội, ăn khoai lang khoai mì, cực khổ vô cùng, nhưng tôi quyết tâm tự học và trở thành sinh viên trường kinh tế khi rời quân ngũ. Sau đó sang du học tại Đức, vừa học theo chương trình đào tạo từ xa, vừa kiêm luôn quản lý nhà hàng, đầu bếp, một nách lo cho chồng và nuôi con nhỏ. Khi công việc làm ăn đang rất phát đạt, tôi lại quyết định trở về nước.
Tôi cùng với cha bỏ tiền đi khắp các nước tiên tiến để học kỹ thuật, thanh lý cho được cây cao su, biến loại gỗ phế thải tưởng chừng bỏ đi trở thành hữu ích, với thế mạnh của các sản phẩm dùng trong gia đình mang tính thẩm mỹ cao. Cây cao su qua thương hiệu Đức Thành đã được sống trọn vẹn đời mình. Những chuyến đi hội chợ liên miên đã giúp Đức Thành tìm được thị trường xuất khẩu mạnh, đến hơn 30 nước kể cả Mỹ, vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế khu vực.
Còn nhớ lúc ấy do mới gầy dựng phải vay nợ nhiều với lãi suất cao nên Đức Thành nợ ngập đầu. Tôi được cha giao quyền từ khi mới 32 tuổi, chưa có nhiều hiểu biết về gỗ. Ban đầu nản lắm, làm việc toàn với đàn ông, bị họ nhìn với nửa con mắt, lại bụi bặm, nắng nôi kinh người, đi lại xa xôi, nợ nần chồng chất… Nhưng tính tôi vốn bướng bỉnh, càng bị người ta coi thường mình càng nỗ lực học hỏi. Từ chỗ làm quen máy móc, quy trình sản xuất, đến việc đem sản phẩm đi dự các hội chợ, tìm đối tác… Dần dần mình làm cho chính cộng sự phải ngạc nhiên.
Tôi thừa hưởng của cha tất cả những đức tính cần có của một doanh nhân, một bản lĩnh sống mạnh mẽ, sức sáng tạo và khả năng nhìn xa trông rộng.
____
Mấy năm trước nhiều người cho rằng chị là một trong những tấm gương xuất sắc về tinh thần của các doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Lý do nào khiến chị từ chối ứng cử đại biểu Quốc hội, dù đã được sự tín nhiệm của Hiệp hội Công thương TP.HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM?
Mình e rằng nếu được đắc cử, sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, sẽ phụ lòng tin tưởng của nhân dân và các cấp lãnh đạo. Lo việc làm cho 500 công nhân, lo cho gia đình đã đốt sạch quỹ thời gian và sức lực của mình. Đó quả thật là một sự hy sinh lớn với mình, nhưng mình tự nhủ: Hãy biết hoàn thành những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất cho những người gần gũi nhất trước đã.
____
Nghề kinh doanh đồ gỗ theo chị cần có những yếu tố gì để thành công?
Kinh doanh nào cũng thế thôi, đều cần sự trung thực, công bằng, có lòng nhân ái. Phải quản lý tốt con người, mới mong quản lý được chất lượng sản phẩm. Đức Thành có được hôm nay chỉ nhờ một con đường: uy tín! Với cam kết làm đúng những gì đã hứa, chia sẻ với khách hàng khi gặp khó khăn, khủng hoảng.
Ngành gỗ khá đặc biệt, bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, đồng bộ, luôn thay đổi mẫu mã, luôn gắn kết với nhịp thở của đời sống, và cần nhất là lương tâm. Trong điều kiện xuất khẩu khó khăn, nhất là thị trường Mỹ, Đức Thành vẫn có được hợp đồng lớn, ổn định, dù lời không cao… chính là nhờ chất lượng ổn định. Sắp tới, Đức Thành đang chuẩn bị mở rộng mặt hàng gỗ gia dụng ngoài trời.
____
Xin được trao đổi một chút với anh Ái về chuyện làm ăn. Nước uống tinh khiết Sapuwa sau 12 năm thành lập, tham gia vào thị trường cạnh tranh quyết liệt mà anh vẫn giữ được giá bán không thay đổi, chắc hẳn phải có bí quyết gì đó?
Tôi đã trải qua hai năm lỗ lã liên tục chỉ để xây dựng cho được con người và kỹ thuật tiên tiến, dịch vụ tiên tiến. Một câu hỏi bức xúc đặt ra với tôi là tại sao cũng những con người đó, khi vào làm một công ty đa quốc gia, lại phát huy được năng lực của mình nhiều hơn là một công ty trong nước? Chính vì thế mà tôi hoàn toàn chủ động trong việc xây dựng đội ngũ trong môi trường cạnh tranh quyết liệt, đào tạo lại, bổ sung kiến thức thực tế cho đội ngũ những người chịu trách nhiệm về một sản phẩm sạch.
Tất cả những thiết bị hiện đại, nhà máy sạch trị giá hàng mấy chục ngàn USD, nhưng nếu không có những con người chuyên nghiệp và một “tinh thần sạch”, thì không thể tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được Tổ chức quốc tế SGS (Thụy Sĩ) công nhận tại Việt Nam: “Thực phẩm chất lượng và an toàn”, là doanh nghiệp đầu tiên gia nhập Hiệp hội Nước uống thế giới (IBWA) với tư cách là đại biểu quốc gia.
Trong công ty tôi tất cả đều nhất quán phương châm “ba sạch”: “Con người sạch sẽ”, đoàn kết với nhau, sống có văn hóa, không trù dập thù ghét, cởi mở… Người nào dù tài giỏi mấy mà không “sạch” tôi cũng mời đi hết. Nhà xưởng sạch sẽ để làm ra sản phẩm sạch.
Khuynh hướng của Sapuwa là giá bán càng ngày càng phải thấp hơn để phục vụ người tiêu dùng. Không chỉ thế, Sapuwa còn là nơi tiên phong trong dịch vụ “giao hàng tận nhà”, “giao hàng qua điện thoại”, cùng những dịch vụ chăm sóc khách hàng một cách bài bản và luôn đổi mới sáng tạo để làm hài lòng khách.
Hiện Sapuwa là sản phẩm nước uống độc quyền cho tám hãng máy bay trong và ngoài nước, hầu hết các công ty dầu khí và rất nhiều công ty nước ngoài làm việc tại TP.HCM… Các hợp đồng này cũng được ký kết trong điều kiện hết sức “tinh khiết”, không mờ ám, không trên các bàn nhậu, mà đa số do khách hàng tự tìm tới.
Thương trường quá nhiều sóng gió nên muốn có một mái ấm bình yên.
____
Nghe nói khi Sapuwa gặp khó khăn, đã có nhiều đơn vị nước ngoài muốn liên doanh, và đề nghị anh bỏ chữ “Made in Vietnam”, nhưng anh kiên quyết chối từ?
Lúc ấy, cả nước tràn ngập hàng ngoại nhập. Nhưng ngay từ khi bước vào kinh doanh tôi đã muốn khẳng định tính dân tộc trong sản phẩm của mình và từ đó tới nay tôi luôn trung thành với phương châm đó. Tôi muốn làm ra một sản phẩm mà người Việt có thể tự hào, vì nó hoàn toàn của người Việt Nam lại đủ sức chinh phục tất cả những người nước ngoài.
Trong công ty tôi, dù khách hàng là người nước ngoài đi xe ô tô, mặc veston, hay một chị đi xe đạp với quần đen nón lá, đều được tiếp đãi ngang nhau… Quan trọng nhất với tôi là phải tiếp sức, truyền lửa liên tục đến mọi người, thông qua các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên… Cuộc đời tôi khó khăn có, buồn đau có, nhưng tôi khá may mắn trong kinh doanh. Sau hai năm đầu lỗ lã, Sapuwa liên tục tăng trưởng.
____
Cả hai vợ chồng đều là giám đốc, anh chị đã phải chuẩn bị thế nào cho sự ra đời của một đứa con?
Chị Lê Hải Liễu (LHL): Thực sự tôi đã phải chuẩn bị cho đứa con thứ hai này bằng một chiến lược đầu tư lực lượng kế thừa từ hai năm nay. Cách đây một thời gian, có một quỹ muốn đầu tư vào công ty, đã cảnh báo tôi: “Đức Thành nếu không có Liễu, sẽ đi xuống!”.
Tôi giật mình, thấy quả tình mình đã ôm đồm nhiều quá. Tôi quyết định mạnh dạn phân cấp, phân quyền, chịu đựng “những điều không đúng ý mình” một thời gian. Thế là cho đến nay, tôi có thể an tâm đi nghỉ mát Đà Lạt hay nghỉ ở nhà, mà công việc vẫn chạy tốt. Nguyên tắc của tôi là vừa giao quyền, vừa kiểm tra. Như chị thấy đấy, 12 giờ khuya rồi mà vẫn còn nhân viên đến nhà báo cáo sổ sách, công việc thu chi cuối năm…
Nhờ có kiểm tra, mà tôi có thể vừa phát huy tối đa sáng tạo của mỗi người, vừa kịp thời động viên khi anh em làm tốt, uốn nắn liền khi họ làm sai. Từ đây tôi hiểu rằng trong một công ty, đừng bao giờ nên trông chờ hết vào một cá nhân. Phải tin, phải giao việc, càng tin người khác, mình càng nhận được nhiều hơn.
Anh Lê Như Ái (LNA) tiếp lời vợ: Sự nghiệp kinh doanh của tôi, suy cho cùng cũng là để cho con cái nối nghiệp. Xây dựng một nền móng “bê tông cốt thép” để con tôi có thể tiếp thu “chất lượng và sự bền vững”. Xã hội có phát triển tới đâu, con người có bay lên sao Hỏa, thì vẫn cần có nước.
Gia đình tôi là người gốc Huế, từ nhỏ, ăn chay niệm Phật đã trở thành thói quen thường ngày, nên dù không ai nói ra, cha mẹ đã truyền cho tôi một “tâm nguyện tự mình” đó là sống vì người khác. Tôi chỉ mong con cái mình cũng giống như ông bà, cha mẹ vậy, ở hiền gặp lành thôi. “Con gái nhờ đức cha”, mình ăn ở sao thì con mình sẽ được hưởng vậy mà…
Sự nghiệp kinh doanh của tôi, suy cho cùng cũng là để cho con cái nối nghiệp. Xây dựng một nền móng “bê tông cốt thép” để con tôi có thể tiếp thu “chất lượng và sự bền vững”.
____
Sau cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, chị lao vào công việc với tất cả nỗi đau lẫn niềm đam mê và nghĩ rằng cuộc đời thế là quá đủ. Nhưng chị đã gặp được anh, đó có phải là một “ân huệ trời cho”?
LNA: Chúng tôi vẫn thường nói với nhau “cảm ơn Trời Phật”. Cô ấy là một người trung thực, tốt bụng, đối với gia đình, bạn bè đều trọn vẹn. Chúng tôi hợp nhau vì những việc cô ấy làm đều cho mọi người, chính điều đồng cảm ấy giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. May mắn thay, vì ít có người phụ nữ nào vui lòng khi thấy chồng cứ mang tiền đi cho người khác, nhưng thực sự đấy chỉ là sự chia sẻ thôi, chứ nào đã phải là sự hy sinh.
LHL: Anh rất giống cha tôi ở tâm nguyện hay nghĩ cho mọi người, khi có tiền là biết chia sẻ. Tôi và anh giống nhau ở tính… hà tiện, có thể rất đắn đo khi mua một chiếc xe cho chính mình, nhưng không hề ngần ngại khi chi hàng trăm triệu cho một ca mổ tim của một nhân viên… Tôi đã từng sống trong nhung lụa, rồi lại từng phải làm rẫy, trồng khoai, bán vải đầu cây kiếm sống cho gia đình từ khi còn rất trẻ nên hiểu giá trị đồng tiền nhưng không lệ thuộc vào nó. Mình làm ra tiền để giúp đỡ người khác, niềm vui từ đó được nhân lên.
____
Hai giám đốc… yêu nhau như thế nào nhỉ? Có bao giờ anh cảm thấy mất tự tin vì lấy một người vợ khá nổi tiếng trên thương trường?
LHL: Một thời gian rất dài anh chỉ đứng từ xa, quan sát tôi “đi về một mình”. Mãi sau này tôi mới biết vợ anh đã mất vì căn bệnh ung thư. Anh quá tốt đến mức tôi cứ sợ hạnh phúc mình có được là… không có thực. Không uống rượu, không hút thuốc, không lăng nhăng, là người đàn ông của công việc và gia đình. Tình cảm của anh đối với con của tôi và của anh đều như nhau. Đi đâu thì đi, buổi chiều cũng phải ăn cơm chung với gia đình. Nhưng anh cũng có nhược điểm là nóng tính và dễ… xiêu lòng!
LNA: Nhiều người cũng hay hỏi tôi câu đó, nhưng tôi rất tự tin. Tôi thấy không có sự chênh lệch nào giữa tôi và Liễu. Trước mắt tôi, Liễu là một người vợ. Trên thương trường đã quá nhiều sóng gió, nên tôi muốn có một mái ấm bình yên.