Ngoài ra, trong tháng 2-2012, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn. Trước đó, cuối năm 2011 cũng đã đưa ra 30.000 tỉ đồng để cứu trợ các ngân hàng mất khả năng thanh khoản.
Ông nói: “Tổng các gói tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra như vậy có khối lượng vô cùng lớn. Chính vì vậy mà từ chỗ cuối quý IV-2011 là các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt, nhưng đến nay thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể”.
Tuy được cải thiện nhưng thanh khoản hiện vẫn chưa đảm bảo vững chắc, nên các ngân hàng chưa dám tăng trưởng tín dụng một cách mạnh mẽ.
Một thông tin khác cũng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói trước Quốc hội: “Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu trong toàn hệ thống đã tăng từ mức 6% đến 10%, vì thế đã làm chi phí vốn thực tế của các ngân hàng thương mại rất cao. Do vậy, chiều hướng chung của lãi suất là có giảm nhưng chưa giảm được như mong muốn của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để kích thích tín dụng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, có được lãi suất thấp hơn, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp chính.
Thứ nhất, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất xuống. Từ ngày 11-6 trần lãi suất huy động VND được giảm xuống 9%/năm, được giải thích là phù hợp với diễn biến của lạm phát và trên cơ sở đó để yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm một bước mạnh nữa lãi suất cho vay.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, góp phần xử lý khoảng trên dưới 100.000 tỉ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc là bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó có lượng vốn cần thiết để cho vay.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp hiệu quả với các chính sách tài khóa, trong đó có việc giải ngân 50.000 tỉ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng.