Trong hai ngày 28 và 29-5-2016, hơn 280 bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành về nội tim mạch và nội thần kinh tại TP.HCM và Hà Nội đã tham dự hội thảo khoa học về quản lý huyết khối và dự phòng đột quỵ. Hội thảo do Hội Tim mạch TP.HCM tổ chức với sự tài trợ của Văn phòng đại diện Bayer (South East Asia) Pte Ltd tại TP.HCM.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ. Trong số này, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong. Đột quỵ cũng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là nguyên nhân gây chết người đứng hàng thứ ba trên thế giới. Tại Việt Nam, theo PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chủ tọa hội thảo, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng. Vì thế, nâng cao nhận thức về quản lý huyết khối, dự phòng đột quỵ; cũng như tăng cường áp dụng các thành tựu y khoa trong chăm sóc, điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân được xem là chìa khóa giúp giảm thiểu gánh nặng về kinh tế – xã hội do huyết khối và đột quỵ gây ra. “Tại Bayer chúng tôi cam kết đem đến cho bệnh nhân Việt Nam những giải pháp tiên tiến để dự phòng đột quỵ và quản lý huyết khối. Chúng tôi cũng làm việc với cộng đồng y khoa để đưa những giải pháp mới này đến với bệnh nhân”, bác sĩ Lynette Moey, Giám đốc nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam cho biết.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các bác sĩ và chuyên gia đã cùng chia sẻ nhiều vấn đề xoay quanh hai chủ đề chính: Tối ưu hóa quản lý đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ và Liệu pháp kháng đông nhanh và hiệu quả trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Theo PGS-TS-BS Trương Quang Bình chia sẻ tại hội thảo, rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim dẫn đến tình trạng ứ đọng máu bất thường trong buồng tim và từ đó dẫn đến sự hình thành các cục máu đông, còn gọi là huyết khối, trong buồng tim. Cục máu đông này có thể bung ra và di chuyển lên não gây gián đoạn việc cung cấp oxy lên não, dẫn đến đột quỵ. Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ, đồng thời, bệnh nhân bị đột quỵ do rung nhĩ thường phải nằm viện lâu hơn, đối mặt với nguy cơ tàn phế và tử vong cao hơn đột quỵ do những nguyên nhân khác, với tỷ lệ tử vong là 50%. Do đó, khi có các triệu chứng đánh trống ngực, mệt mỏi, đau ngực, choáng váng, khó thở, ngất… bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ quan y tế để kiểm tra sức khỏe và xác định tình trạng rung nhĩ và có biện pháp điều trị phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là 38% bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng và chỉ có thể được phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ.
Bên cạnh các phương pháp thực hành tiêu biểu trong quản lý huyết khối cho bệnh nhân, hội thảo cũng mở ra diễn đàn thảo luận về thực trạng, thách thức và giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân huyết khối tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện nay đột quỵ do rung nhĩ có thể được dự phòng bằng các giải pháp chống huyết khối, trong đó, kháng vitamin K (wafarin) được xem là tiêu chuẩn vàng trong phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, điều trị với giải pháp kháng vitamin K truyền thống, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên, xét nghiệm máu và chỉnh liều thuốc, theo dõi tương tác với thuốc và thức ăn… Với các tiến bộ y học hiện đại, nhóm thuốc kháng đông đường uống mới ra đời được xem là liệu pháp thay thế kháng vitamin K truyền thống.
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cho biết nhóm thuốc kháng đông đường uống mới ra đời đã được chứng minh có hiệu quả tương đương và giúp giảm nhiều hơn tỷ lệ xuất huyết nặng so với kháng vitamin K, với các ưu điểm: liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không phải theo dõi xét nghiệm máu nên thuận tiện hơn cho bệnh nhân. Kết quả thử nghiệm lâm sàng pha 3 EINSTEIN năm 2013 cũng cho thấy liệu pháp dùng thuốc kháng đông đường uống mới có khởi phát tác dụng nhanh, giúp đơn giản hóa việc trị liệu thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch; đồng thời giúp rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
- Phước Vũ