Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào một cuộc đấu tranh khốc liệt về chính trị, ngoại giao và kinh tế nhằm duy trì sựổn định của đồng tiền chung được xem là nền tảng của ngôi nhà chung hơn 300 triệu người. Tình hình gần đây cho thấy những cố gắng này chưa đưa đến kết quả nào. Một số nhà lãnh đạo đã lên tiếng báo động. Thủ tướng Đức, bà Angela Markel nói “nếu đồng euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại”. Cựu tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy từng dự đoán: “Nếu eurozone tan vỡ, châu Âu sẽ tan vỡ”. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorsky cảnh báo sự sụp đổ của EU có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất”.
Sau tiết lộ gần đây về cuộc họp nội các Anh liên quan đến một kế hoạch dự phòng đối với khả năng Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng euro (eurozone), các nhà phân tích cho rằng hiện nay xác suất Hy Lạp rời bỏ đồng tiền chung châu Âu là 50%. Và nếu điều này xảy ra thì sẽ tàn phá sựổn định kinh tế và xã hội của EU, thị trường lớn nhất trên thế giới và là đối tác thương mại và công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.
Điều đáng nói là sự rời bỏ khu vực đồng euro của Hy Lạp có thể gây ra hiệu ứng domino chính trị dẫn đến kết thúc 50 năm hội nhập tưởng chừng như không thể đảo ngược của châu Âu. Quan ngại này có cơ sở khi những rạn nứt về quyền lợi giữa các nước đã có dấu hiệu ban đầu. Chẳng hạn như dư luận ở Ý đang chống lại đồng euro khi ngành công nghiệp đầy sức mạnh của họ đã đánh mất các thị trường đang nổi vào tay Đức. Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các đảng theo quan điểm hoài nghi sức mạnh đồng tiền chung châu Âu đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận sau chiến thắng của đảng cánh tả cấp tiến Syriza tại Hy Lạp.
Tình hình bất ổn của khu vực đồng euro chắc chắn sẽảnh hưởng không nhỏ đối với Trung Quốc khi nền kinh tế nước này phụ thuộc vào dòng xuất khẩu khổng lồ chiếm đến 15% GDP, trong đó một phần tư kim ngạch thuộc về thị trường EU. Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất khẩu vào đầu năm 2015 của Trung Quốc đã bị chựng lại, trong khi tăng trưởng GDP của nước này ở mức 7,3%, thấp nhất trong vòng hai thập niên qua. Do vậy, suy cho cùng thì một sự rút khỏi eurozone của Hy Lạp dù trong ngắn hạn cũng gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế của Trung Quốc mà nếu điều này đến sớm thì tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 7%.
Một châu Âu bị chia rẽ cũng có thể làm cho các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) diễn ra nhanh hơn, làm gia tăng một trở ngại khác cho xuất khẩu của Trung Quốc khi nền kinh tế Mỹ tham gia vào sân chơi này. Một thảm họa về xuất khẩu như thế khiến người ta liên tưởng đến một sự thừa nhận trong phát biểu của ông Tập Cận Bình hai năm trước đây, theo đó cơn ác mộng lớn nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc là sự bất lực trong việc cung cấp việc làm cho 20 triệu công nhân từ các làng mạc xa xôi nhập cư mỗi năm tới các thành phố lớn của nước này.
Ngoài ra, khu vực eurozone suy tàn cũng là cơ hội bá quyền tiền tệ đơn phương của Mỹ cùng vị trí không thể suy suyển của đồng USD như loại tiền dự trữ tốt nhất thế kỷ XXI. Điều này ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh tế và chiến lược của Trung Quốc khi Mỹ có đặc quyền quá lớn trong việc trả nợ bằng đồng tiền riêng của mình. Chính điều này cho phép Washington có thể tài trợ cho ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới cũng như hỗ trợ cho hệ thống phúc lợi xã hội của mình.
Chúng ta đều biết từ nhiều năm nay, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược đa dạng hóa đồng nhân dân tệ, rời xa đồng USD và xích lại gần đồng euro như là thay thế tốt nhất biểu hiện qua việc giới lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng về sự cần thiết của một Liên minh châu Âu mạnh. Eurozone đổ vỡ sẽ khiến Trung Quốc đứng trước áp lực lựa chọn liệu có nên tự do hóa lĩnh vực tài chính vốn là lực cản quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của mình hay không, thậm chí có thể phải đối phó với sự tấn công của giới tài chính phố Wall.
Đừng quên điều đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc là vai trò của EU trong việc cân bằng chiến lược trước sự can dự toàn cầu của Mỹ không chỉ về thương mại mà còn cả về chính trị và quân sự. Một EU mạnh sẽ không sốt sắng ủng hộ nỗ lực của Mỹ kiềm chế Trung Quốc, giúp nước này không bị dồn vào thế chân tường. Điều này bắt nguồn từ vị thế rõ ràng của EU như một gã khổng lồ trung lập về an ninh ở Đông Á nhờ không có bất cứ căn cứ quân sự nào cũng như không có cam kết an ninh với bất cứ nước nào ở khu vực này.
Điểm sau cùng được nhiều nhà phân tích nói đến là sự sụp đổ kinh tế của eurozone cộng với tình hình hỗn loạn chính trị của châu Âu sẽ là lớp bụi che phủ sáng kiến của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về dự án khổng lồ “Một vành đai, một con đường”. Dự án này có hai mục tiêu chính là kết nối Trung Quốc với một số lượng ngày càng tăng các nước láng giềng và quan trọng nhất là kết nối Trung Quốc với thị trường châu Âu bằng đường sắt và đường biển, được ví von là “con đường tơ lụa”. Một dự án đa chiều như vậy đòi hỏi nỗ lực lớn cũng như cần cam kết của EU. Không có một EU mạnh, dự án này sẽ mất rất nhiều thời gian để triển khai cũng như mang lại giá trị thấp hơn khi các dòng chảy thương mại không được như kỳ vọng.
Viết Đĩnh tổng hợp (DNSGCT)