Khả năng trần lãi suất huy động tiếp tục giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khả năng lạm phát có được kiểm soát ở mức thấp hay không. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng phát biểu rằng nếu lạm phát năm nay dưới 6% thì sẽ có cơ sở để giảm lãi suất huy động, làm tiền đề để hạ lãi suất cho vay. Nhưng với chỉ đạo lần này của Chính phủ, người ta cho rằng việc hạ trần lãi suất huy động sẽ đến sớm hơn, giới doanh nghiệp sớm có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ…
Quả thực, một khi lạm phát được kiềm chế mà nền kinh tế vẫn trì trệ, tổng cầu không tăng, tốc độ tăng trưởng tín dụng âm… như hiện nay, thì việc giảm lãi suất là điều có thể được các nhà điều hành tính đến. Tuy nhiên, động thái này chưa chắc đã giúp được các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ, trong khi lại có ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Với tốc độ tăng của chỉ số CPI như từ đầu năm đến nay, việc đưa trần lãi suất huy động từ 8% xuống 7%/năm sẽ khiến lãi suất thực của tiền đồng tiến gần đến 0 hoặc âm. Đó là chưa kể một số yếu tố khiến chúng ta chưa thể yên tâm về lạm phát như giá xăng dầu, điện, gas… tăng lên, hay ảnh hưởng đến từ các biện pháp nới lỏng tín dụng để giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.
Có một thực tế là dư địa cho việc giảm lãi suất huy động không còn nhiều (1 – 2%/năm là tối đa) trong khi đây không phải là điều kiện tiên quyết để các ngân hàng thương mại giảm mạnh lãi suất cho vay từ mức cao như hiện nay, và vì thế khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của doanh nghiệp là không đơn giản. Trong khi các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nước ta vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn từ các ngân hàng.
Muốn giảm được chi phí vốn cấp cho nền kinh tế, vấn đề là phải thu hẹp được khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng. Một khi lãi suất cho vay giảm từ mức 13 – 15%/năm, thậm chí trên 15%/năm hiện nay xuống dưới 10%/năm thì các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung mới có điều kiện để phục hồi. Để giảm được độ chênh lệch này (khoảng 7%/năm), hoàn toàn tùy thuộc vào các ngân hàng.Tái cơ cấu để giảm chi phí, giảm lợi nhuận so với trước… là điều mà các tổ chức tín dụng cần phải thực hiện. Nếu không, dù trần lãi suất huy động có giảm thêm 1 – 2% đi chăng nữa, các doanh nghiệp chưa chắc đã vay được vốn giá rẻ.
Nếu không cân nhắc kỹ, các nhà hoạch định đưa ra quyết định giảm trần lãi suất huy động, rất có thể sẽ gặp phải những hệ lụy.Chẳng hạn, lãi suất giảm khiến việc huy động tiền gửi từ khu vực dân cư sẽ gặp khó, chuyện các ngân hàng phải lách trần lãi suất, chạy đua là có thể xảy ra.Khi ấy, Ngân hàng Nhà nước hoặc phải tăng trần lãi suất lên lại, hoặc làm ngơ cho sự lách luật từ phía các ngân hàng.
Mặt khác, khi lãi suất cho vay ở mức thấp, dưới 10%/năm trong khi lạm phát cao hơn mức đó chẳng hạn, hiện tượng cung tiền ồ ạt cho nền kinh tế có thể xảy ra, khiến cho lạm phát thêm trầm trọng, “Bong bóng bất động sản” đang được cả xã hội nỗ lực giải quyết hiện nay chính là hệ quả của một thời nới lỏng chính sách tiền tệ cách nay không lâu.
Vậy nên, quan trọng là giảm được lãi suất cho vay, chứ chỉ giảm trần lãi suất huy động là không đủ để giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Minh Hằng