Việc Mỹ chuẩn bị tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á được cho là để đối phó với những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua. Kế hoạch của Mỹ được đặt tên Không – Hải chiến (tạm dịch từ: Air-Sea Battle) sẽ kết hợp sức mạnh của hai lực lượng không và hải quân nhằm ngăn chặn những chuyển biến xấu trong khu vực phát xuất từ hai thế lực được quan tâm là Trung Quốc và Iran. Kế hoạch đang được Không lực Mỹ thực hiện là triển khai hoạt động ở Úc, đưa máy bay phản lực đến căn cứ không quân Changi East ở Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, căn cứ không quân Trivandrum ở Ấn Độ, các sân bay ở Indonesia, Malaysia và có thể cả những căn cứ không quân Kubi Point và Puerto Princesa ở Philippines. Được biết Không lực Mỹ hiện có chín căn cứ không quân lớn ở nhiều nước, và theo tướng Carlisle, Mỹ không chủ trương xây dựng thêm các căn cứ mới trên Thái Bình Dương, chỉ cải thiện hay mở rộng chúng. Mỹ dự trù mua lại 33ha đất trên hòn đảo Saipan ở Thái Bình Dương để xây dựng một sân bay nguyên là căn cứ không quân của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Sự hình thành căn cứ dành cho máy bay phản lực tại đây sẽ tạo thế liên hoàn với căn cứ không quân khổng lồ trên đảo Guam, nơi xuất phát của loại pháo đài bay B-52 của Mỹ.
Cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái) và Trung Quốc
Phản ứng của Trung Quốc trước những diễn tiến trên của Mỹ chưa có gì rõ rệt. Trong chuyến thăm Mỹ vào hạ tuần tháng 8 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, ông cùng người đồng cấp phía Mỹ là Chuck Hagel cùng xác định sẽ tăng cường các mối quan hệ về quân sự, nhưng người ta dễ dàng nhận thấy trong tuyên bố chung sự dè đặt của phía Mỹ để không làm phức tạp thêm mối quan hệ với các đồng minh ở Thái Bình Dương.
Lê Nguyễn tổng hợp