Não của người mẹ và của đứa con có thể hoạt động như một mạng lưới rất lớn nhờ sự đồng bộ hóa các sóng não khi tương tác. Mức độ kết nối của sóng não thay đổi tùy theo trạng thái cảm xúc của người mẹ, là khi người mẹ thể hiện nhiều cảm xúc tích cực não của họ sẽ kết nối mạnh mẽ với não của đứa con. Điều này giúp trẻ được học hỏi, và kích thích sự phát triển của não.
Nghiên cứu này được công bố trên the Journal NeuroImage, thông qua việc sử dụng phương pháp điện não đồ kép (EEG) để xem xét các tín hiệu não của người mẹ và trẻ sơ sinh, khi tương tác với nhau. Kết quả phát hiện sóng não của người mẹ và trẻ có xu hướng đồng bộ hóa – được gọi là hiệu ứng kết nối thần kinh giữa cá nhân với nhau, đặc biệt ở tần số từ 6 đến 9 hertz, trong phạm vi sóng alpha của trẻ sơ sinh.
Bằng cách xem xét các đặc tính và cấu trúc của kết nối thần kinh giữa các cá nhân nhờ sử dụng phương pháp toán học về phân tích mạng lưới, các nhà nghiên cứu có thể biết cách thông tin được truyền đạt từ mỗi vùng não riêng biệt, và làm thế nào hai bộ não cùng lúc hoạt động như một mạng lưới. Não của người mẹ và trẻ sơ sinh có xu hướng kết nối rất chặt chẽ, khi cả hai dành nhiều thời gian bên nhau trong một trạng thái tích cực. Từ đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự tương tác tích cực như giao tiếp nhiều bằng mắt, tăng cường khả năng hoạt động não của người mẹ và trẻ sơ sinh như một hệ thống duy nhất.
Chủ trì nghiên cứu, tiến sỹ Vicky Leong, khoa Tâm lý của trường Đại học Cambridge, cho biết:”Chúng tôi nhận thấy khi giữa người mẹ và trẻ có kết nối thần kinh mạnh mẽ, trẻ sẽ dễ tiếp nhận và sẵn sàng học hỏi từ người mẹ. Lúc này, não của trẻ có sự thay đổi đáng kể, và những thay đổi đó được thúc đẩy bởi những trải nghiệm của trẻ. Bằng cách sử dụng một tín hiệu cảm xúc tích cực trong các tương tác xã hội, cha mẹ có thể kết nối tốt hơn với trẻ, và kích thích sự phát triển năng lực tinh thần của trẻ”.
Kết quả này còn cho thấy, những trẻ mẹ mắc chứng trầm cảm có khả năng học hỏi thấp hơn do kết nối thần kinh giữa người mẹ và trẻ yếu hơn. Trong khi đó, những người mẹ có trạng thái tinh thần thấp hoặc tiêu cực dai dẳng do trầm cảm lâm sàng có xu hướng ít tương tác với đứa con hơn. Những người mẹ này thường có tông giọng thấp, ít giao tiếp bằng mắt và ít phản ứng khi đứa con cố gắng thu hút sự chú ý của họ.
“Thực tế là, cảm xúc của chúng ta thay đổi tương ứng với việc não chia sẻ thông tin với người khác, và những cảm xúc tích cực giúp ta gaio tiếp có hiệu quả hơn. Ngược lại, trầm cảm có thể tác động tiêu cực đến khả năng thiết lập sự kết nối với đứa con”, TS Leong cho biết thêm. Giao tiếp cảm xúc giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ, nhưng ít ai biết về những điều này. Vì thế, đây là nghiên cứu đầu tiên về hình ảnh não của hai cá nhân có liên quan, để điều tra về kết nối thần kinh giữa các cá nhân, giữa người mẹ và trẻ sơ sinh, chịu sự ảnh hưởng bởi chất lượng cảm xúc của sự tương tác xã hội.
Chúng ta có xu hướng chia sẻ những trạng thái cảm xúc với người khác. Điều này cho thấy cảm xúc tạo ra sự thay đổi giữa hai cá nhân về phương diện kết nối thần kinh. Các nhà nghiên cứu nói rằng, những phát hiện của họ áp dụng cho nhiều trường hợp kết nối khác nhau bao gồm giữa các cặp vợ chồng, bạn thân, và anh chị em. Sức mạnh của ảnh hưởng có thể phụ thuộc vào mức độ thấu hiểu giữa hai người và mức độ tin tưởng của họ dành cho nhau.