Thời Trung cổ được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là một thời kỳ mà người giàu có sở hữu mọi thứ, còn người nghèo không sở hữu được cả bản thân của họ. Sau hàng ngàn năm, tình thế đã đổi khác, người nghèo đã có nhiều cơ hội để có một đời sống khá hơn, nhưng đến năm 2014 này, khoảng cách giàu – nghèo vẫn còn xa vời vợi. Trên bình diện thế giới, người giàu vẫn ngày càng giàu hơn, còn người nghèo thì thoát nghèo một cách chậm chạp. Ở Ấn Độ chẳng hạn, trong ngôi nhà chung của 1,2 tỉ người này, chỉ trong vòng một thập niên, số tỉ phú đã tăng gấp 10 lần! Theo những số liệu của tổ chức phát triển quốc tế Oxfam, năm 2003, giới tỉ phú Ấn Độ sở hữu 1,8% tài sản quốc gia thì năm 2008, tỷ lệ tài sản quốc gia mà họ sở hữu đã lên đến 16%. Trong khi đó, sự giảm nghèo trong xã hội Ấn Độ diễn ra một cách chậm chạp: năm 1981 có 429 triệu người cực nghèo thì gần 30 năm sau, năm 2010, số này còn lại 400 triệu người. Còn theo Ngân hàng Credit Suisse, hiện nay 10% dân số trên hành tinh sở hữu đến 86% tổng tài sản trên thế giới, trong khi trên 3 tỉ người nghèo nhất chỉ sở hữu 3% tài sản.
Khoảng cách giàu – nghèo
Hiện nay giới trung lưu, hay thành phần “những người không nghèo” đang tiếp tục mở rộng, đặc biệt tại những nước đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 30 năm qua, tình trạng cực nghèo cũng giảm xuống, với hơn nửa dân số của các nước đang phát triển sống cực nghèo vào năm 1981 và đến năm 2010 chỉ còn 21%. Nhưng, như trên đã nêu, khoảng cách giàu – nghèo vẫn chưa được thu ngắn, ngay cả ở Mỹ và châu Âu. Có một kết quả khảo sát khiến không ít người ngạc nhiên, đó là châu Mỹ Latinh, trong mấy năm qua, lại là khu vực có sự thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo hiệu quả nhất. Năm 1990, số người nghèo ở khu vực này chiếm đến 48,4%, thì đến năm 2013 chỉ còn 27,9%, số người cực nghèo cũng ở mức thấp nhất là 11,5%. Châu Mỹ Latinh cũng là khu vực mà mức thu thuế khóa tăng nhanh nhất trong những năm vừa qua, sự mất quân bình trong thu nhập cũng giảm đi ở 14 trong 17 nước được khảo sát, với khoảng 50 triệu người leo từ mức thang nghèo lên trung lưu. Dù còn nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển kinh tế, nhưng chỉ riêng việc thu ngắn cách biệt giàu – nghèo cũng là một thành tích đáng ca ngợi của châu Mỹ Latinh.
Lê Cẩn tổng hợp