Năm 2014 đi qua để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ cho ngành hàng không dân dụng thế giới, bên cạnh những sự tăng trưởng khởi sắc sau một thời gian dài bị đóng băng, các hãng hàng không trên khắp thế giới cũng trải qua một năm đầy những biến động với đại dịch Ebola và những vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất.
Tuy nhiên, bất chấp những yếu tố tác động tiêu cực, nội lực phát triển của ngành vận chuyển hàng không thế giới vẫn đang thể hiện sức vươn lên mạnh mẽ trong năm vừa qua và còn hứa hẹn sẽ có những tăng tốc mạnh mẽ cho năm 2015, đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thế giới: Vượt lên biến động
Bất chấp những biến động liên quan đến an toàn an ninh của ngành vận chuyển hàng không thế giới trong năm 2014 sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này vẫn đạt được những con sốấn tượng, điều này có được chủ yếu từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn tốt nhất.
Theo thống kê sơ bộ được cung cấp từ ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), khoảng 3,2 tỉ hành khách đã sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không trong năm 2014 cho mục đích du lịch và công tác tăng khoảng 5% so với năm 2013 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt đến con số 6,4 tỉ hành khách cho đến năm 2030 dựa trên những sự tính toán hiện nay.
Số chuyến bay đáp đạt 33 triệu chuyến trên toàn cầu tạo nên một kỷ lục mới và vượt trội hơn năm 2013 xấp xỉ 1 triệu chuyến. Sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế toàn cầu và những tiến bộ của ngành thương mại thế giới đã giúp cho tỷ lệ tăng trưởng của ngành vận chuyển hành khách hiện đại này đạt con số 5,9% (tính theo RPKs) so với 5,5% của năm 2013.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là thị trường vận chuyển hàng không lớn nhất thế giới trong năm 2014 với thị phần chiếm giữ lên đến 31% tính theo RPKs. Thị trường lớn thứ 2 và 3 là châu Âu và Bắc Mỹ với các con số thị phần lần lượt là 27% và 25%. Khu vực Trung Đông chiếm giữ 9% và đạt kỷ lục về tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với con số là 12,8%. Khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribbean tăng thị phần vững vàng với 5,9% trong khi khu vực châu Phi chỉ đạt 1,5%.
Số lượng hành khách trên các đường bay quốc tế trong năm 2014 đạt 6,3% tăng cao so với 5,7% của năm 2013. Với những sự phục hồi từ nền kinh tế của khu vực châu Âu, ngành vận chuyển hàng không tại khu vực này tăng 5,7% và được xem là thị phần rộng lớn nhất tính theo RPKs quốc tế với 38%. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương xếp vị trí thứ hai đạt 27% với tỷ lệ tăng trưởng 5,8%. Khu vực Bắc Mỹ cũng đạt con số tăng 3,1% trong những điều kiện tiến bộ đáng kể của nền kinh tế.
Với sự kết hợp của sức mạnh kinh tế và sự bùng nổ về mạng lưới hoạt động của các hãng hàng không, khu vực Trung Đông ghi kỷ lục tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất khi đạt hơn 13,4% so với năm 2013. Khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribbean vẫn ổn định với 6,2% mặc cho những suy yếu về kinh tế trong khi các hãng hàng không tại châu Phi vẫn tỏ ra chậm nhất về tỷ lệ tăng trưởng trên phân khúc này khi chỉ đạt 1,7%.
Phân khúc vận chuyển hàng không quốc nội của thế giới trong năm 2014 đã tăng 5,1% so với năm 2013 với khu vực Bắc Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương chiếm đến 82% của toàn thế giới (với 44% của Bắc Mỹ và 38% của châu Á – Thái Bình Dương). Thị trường quốc nội của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất 7,9% so với năm 2013, chủ yếu từ sự tăng trưởng của các hãng hàng không Trung Quốc vốn chiếm 60% tổng số các đường bay quốc nội trong khu vực.
Về tải trọng hàng hóa, ngành vận chuyển hàng hóa hàng không thế giới trong năm 2014, tính theo đơn vị FTK (Freight Tons – Kilometre), cũng đã có sự tăng trưởng mạnh khi đạt con số 4,6% tăng 0,4% so với năm 2013.
Việt Nam: Đủ mạnh mẽ để mở cửa bầu trời?
Hòa chung nhịp phát triển của thế giới, ngành vận chuyển hàng không VN trong năm 2014 cũng đã cho kết quả kinh doanh và tỷ lệ tăng trưởng mỹ mãn, mặc dù cũng là năm chứng kiến nhiều sự cố liên quan đến an toàn an ninh nhiều nhất.
Theo thống kê từ Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, năm 2014, tổng lượng khách đến và đi qua các cảng hàng không Việt Nam đạt mức trên 50,5 triệu tăng 14,7% và 905.000 tấn hàng hóa được vận chuyển bằng máy bay, tăng 18% so với năm trước. Thị trường khách nội địa ước đạt 17,5 triệu khách, tăng 20,5% so với năm ngoái.
Với sự tăng trưởng mạnh về hoạt động mở rộng và khai thác đường bay mới của các hãng hàng không cũng góp phần nâng số lượng chuyến bay thực hiện trong năm tăng 6% so với năm 2013. Tính đến thời điểm hiện tại tổng số tàu bay đăng ký quốc tịch và khai thác của các hãng hàng không trong nước là 145 chiếc, tăng 14 chiếc với tổng số giờ bay hơn 327.000 giờ, tăng 21,2% so với năm trước.
Sự thành công của thị trường hàng không VN tất nhiên đến từ sự đóng góp của ba hãng hàng không đang hoạt động là Hãng hàng không quốc gia VN – Vietnam Airlines, Công ty hàng không cổ phần Jetstar Pacific và Hãng hàng không tư nhân VietjetAir. Trong đó, Vietnam Airlines ước đạt số lượng khách vận chuyển trong năm 2014 khoảng 15,75 triệu khách, tăng 7% so với năm 2013, hệ số sử dụng ghế đạt xấp xỉ khoảng 80% đạt tổng doanh thu hợp nhất của tổng công ty khoảng 71.970 tỉ đồng, bằng 102% so với năm 2013.
Tương tự, kết quả kinh doanh năm 2014 của hãng hàng không tư nhân VietjetAir cũng khá sáng sủa đáp lại những nỗ lực mạnh mẽ của hãng trong suốt một năm qua. Việc công bố chương trình đón chào hành khách thứ 10 triệu của hãng trong thời gian gần đây, đã cho thấy sự tăng trưởng vượt trội của hãng hàng không này chỉ sau ba năm hoạt động. Theo công bố của lãnh đạo VietjetAir, năm 2014 hãng hàng không đã phục vụ gần 6 triệu hành khách với tỷ lệ tăng trưởng tăng 79% trên mạng đường bay nội địa và 50% trên mạng đường bay quốc tế cùng với doanh thu cũng đạt tỷ lệ tăng 50% so với năm 2013.
Nếu trên mạng đường bay quốc tế, hầu hết các hãng hàng không VN vẫn còn khá chật vật trong việc cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài thì tại thị trường nội địa cuộc tranh giành thị phần đang diễn ra khá kịch tính. Sự bùng nổ của VietjetAir có thể xem như là một hiện tượng ghi dấu ấn cho năm 2014 khi không ngừng tăng tỷ lệ nắm giữ thị phần với mốc chạm vào thời điểm cuối năm dự đoán đến 35%.
Cùng với sự kiện đưa vào khai thác chính thức nhà ga T2 sân bay Nội Bài, trong năm 2014 ngành hàng không VN cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác 16 công trình, đang thực hiện tám dự án đầu tư và khởi công tám công trình mới cùng với việc chuẩn bị đầu tư 13 dự án và thẩm tra thiết kế 14 công trình khác.
Năm 2015 sẽ là năm đánh dấu cột mốc quan trọng đối với ngành vận chuyển hàng không nước ta khi chính thức gia nhập vào thị trường hàng không thống nhất của khu vực ASEAN. Việc mở cửa bầu trời, tự do hóa thương quyền vận chuyển vừa là cơ hội để những cánh bay mang thương hiệu VN rộng đường ra với khu vực, nhưng cũng là những thách thức đáng lo lắng về khả năng cạnh tranh của các hãng hàng không và các cảng hàng không trong nước.
Một điểm đáng phấn khởi từ đánh giá của ICAO, VN sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời dự báo đến năm 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của VN đạt tương ứng 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm.
Đứng trước một năm đầy cơ hội và thách thức, với hàng loạt những vấn đề đang gây sốt như sự gia tăng các sự cố an toàn an ninh, sự yếu kém về văn hóa văn minh hàng không và cả về vấn đề số lượng cũng như chất lượng nhân sự, có lẽ ngành vận chuyển hàng không VN cần nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể vững vàng trước những làn sóng cạnh tranh mới.