Chính phủ Nga vừa cho biết sẽ chi ít nhất 2,34 ngàn tỉ rúp, tương đương 35 tỉ USD để tìm cách chặn đứng một cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi dầu và đồng rúp bị phá giá, đồng thời đang chịu các cấm vận kinh tế từ phương Tây vì vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
Nga sẽ chi tiêu phần lớn số tiền nói trên vào các khoản vay liên bang, hưu trí và tái tăng cường vốn cho các ngân hàng của nước này. Nga cũng sẽ công khai các cắt giảm chi tiêu. Trong vòng ba năm tới, phần lớn mọi chi tiêu, trừ các chương trình xã hội và quân sự, đều sẽ bị ảnh hưởng.
Chính phủ Nga sẽ chi khoảng một ngàn tỉ rúp để tái tăng cường vốn cho ngân hàng thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ. Kế hoạch bao gồm một chương trình riêng biệt giúp tái tăng vốn một số ngân hàng với 250 tỉ rúp, trong khi 300 tỉ rúp sẽ do Ngân hàng Phát triển Nhà nước (Vnesheconombank) cung cấp. Sẽ có thêm 200 tỉ rúp ở dạng các đảm bảo của nhà nước cho các dự án đầu tư tài chính và các chính quyền địa phương sẽ nhận 160 tỉ rúp từ các khoản vay của liên bang.
Trong khi đó chính phủ đề xuất cắt giảm chi tiêu công cộng 10% trong năm nay và 5% trong hai năm tới. Các cắt giảm này sẽ phải được Quốc hội Nga phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành.
Trước đó, ngày 27-1, Standard & Poor’s là hãng xếp hạng tín dụng phương Tây lần đầu tiên hạ bậc tín nhiệm Nga xuống mức “rác”, đồng thời cả Fitch và Moody’s cũng đều đưa ra cảnh báo tương tự. Lập tức thị trường chứng khoán Nga chao đảo.
Theo hãng tin AFP, mức tín nhiệm xuống thấp cho thấy viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Nga đã suy yếu và khả năng linh hoạt về chính sách tiền tệ rất hạn chế. S&P dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 2,6% trong năm 2015.
Phản ứng lại, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silualov chỉ trích quyết định của S&P là “bi quan quá mức” và không tính đến những điểm mạnh của nền kinh tế Nga.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở cuộc họp để thảo luận các biện pháp chống khủng hoảng kinh tế. Kế hoạch này cần khoảng 21 tỉ USD để thực hiện.
Chưa biết liệu kế hoạch chống khủng hoảng của điện Kremlin có hiệu quả hay không khi giá dầu thô vẫn còn duy trì ở mức thấp.
Vào tuần trước, Quỹ tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng kinh tế của Nga năm nay sẽ giảm 3% và năm 2016 sẽ giảm 1%. Hiện nay giá đồng rúp cũng giảm xuống 1 USD đổi được 67,9 rúp.
T.K (DNSGCT)